Quyền kế thừa của nhà nước và chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

16/01/2014 16:35 GMT+7

(TNO) Vào ngày 19.1.1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, khiến 74 chiến sĩ Quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH) hy sinh trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. [1]

Đảo Hoàng Sa thuộc cụm Lưỡi Liềm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - Ảnh: Google Earth
Đảo Hoàng Sa thuộc cụm Lưỡi Liềm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
- Ảnh: Google Earth
 

Trong 40 năm qua, có nhiều nghiên cứu, bài phỏng vấn, bài viết về trận đánh ở Hoàng Sa nói riêng và về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam nói chung, nhìn từ các góc độ khác nhau.[2]

Mục đích của bài viết này nhằm xét đến quyền kế thừa lãnh thổ, trên đất liền và trên sông, biển, của nhà nước, theo luật pháp quốc tế, ứng dụng vào chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa và những tình huống khác nhau để có hành động thiết thực, bảo vệ hữu hiệu quyền lợi Tổ quốc.

Vào đầu thập niên 1990, thế giới chứng kiến sự thay đổi địa chính trị lớn lao ở châu Âu, ảnh hưởng đến ranh giới lãnh thổ của nhiều nước trong khu vực như Đức, Liên Xô, Nam Tư, Tiệp Khắc...

Cùng với tranh chấp lãnh thổ thường xuyên xảy ra, sự thay đổi địa chính trị này góp phần gia tăng hiểu biết về quyền kế thừa lãnh thổ, thông qua quyết định của Tòa án Quốc tế.

Quyền kế thừa lãnh thổ của nhà nước chia làm các trường hợp khác nhau:

1. Quyền kế thừa từng phần:

- Một phần lãnh thổ của nhà nước A trở thành lãnh thổ của nhà nước đang hiện hữu B như trường hợp tiểu bang Alaska của Mỹ.

- Một phần lãnh thổ của nhà nước A trở thành nhà nước mới B như trường hợp Liên Xô, Nam Tư, Tiệp Khắc.

2. Quyền kế thừa toàn bộ:

- Toàn bộ lãnh thổ của nhà nước A sáp nhập vào nhà nước đang hiện hữu B như trường hợp Đức.

- Toàn bộ lãnh thổ của nhà nước A sáp nhập vào nhà nước mới B như trường hợp Việt Nam, Yemen.

Nhà nước A hay B bao gồm một hay nhiều nhà nước riêng biệt.

Ghi nhận một số trường hợp về nhà nước kế thừa:

1. Trường hợp Cộng hòa Liên bang Nam Tư (Serbia-Montenegro) (gọi tắt là Nam Tư) - sự kiện Liên Hiệp Quốc, trong một thời gian, không thu nhận nước này làm thành viên, khiến quyết định của Tòa án Quốc tế không đi sát với nguyên tắc thông thường, theo đó Nam Tư là nhà nước kế thừa, được quốc tế công nhận.[3]

2. Trường hợp Cộng hòa Liên bang Đức - khi Cộng hòa Dân chủ Đức ngưng hiện hữu năm 1990 và sáp nhập vào Cộng hòa Liên bang Đức, Tòa án Quốc tế được xem là đã sử dụng nguyên tắc “kế thừa tự nhiên” đối với Đức trong lãnh vực nhân đạo hay khi ứng dụng Công ước Diệt chủng. Cả hai nhà nước là thành viên Liên Hiệp Quốc từ năm 1973.[4]

3. Trong giải quyết tranh chấp Hungary-Slovakia về đập Gabcicovo-Nagymaros, Tòa án Quốc tế sử dụng nguyên tắc kế thừa tự nhiên trên cơ sở Điều 12, Công ước Vienna năm 1978. Slovakia là nhà nước kế thừa, được quốc tế công nhận, của Tiệp Khắc, và bị ràng buộc bởi Hiệp ước năm 1977 giữa hai nước. Tiệp Khắc, Hungary và Slovakia là thành viên của Liên Hiệp Quốc lần lượt từ năm 1945, 1955 và 1993.[5]

Qua một nghiên cứu trước đây, người viết chứng minh hai sự kiện:

1. Trong giai đoạn 1954-1976, có hai nhà nước riêng biệt, cùng hiện hữu trên đất nước Việt Nam, ngăn cách bởi vĩ tuyến 17.

