Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó chánh tòa Hình sự phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Phan Thương
|
Nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo bộ luật Hình sự quy trách nhiệm của pháp nhân là cần thiết, bởi thực tế trong những năm gần đây liên tục xảy ra các vụ việc do pháp nhân thực hiện, gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng, trong khi các chế tài hành chính, dân sự hiện có không đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn các vi phạm. Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, đề nghị “cần có bước đi phù hợp”, bởi quy định phạm vi quá hẹp thì hiệu quả của chế định không được phát huy; phạm vi quá rộng sẽ không lường trước hết những tác động. “Vào thời điểm này chỉ nên tập trung đưa các nhóm tội phạm đang gây bức xúc dư luận và có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước, như: tội phạm về môi trường, hoạt động kinh doanh chứng khoán, trốn thuế hoặc liên quan đến việc trốn, không đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người lao động, hối lộ, rửa tiền”, ông Hậu nói.
Nhìn ở một góc độ khác, ông Trần Anh Dũng, kiểm sát viên của Viện Phúc thẩm 3 (Viện KSND tối cao), cho rằng phải quy trách nhiệm hình sự để pháp nhân nhận thấy tầm quan trọng của mình mà làm việc hoặc đưa ra các quyết định liên quan đến hoạt động của công ty cặn kẽ. Hơn nữa, mô hình doanh nghiệp hiện nay đa phần hoạt động trên tinh thần quyết định tập thể, số đông, nếu chỉ quy trách nhiệm hình sự với cá nhân thì sẽ khó và không công bằng. “Quy trách nhiệm hình sự cũng nhằm tránh trường hợp pháp nhân cố tình giải thể hoặc tuyên bố phá sản, nhưng sau đó thành lập một pháp nhân khác nhằm trốn tránh nghĩa vụ cũng như trách nhiệm”, ông Dũng nói.
Liên quan đến án tử hình tại quy định phần chung trong bộ luật Hình sự, có nhiều ý kiến cho rằng phương án của dự thảo không phù hợp. Cụ thể, dự thảo nêu tử hình là hình phạt đặc biệt, chỉ áp dụng đối với người phạm tội khi có đủ hai điều kiện: tội đã phạm là tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do bộ luật này hoặc luật khác quy định; người phạm tội là người tổ chức, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, người phạm tội một cách man rợ, dã man, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng.
Theo thẩm phán Vũ Phi Long, Phó chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM, nếu quy định như trên thì án tham nhũng sẽ không bao giờ có hình phạt tử hình. “Thực tiễn xét xử cho thấy, nhóm tội phạm tham nhũng luôn có nhân thân tốt, không bao giờ có tiền án, tiền sự. Như vậy, nếu vận dụng theo dự thảo, khi các bị cáo không đáp ứng được một trong hai điều kiện (điều kiện thứ 2 - PV) thì làm sao chúng tôi tuyên án tử hình”, thẩm phán Long nói.
Đồng tình, thẩm phán Lê Thanh Phong, Chánh án TAND Q.7, nhận xét quy định về hình phạt tử hình nên giữ nguyên như pháp luật hiện hành, còn nếu theo dự thảo thì “vô tình loại bỏ án tham nhũng ra khỏi khung hình phạt cao nhất và rất khó có được sự đồng tình của người dân”.
Bình luận (0)