Quy ước và sự hồi sinh của cá mát

Khánh Hoan
Khánh Hoan
09/12/2021 05:10 GMT+7

Cá mát, một đặc sản ở miền tây xứ Nghệ, có nguy cơ biến mất trước kiểu đánh bắt tận diệt của con người đã bất ngờ hồi sinh một cách kỳ diệu nhờ ý thức bảo vệ, tái tạo của cộng đồng dân bản ở Nghệ An.

Hình thù giống con cá trôi, nhưng trọng lượng lớn nhất, cá mát chỉ đạt 0,5 kg/con. Cá mát sống ở các khe suối trong rừng đầu nguồn, thức ăn là rêu bám trên đá nên chúng là loại thực phẩm sạch.

Thịt cá mát rất lành, thơm ngon. Cá mát có giá 250.000 - 300.000 đồng/kg khiến chúng trở thành mục tiêu săn bắt ở mọi ngõ ngách khe suối bằng nhiều hình thức, trong đó có kích điện, đánh mìn. Sinh sản và phát triển khá nhanh, nhưng cách khai thác tận diệt này đã đe dọa đến sự sinh tồn của cá mát dù Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất nước với hệ thống khe suối khá nhiều.

Một con suối bảo tồn, tái tạo cá mát ở xã Tam Hợp

K.Hoan

Năm 2018, UBND xã Tam Hợp (H.Tương Dương, Nghệ An) đã lập quy ước để bảo tồn, tái tạo cá mát. Xã họp dân, nói rõ nguy cơ và mục tiêu bảo tồn các loài cá có giá trị, trong đó có cá mát. 5 khu vực suối chảy qua các bản trong xã, mỗi khu vực từ 800 - 1.000 m, được khoanh vùng cấm đánh bắt cá dưới mọi hình thức (ngoài các khu vực này, người dân vẫn được đánh bắt, nhưng chỉ sử dụng chài, lưới).

Người dân đồng tình ký cam kết thực hiện. Sau hơn 3 năm, người dân đồng lòng bảo vệ đàn cá, đến nay, cá mát đã phục hồi một cách kỳ diệu trên các đoạn suối này, trở thành niềm tự hào của cộng đồng người Thái, Khơ Mú, Tày Poọng ở đây. Sau Tam Hợp, một số xã ở các huyện Tương Dương và Kỳ Sơn (Nghệ An) cũng làm theo mô hình này và cá mát đã tái sinh nhiều trên các đoạn suối được khoanh vùng bảo vệ.

Mục tiêu bảo tồn nhằm giúp những đàn cá sinh sản, nhân giống. Lớn lên, chúng bơi ra khỏi “tổ” (khu vực được bảo vệ), người dân được phép đánh bắt. Quy ước bảo vệ cá mát là cách làm quá tốt khi gắn khai thác với bảo vệ và làm thay đổi nhận thức chiếm hữu không hạn chế của nhiều người về “chim trời, cá nước ai được thì ăn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.