2. Cộng đồng thế giới nói chung, Trung Quốc, Liên Xô, và Mỹ nói riêng, công nhận thực tế này.[6]

Trước hành động dùng vũ lực của Trung Quốc ở Hoàng Sa đầu năm 1974, vi phạm nghiêm trọng Điều 2, Khoản 4, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, hai chính thể ở phía Nam vĩ tuyến 17, Việt Nam Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam lên tiếng phản đối trước quốc tế.

Khi đất nước thống nhất, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tiếp tục hành xử chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, kế thừa từ Nhà nước VNCH.[7]

Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nộp đơn gia nhập Liên Hiệp Quốc tháng 8 năm 1975. Mặc dù ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, có 123 nước ủng hộ, không có nước chống đơn gia nhập của Việt Nam, Mỹ dùng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để ngăn chặn.

Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức sáp nhập thành Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở khóa họp đầu tiên của Quốc hội giữa năm 1976.

CHXHCN Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc tháng 9 năm 1977.

CHXHCN Việt Nam ra Tuyên bố, khẳng định lãnh hải, bao gồm quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, lần lượt vào năm 1977 và 1982.[8]

Quyết định của Tòa án Quốc tế về quyền kế thừa của nhà nước và phương cách hành xử chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam trong giai đoạn chuyển tiếp, hình thành nhà nước mới, cho thấy Nhà nước CHXHCN Việt Nam tuân thủ luật pháp quốc tế trong việc thụ hưởng quyền thừa kế chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa từ các nhà nước, được quốc tế công nhận, trước đấy.

Hai quyết định sau của Tòa án Quốc về tranh chấp lãnh thổ cho thấy tình huống có thể xảy ra cho chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam.

1. Trong giải quyết tranh chấp Honduras-Nicaragua về bốn đảo nhỏ trong Biển Caribe, ngoài sự kiện không có nước thứ ba công nhận một cách liên tục và nhất quán chủ quyền các đảo này thuộc Honduras hay Nicaragua, Tòa án Quốc tế cho rằng sự liên tục lên tiếng khẳng định chủ quyền của Nicaragua là không đầy đủ so với phương cách hành xử chủ quyền của Honduras. Do đó, Tòa án Quốc tế trao chủ quyền bốn đảo nhỏ cho Honduras.[9]

2. Trong giải quyết tranh chấp Malaysia-Singapore về đảo Pedra Branca, Tòa án Quốc tế nhận định Malaysia, không phải Singapore, là nước có chủ quyền ban đầu, nhưng phương cách hành xử chủ quyền của Singapore ở thời điểm sau khiến Tòa án Quốc tế trao chủ quyền đảo Pedra Branca cho Singapore. Quyết định này phản ánh nguyên tắc “quieta non movere” hay “không làm xáo trộn sự ổn định” mà Tòa án Quốc tế vẫn sử dụng.[10]

Khi nói về quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, lãnh đạo Nhà nước, trong vài năm qua, có những tuyên bố sau:

“Năm 1956, Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn, tức chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Chính quyền Sài Gòn đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp. Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này.”(Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 2011)[11]

hay:

“Không nên nói rằng các vị lãnh đạo Việt Nam chỉ bảo vệ chủ quyền bằng nói miệng. Nói vậy cực đoan quá... Chủ trương của ta là mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Có thể nước lớn phớt lờ luật pháp quốc tế vì họ mạnh. Nhưng chúng ta không bao giờ và không được từ bỏ công cụ là luật pháp quốc tế."(Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, 2013)[12]

Các tuyên bố như trên phản ánh đúng đắn sự thật lịch sử, phản ánh quyết tâm của lãnh đạo trong nỗ lực bảo vệ quyền lợi đất nước.

So với Trung Quốc hay so với một nước nào khác trong tranh chấp trên biển Đông, Việt Nam có chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa mạnh mẽ, rõ ràng, vững chắc.

Đây là thuận lợi có giá trị vô cùng to lớn mà tiền nhân đã để lại cho thế hệ ngày nay.

