Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng quả quyết: “Phải căn cứ vào quy định của Hiến pháp, quyền của người ta sao lại bảo là muốn hay không muốn. Bị can có quyền im lặng cho đến khi luật sư xuất hiện”.
Quyền im lặng là một trong những quyền hết sức quan trọng của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, được pháp luật tố tụng hình sự của nhiều nước trên thế giới ghi nhận. Hiến pháp Nhật Bản quy định “không ai bị giam giữ nếu không được thông báo tội trạng và không có luật sư bênh vực”. Luật Tố tụng hình sự Mỹ quy định cụ thể hơn: cảnh sát phải giải thích cho người bị bắt và thực thi việc đương sự có quyền im lặng cho đến khi mời luật sư. Ở ta, nó từng được đề cập (và chưa thông qua) khi làm bộ luật Tố tụng hình sự, và bây giờ có nguy cơ “lỡ đò” trong luật Tổ chức Viện KSND.
Điều 31, Hiến pháp 2013 quy định: Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Tuy nhiên pháp luật về tố tụng hình sự lại chưa có bất kỳ điều luật nào quy định quyền im lặng của bị can, bị cáo khi chưa có mặt luật sư, để bảo đảm rằng những lời khai của mình không có thể là bằng chứng buộc tội chính mình. Và đây là căn cứ khiến Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đòi hỏi các cơ quan tư pháp phải “căn cứ Hiến pháp” chứ không phải chuyện ý chí “muốn hay không” của bất kỳ cơ quan nào.
Phải thừa nhận thực tế rằng, cũng do chưa có quy định về quyền im lặng nên nhiều người bị tạm giữ, tạm giam khi không khai đã bị khép lỗi không thành khẩn và bị tăng nặng hình phạt. Còn nếu khai thì không chừng có khi bị coi là “khai báo quanh co”… Đã có một số vụ án từng bị chệch hướng, dẫn đến oan, sai do thiếu sự tham gia của luật sư từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng. Không hiếm người bị tạm giam, tạm giữ bắt buộc phải một mình đối diện với cơ quan điều tra trong khi thiếu hiểu biết về pháp luật.
Dân gian có câu “im lặng là vàng”, còn trong tố tụng hình sự, im lặng không chỉ là vàng mà còn là sự bảo đảm cho sinh mạng của một con người, cho dù người ấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Luật hóa “quyền im lặng” sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn cho công lý và hoạt động tư pháp. “Quyền im lặng” cũng giúp cơ quan điều tra không phải mang tiếng bị nghi ngờ về chuyện bức cung, nhục hình. Do vậy, các ngành liên quan cũng nên có sự nhất trí, đồng thuận về vấn đề này.
Đồng Nhân
Bình luận (0)