Ông Zha Daojiong, giáo sư ngành Kinh tế chính trị quốc tế tại Khoa quốc tế, Đại học Bắc Kinh mới đây đã phân tích những yếu tố quan trọng thúc đẩy các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Zha Daojiong đồng thời là chuyên gia thường xuyên tham vấn cho các cơ quan chính phủ Trung Quốc trong các chính sách năng lượng cũng như kinh tế - chính trị.
"Quyền đánh bắt cá mới là vấn đề thực sự ở Biển Đông"
Theo AFP ngày 14.7, chuyên gia người Trung Quốc này đã chỉ ra rằng nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt tiềm năng tại Biển Đông không phải là trung tâm của vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Ông Zha Daojiong lập luận rằng lượng dầu mỏ, khí đốt ở Biển Đông chưa được biết đến rộng rãi, hơn nữa nếu Trung Quốc mua dầu mỏ từ các thị trường bên ngoài sẽ rẻ hơn so với chi phí để khoan lấy dầu ở sâu dưới nước tại Biển Đông.
Một cơ quan thuộc chính phủ Trung Quốc từng ước tính tại Biển Đông có khoảng 23 đến 30 tỉ tấn dầu mỏ và 16 nghìn tỉ m3 khí đốt. Con số này tương đương với 1/3 tổng lượng trữ lượng dầu mỏ và khí đốt của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Trả lời phỏng vấn Channel News Asia tại Bắc Kinh, ông Zha Daojiong khẳng định: "Dầu mỏ đúng là một nhân tố nhưng chắc chắn không phải là yếu tố hữu hình nhất. Tôi không nhận thấy dầu mỏ là lý do thuyết phục nhất đằng sau vấn đề Biển Đông". Theo chuyên gia này, không phải dầu mỏ mà quyền đánh bắt cá mới là vấn đề thực sự tại Biển Đông.
tin liên quan
Tàu hải cảnh Trung Quốc cản ngư dân Philippines tới bãi cạn ScarboroughCác tàu hải cảnh Trung Quốc ngày 14.7 đã ngăn cản tàu ngư dân Philippines tiến vào bãi cạn Scarborough.
Một thực tế rõ ràng rằng chính Trung Quốc là nước thường xuyên bị các nước trong khu vực cáo buộc về hành động ngăn cản quyền đánh bắt của ngư dân các nước khác. Hôm 12.7, Tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông đã khẳng định "Trung Quốc đã ngăn cản một cách bất hợp pháp việc ngư dân Philippines theo đuổi sinh kế bằng việc can thiệp vào các hoạt động đánh bắt cá truyền thống tại bãi cạn Scarborough". Mới đây nhất, truyền thông Philippines đưa tin tàu hải cảnh Trung Quốc ngày 14.7 tiếp tục ngăn cản ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough.
Hiến kế
Với những lập luận trên, chuyên gia Trung Quốc này cho rằng để giải quyết tranh chấp Biển Đông, các nước cần tập trung vào vấn đề phân chia việc đánh bắt cá, đồng thời tự kiềm chế trong việc khai thác cũng như phải bảo tồn nguồn cá. "Nhưng điều đáng buồn cho vấn đề Biển Đông là chẳng ai đề cập đến điều đó", ông Zha Daojiong nói.
Sau cùng, ông này đưa ra một đề xuất táo bạo rằng điều cuối cùng mà Trung Quốc nên làm là theo chủ nghĩa bành trướng với việc tập hợp một nhóm nước cùng tư tưởng để tích cực chiến đấu với khối ASEAN (?). Ông này cũng cho rằng ASEAN giống như một ngôi nhà có nhiều cột mà vấn đề Biển Đông là một trong những chiếc cột đó.
Bình luận (0)