Tuy nhiên, các quyết định của Tòa án Quốc tế trong giải quyết tranh chấp cho thấy thuận lợi về chủ quyền lãnh thổ của một nước không ở lâu dài với nước đấy.

Bên cạnh ngụy tạo chứng cứ lịch sử về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa để đánh lừa dư luận trong và ngoài nước, Trung Quốc nghiên cứu kỹ lưỡng quyết định của Tòa án Quốc tế, nhận thức rõ điểm yếu trong đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc và tích cực tìm cách khắc phục.[13]

Trung Quốc thừa hiểu kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa trong khi tiếp tục “hành xử” chủ quyền có yếu tố quyết định, hoàn toàn thuận lợi cho Trung Quốc ở Tòa án Quốc tế, như đã dẫn chứng trong tranh chấp giữa Honduras-Nicaragua hay giữa Malaysia-Singapore.[14]

Nói một cách khác, Việt Nam đang đối diện với thuận lợi về mặt lịch sử và pháp lý cho chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa ngày càng giảm thiểu, thu nhỏ; cán cân thăng bằng trong thuận lợi sẽ chuyển hướng, hậu quả của một chiến lược kiên trì, tinh vi và xảo quyệt của Trung Quốc, nhằm chiếm giữ vĩnh viễn Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam.

Việt Nam vừa nhận chiếc tàu ngầm tối tân đầu tiên từ Nga. Trong khi hiện đại hóa quân đội là bước không thể thiếu để gia tăng phòng vệ, là nước yêu chuộng hòa bình, Việt Nam nên nghiêm túc sử dụng công cụ luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa trong thời gian tới.

Chọn lựa dứt khoát, mạnh dạn của Việt Nam, biến quyết tâm hiện có về Hoàng Sa-Trường Sa thành hành động cụ thể là nghĩa vụ, là trách nhiệm phải hoàn thành của mỗi và mọi người Việt Nam trước lịch sử, trước gương hy sinh của các thế hệ đã qua, trước sự mong đợi của các thế hệ sắp đến, trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Thái Văn Cầu
* Tác giả là chuyên gia khoa học không gian, hiện sống tại Mỹ

Chú thích:

1. Vào ngày 14 tháng 3 năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm một phần Trường Sa, khiến 64 chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam hy sinh.

Xem thêm: "Gặp nhân chứng trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974", Thạch Sơn-Thành Luân, 2011

http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1501&Chitiet=33184&Style=1

“Lời thề trước 64 liệt sĩ hi sinh tại Trường Sa”, Tiến Thành, 2012

http://tuoitre.vn/chinh-tri-xa-hoi/487545/loi-the-truoc-64-liet-si-hi-sinh-tai-truong-sa.html

"Ngày 14.3.1988, hai lăm năm nhìn lại", Việt Long, 2013

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130314/ngay-14-3-1988-hai-lam-nam-nhin-lai.aspx"

2. Tài liệu điển hình về trận đánh ở Hoàng Sa:

“Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa”, Vũ Hữu San & Trần Đỗ Cẩm, 2004

“Can trường trong chiến bại”, Hồ Văn Kỳ Thoại, 2007

“Trận Hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974”, Hà Văn Ngạc & Hà Mạnh Chí, 2009

“Hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974”, Ủy ban Nghiên cứu trận Hải chiến Hoàng Sa, 2010

“Phát hiện TQ chiếm Hoàng Sa, VNCH chuẩn bị chiến đấu đòi lại chủ quyền”, Trần Công Trục, 2013

http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Phat-hien-TQ-chiem-Hoang-Sa-VNCH-chuan-bi-chien-dau-doi-lai-chu-quyen-post135947.gd

Tài liệu điển hình về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa:

“La souverainete sur les archipels Paracels et Spratleys”, Monique Chemillier-Gendreau, 1996

"Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", Từ Đặng Minh Thu, 2007

http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai11/200711_TuDangMinhThu.htm

"Giải pháp cho vấn đề Biển Đông", Tạ Văn Tài, 2010

http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai20/201020_TaVanTai.htm

