Trước những bất lợi đối với người lao động, trong góp ý dự thảo luật BHXH (sửa đổi) gửi Bộ LĐ-TB-XH mới đây, Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đề xuất bỏ quy định sau 1 năm mới cho nhận BHXH một lần.
Theo dự thảo luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐ-TB-XH đưa ra 2 phương án bổ sung quy định theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu.
Phương án 1 (giữ nguyên quy định hiện hành), người lao động tham gia dưới 20 năm BHXH và sau 1 năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thì được rút một lần.
Phương án 2, cho người lao động rút một lần song tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Sau 12 tháng, người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Theo Tổng LĐLĐ, với phương án 2 cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng bởi việc điều chỉnh này rất nhạy cảm. Dù dự kiến của chính sách quy định theo hướng nếu lao động có yêu cầu thì vẫn được giải quyết một phần (tối đa là 50%), phần còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu thì với phần đông người lao động sẽ vẫn cho rằng chính sách này gây bất lợi với bản thân họ.
"Đặc biệt, trong những năm gần đây, sau nhiều thay đổi khiến người lao động thấy mình "đang chịu phần thiệt" như việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian tham gia BHXH để được hưởng mức lương hưu tối đa… thì việc "ràng buộc" trong hưởng BHXH một lần có thể tiếp tục gây bất lợi cho người lao động", Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu quan điểm.
Ngoài ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá, cả 2 phương án đều áp dụng điều kiện "sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện", thực chất là chấm dứt hợp đồng lao động, không tham gia vào quan hệ lao động mới cho người lao động được hưởng BHXH một lần là không phù hợp với mục đích và bản chất của BHXH một lần.
Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất: "BHXH một lần là nhằm đáp ứng linh hoạt nhu cầu cấp bách của một bộ phận người lao động mất việc làm, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, để đảm bảo duy trì cuộc sống. Tình trạng "bán non sổ BHXH" cũng như tín dụng đen vừa qua cũng xuất phát từ quy định trên. Vì vậy, đề nghị xem xét để giảm điều kiện về thời gian từ 12 tháng xuống mức khoảng 3 tháng…".
Đồng quan điểm, BHXH Việt Nam cũng đề xuất bỏ quy định trên và cho rằng, quy định này không có tác dụng ngăn tình trạng nhận BHXH một lần. Ngược lại, việc chờ thêm 1 năm phát sinh tình trạng thu gom sổ BHXH dưới hình thức ủy quyền nhận BHXH một lần, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, gây mất trật tự an toàn xã hội khi phát sinh tranh chấp.
Lý giải về việc đưa ra 2 phương án rút BHXH một lần, Bộ LĐ-TB-XH cho hay, trong giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm có khoảng gần 750.000 người hưởng BHXH một lần.
Đặc biệt, số người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng qua từng năm đang đặt ra thách thức đối với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới độ bao phủ đối tượng hưởng lương hưu tăng chậm. Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong những người nhận BHXH một lần, chỉ có gần 10% đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên.
Nguyên nhân là do người lao động có khó khăn, điều kiện hưởng BHXH một lần quá dễ dàng; thiếu chiến lược truyền thông khiến niềm tin của người dân vào hệ thống BHXH giảm sút; quy định thời gian đóng BHXH 20 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu quá dài… Vì vậy, Bộ LĐ-TB-XH đưa ra 2 phương án bổ sung quy định theo hướng khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu.
Bình luận (0)