Lạ là chuyện này, lãnh đạo TP đã nhiều lần tuyên bố không cấm, tuyên bố dừng là vi phạm, nhưng vẫn không giải quyết được tình hình.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao lại có chuyện "trên bảo dưới không nghe" như vậy? Về phía các quận - huyện, có 3 khả năng.
Thứ nhất, do năng lực yếu kém nên sợ chịu trách nhiệm. Bởi việc ngưng hay giới hạn tách thửa cho người dân xuất phát từ việc Sở TN-MT TP đang có dự thảo sửa đổi Quyết định 33/2014 quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn. Dù mới chỉ là dự thảo, chưa biết có thông qua hay không, việc tách thửa sẽ thay đổi thế nào, thì một số quận - huyện đã tự động dừng luôn để tránh phải chịu trách nhiệm nếu có chuyện gì xảy ra sau đó. Suy nghĩ này cho thấy sự thiếu hiểu biết pháp luật của cán bộ quản lý ở một số quận - huyện.
Nên nhớ, khi sửa luật thì những quy định có lợi cho dân sẽ được quyền hồi tố mà không hồi tố trách nhiệm. Còn việc chính quyền tự ý dừng giải quyết hồ sơ tách thửa trong khi chờ sửa Quyết định 33 là vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân. Thiết nghĩ qua chuyện này cũng nên xem xét lại năng lực của cán bộ những quận huyện đã và đang ngưng hay hạn chế tách thửa. Một bộ máy chỉ chạy tốt khi được vận hành bởi người quản lý đủ trình độ, đủ năng lực, đủ tâm và tầm.
Khả năng thứ hai là cố tình "mượn" dự thảo để làm khó dân. Từ đó dẫn đến chuyện chạy chọt, xin xỏ, đi đêm... Bởi luật không cấm, lãnh đạo TP nhiều lần yêu cầu tiến hành việc tách thửa bình thường thì không có lý do gì các quận - huyện lại tự ý dừng ngang để nhận lại những bức xúc, oán thán của người dân, nếu không phải để vòi vĩnh.
Khả năng thứ ba là lộng hành, "cầm đèn chạy trước ô tô", lợi dụng dự thảo để tự ý ngưng hay hạn chế tách thửa cho người dân có nhu cầu. Việc "cát cứ" này ảnh hưởng đến môi trường sống của TP.HCM, nơi được coi là năng động nhất cả nước.
Về phía dự thảo cũng đang có một hạn chế rất lớn. Đó là yêu cầu các địa phương khi tiếp nhận hồ sơ xin tách thửa đất phải xác định thửa đất thuộc quy hoạch “khu dân cư hiện hữu” mới cho tách. Chỉ 2 chữ "hiện hữu" thôi, nhưng chắc chắn sẽ khiến việc tách thửa trên địa bàn TP.HCM "đứng bánh", bởi ngoài đất hiện hữu ra, tất cả các loại đất khác đều bị loại. Như vậy, quyền của người dân đã bị hạn chế. Bởi theo quy hoạnh 1/2.000, đất thuộc khu dân cư hiện hữu, xây dựng mới, cao tầng hay thấp tầng thì đều là khu dân cư. Quy hoạch này không nằm trong 4 loại quy hoạch phục vụ lợi ích quốc gia là điện, đường, trường, trạm nên nếu không giải quyết cho dân được tách thửa vì thiếu chữ "hiện hữu" là đi ngược với luật Đất đai và sẽ gây ra nhiều bức xúc sau này.
TP.HCM hiện có hơn 3 triệu người nhập cư là lao động tay chân, công nhân. Chỗ ở cho những người này hết sức bức thiết, trong khi thị trường bất động sản chỉ giải quyết được nhà ở cho một số ít người có tiền. Vì vậy, việc cho tách thửa là giải pháp hiệu quả để đáp ứng nhu cầu chỗ ở của họ. Vấn đề là quản lý, hậu kiểm khâu xây dựng, tách thửa để tránh các khu nhà ổ chuột, nhà "ba chung"... chứ không thể vì không quản được mà tìm cách cấm đoán, hạn chế như chúng ta đang làm hiện nay.
Bình luận (0)