“Vietnam's Position on the Sovereignty over the Paracels & the Spratlys: Its Maritime Claim”, Nguyễn Hồng Thao, 2012

http://southeastasiansea.files.wordpress.com/2013/08/vietnams-position-on-the-sovereignty-over-the-paracels-the-spratlys-its-maritime-claim.pdf

“Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”, Trần Công Trục (chủ biên), 2011

“Lẽ phải: Luật Quốc tế và Chủ quyền trên hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Nguyễn Việt Long, 2012

“Hoàng Sa-Trường Sa: Luận cứ & Sự kiện”, Đinh Kim Phúc, 2012

3. “Application of the Convention on the Prevention and Punishment of the Crime of Genocide (Bosnia and Herzegovina v. Serbia and Montenegro)”, Toà án Quốc tế, 1996

http://www.icj-cij.org/docket/files/91/13685.pdf

4. “Colonial Genocide and Reparations Claims in the 21st Century: The Socio-Legal Context of Claims under International Law by the Herero against Germany for Genocide in Namibia, 1904-1908”, Jeremy Sarkin, 2008, pp. 162-168

5. “Gabčíkovo-Nagymaros Project (Hungary/Slovakia)”, Toà án Quốc tế, 1997

http://www.icj-cij.org/docket/index.php?p1=3&p2=3&case=92

"Vienna Convention on Succession of States in respect of Treaties", 1978

http://legal.un.org/ilc/texts/instruments/english/conventions/3_2_1978.pdf

"The Problem of State Succession and the Identity of States under International Law", Matthew C.R. Craven, 1998

http://www.ejil.org/pdfs/9/1/1471.pdf

6. "Hai Nhà nước Việt Nam và Chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa", Thái Văn Cầu, 2013

http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/hai-nha-nuoc-viet-nam-va-chu-quyen-hoang-sa-truong-sa

7. "La souveraineté du Viet Nam sur les archipels Hoang Sa et Truong Sa", Bộ Ngoại giao nước CHXHCNVN, 1979, pp. 54-55

“The Hoang Sa and Truong Sa Archipelagoes: Vietnamese Territories”, Bộ Ngoại giao nước CHXHCNVN, 1981, pp. 17-18

"Hiến chương Liên Hiệp Quốc: Chương I - Chương IX"

http://www.luatquocte.com/hien-chuong/hien-chuong-lien-hiep-quoc/hien-chuong-lien-hiep-quoc-chuong-i-chuong-ix.nd5-dt.9.005025.html

8. “Giai đoạn 1976-1985: Đất nước thống nhất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN”

http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/noidungchinhsachthanhtuu?categoryId=798&articleId=2892

"Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam", 1977

http://www.namdinh.gov.vn/Home/biengioibien/vanban/2011/2501/Tuyen-bo-cua-Chinh-phu-nuoc-Cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia.aspx

"Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam", 1982

"The Socialist Republic of Vietnam and the Law of the Sea: An Analysis of Vietnamese Behavior within the Emerging International Oceans Regime", Epsey Cooke Farrell, 1998, pp. 300-302

9. “Territorial and Maritime Dispute between Nicaragua and Honduras in the Caribbean Sea (Nicaragua v. Honduras)”, Toà án Quốc tế, 2007

http://www.icj-cij.org/docket/index.php?p1=3&p2=1&k=14&case=120&code=nh&p3=4

"The ICJ Awards Sovereignty over Four Caribbean Sea Islands to Honduras and Fixes a Single Maritime Boundary between Nicaragua and Honduras", Pieter Bekker & Ana Stanic, 2007

http://www.asil.org/insights/volume/11/issue/26/icj-awards-sovereignty-over-four-caribbean-sea-islands-honduras-and

10. “Sovereignty over Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks and South Ledge (Malaysia/Singapore)”, Toà án Quốc tế, 2008

http://www.icj-cij.org/docket/index.php?p1=3&p2=3&k=2b&case=130&code=masi&p3=4

“Estoppel, Acquiescence and Recognition in Territorial and Boundary Dispute Settlement”, Nuno Sergio Marques Antunes, 2000

11. "Việt Nam đòi chủ quyền Hoàng Sa bằng hòa bình", TT Nguyễn Tấn Dũng, 2011

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/viet-nam-doi-chu-quyen-hoang-sa-bang-hoa-binh-2212051.html

“Giải pháp đòi lại Hoàng Sa”, Nguyễn Thái Linh, Lê Minh Phiếu, Lê Vĩnh Trương

(Quỹ Nghiên cứu Biển Đông), 2011

http://biendong.tuoitre.vn/goc-nhin-chuyen-gia/466951/Giai-phap-doi-lai-Hoang-Sa.html#

“VN khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa”, TT Nguyễn Tấn Dũng, 2013

http://tuoitre.vn/the-gioi/551486/thu-tuong-vn-vn-khang-dinh-chu-quyen-hoang-sa-truong-sa.html

12. "Không có chuyện chỉ bảo vệ chủ quyền bằng miệng", CTN Trương Tấn Sang, 2013

http://m.nguoiduatin.vn/khong-co-chuyen-chi-bao-ve-chu-quyen-bang-mieng-a78577.html

“Chúng ta không nhu nhược trong bảo vệ chủ quyền”, CTN Trương Tấn Sang, 2013

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/chu-tich-nuoc-chung-ta-khong-nhu-nhuoc-trong-bao-ve-chu-quyen-2713623.html,

13. “Tổng lực nghiên cứu chủ quyền Biển Đông”, Hoàng Việt, 2011

http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tong-luc-nghien-cuu-chu-quyen-bien-dong-tong-luc-nghien-cuu-chu-quyen-bien-dong-2195341/

Theo bài này, trong giai đoạn 1999-2010, Trung Quốc có 238 luận án tiến sĩ và 516 hội thảo về đề tài Biển Đông.

Đầu năm 2013, Phi Luật Tân khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII-UNCLOS.

Dù có quan toà của họ trong Tòa án Quốc tế và Toà án Luật Biển, Trung Quốc không muốn đưa tranh chấp Biển Đông ra quốc tế. Ngoài một số nguyên tắc đã nêu, Toà án Quốc tế, Toà án Luật Biển hay Toà Trọng tài có quyết định dựa trên chứng cứ mỗi bên đưa ra.

"Philippines đưa tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ra tòa án LHQ", Vũ Quý, 2013

http://dantri.com.vn/diem-nong/philippines-dua-tranh-chap-bien-dao-voi-trung-quoc-ra-toa-an-lhq-688179.htm

"Philippines có đủ chứng cứ để kiện TQ", Thái An, 2013

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/131881/philippines-co-du-chung-cu-de-kien-tq.html

http://www.icj-cij.org/presscom/files/7/16987.pdf

http://www.itlos.org/index.php?id=96&L=0

Tài liệu chứng cứ lịch sử ngụy tạo của Trung Quốc về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa:

“China's indisputable sovereignty over the Xisha and Nansha Islands”, Bộ Ngoại giao nước CHNDTH, 1980

“Selected Works of Han Zhenhua”, Han Zhenhua, 1999

"Phản biện lập luận của nhà nghiên cứu Hàn Chấn Hoa về lãnh vực sử địa cổ có liên quan đến Biển Đông được đề cập trong tác phẩm Ngã Quốc Nam Hải Chư Đảo Sử Liệu Hối Biên", Hồ Bạch Thảo, 2010

http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai20/201020_HoBachThao.htm

"Những ghi chép liên quan đến Biển Đông của Việt Nam trong Chính sử Trung Quốc", Phạm Hoàng Quân, 2011

http://www.seasfoundation.org/research-documents/historical-and-legal-arguments/china-arguments/728-nhng-ghi-chep-lien-quan-n-bin-ong-vit-nam-trong-chinh-s-trung-quc

14.”Trung Quốc ngang nhiên tổ chức lễ thành lập “thành phố Tam Sa”, Sơn Duân, 2012

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120724/trung-quoc-ngang-nhien-to-chuc-le-thanh-lap-thanh-pho-tam-sa.aspx

”Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động phi pháp ở 'TP.Tam Sa'”, Văn Khoa, 2014

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140104/trung-quoc-day-manh-hoat-dong-phi-phap-o-tp-tam-sa.aspx

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.