'Quyền lợi người giữ vàng miếng SJC không được đảm bảo, bị phân biệt đối xử'

02/08/2024 09:12 GMT+7

Xung quanh sự việc Công ty SJC từ chối mua lại vàng miếng SJC một chữ, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng, 'quyền lợi của người giữ vàng miếng SJC không được đảm bảo, bị phân biệt đối xử, đây là điều không đáng'.

"Rất thiệt thòi cho người dân"

Nhiều ngày qua, không ít khách hàng đem bán vàng miếng SJC loại một chữ hay vàng móp méo đều bị Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) từ chối mua vào.

Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích, từ góc độ người dân, sau khi mua vàng của SJC và cần bán lại, đương nhiên SJC phải mua. Vấn đề nếu có là về giá cả, chứ SJC không thể từ chối mua lại sản phẩm của chính mình.

'Quyền lợi người giữ vàng miếng SJC không được đảm bảo, bị phân biệt đối xử'- Ảnh 1.

Công ty SJC đang chờ đợi Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho gia công trở lại số vàng móp méo, một chữ

NGỌC THẮNG

Nhìn từ góc độ Công ty SJC, tinh thần là họ sẵn sàng mua lại vàng. Tuy nhiên, thời điểm này họ chưa thể gia công vàng miếng, lượng vàng trong kho đã nhiều nên quyết định không thu mua. "Doanh nghiệp mua vào hay không là tùy theo thị trường và kế hoạch kinh doanh. Họ không mua vì bất cứ lý do nào là quyền của họ", ông Hiếu nói.

Ông Hiếu khẳng định cả hai bên đều có lý, vấn đề ở đây liên quan tới chính sách nhiều hơn. "Trong trường hợp này, người bán và người mua phải có sự thỏa thuận nào đó, thỏa thuận về mặt giá cả là một giải pháp. Công ty SJC vẫn mua vào nhưng mua với mức giá mà hai bên thỏa thuận với nhau.

Cách giải quyết tiếp theo là chuyển vàng miếng đó thành dạng vàng nguyên liệu và bán theo giá vàng nguyên liệu. Nhưng như vậy rất thiệt thòi cho người dân, vì khi mua vàng miếng SJC là người dân mua cả thương hiệu SJC. Phải bán dưới dạng vàng nguyên liệu sẽ làm mất đi ưu điểm thương hiệu SJC, rất thiệt thòi", ông Hiếu nhấn mạnh.

Công ty SJC dừng mua vàng miếng SJC một chữ

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận: "Mua bán là thuận mua vừa bán, với loại vàng series cũ sản xuất từ lâu, vàng móp méo, tức là sản phẩm không còn chuẩn mực, muốn bán ra doanh nghiệp sẽ phải tân trang lại.

Doanh nghiệp không mua cũng không có nguyên tắc, quy định nào bắt buộc họ phải mua. Trong bối cảnh như vậy, người dân trước đây đã mua vàng SJC và giờ muốn bán lại sẽ phải chịu thiệt thòi".

Nhấn mạnh trong trường hợp bán vàng cho Công ty SJC và công ty từ chối mua, người dân vẫn có thể bán vàng cho các cửa hàng kinh doanh vàng dưới dạng nguyên liệu, song chuyên gia vàng Trần Duy Phương đưa ra tính toán cụ thể: "Người dân sẽ phải chịu thiệt khoảng gần 3 triệu đồng/lượng so với bán vàng cho SJC theo giá niêm yết.

Ví dụ giá vàng ngày 1.8, Công ty SJC mua vào với giá 77,8 triệu đồng/lượng, trong khi nhiều cửa hàng kinh doanh vàng chỉ mua vào vàng nguyên liệu với mức giá 75 triệu đồng/lượng.

Như vậy, quyền lợi của người nắm giữ vàng miếng SJC không được đảm bảo, bị phân biệt đối xử, đây là điều không đáng. Ngay cả Công ty SJC còn không mua, nếu đem bán cho các đơn vị khác, đương nhiên người bán sẽ bị ép giá".

Nên có cơ chế để doanh nghiệp chủ động gia công vàng

Theo đại diện Công ty SJC, khoảng 2 tuần trở lại đây, công ty đã dừng thu mua vàng miếng SJC một chữ, vàng móp méo vì lượng tồn kho đã khá cao.

Tổng lượng vàng loại một chữ và móp méo mà Công ty SJC đã mua vào trong khoảng gần 2 tháng qua là khoảng 1.000 lượng. Vàng được mua với giá bán vàng bình thường nhưng không được bán ra lưu thông trên thị trường.

"Công ty đang chờ đợi Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho gia công trở lại số vàng móp méo, một chữ", đại diện Công ty SJC thông tin.

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cũng phân tích, không phải Công ty SJC không muốn mua lại vàng mà lượng vàng thu mua vào tồn đọng đang khá lớn. Có thể một phần vốn kinh doanh đã nằm trong số vàng thu mua đó dẫn tới kẹt vốn.

Vàng một chữ, móp méo là loại vàng không đủ tiêu chuẩn lưu thông, không được thị trường chấp nhận. Công ty SJC đang chờ Ngân hàng Nhà nước cho phép gia công các loại vàng một chữ, vàng móp méo.

Ngân hàng Nhà nước nên xem xét và có hướng giải quyết nhanh chóng để Công ty SJC có thể thực hiện gia công, dập lại vàng móp méo và vàng một chữ; nên xem xét có cơ chế nào đó nhằm tăng tính chủ động của doanh nghiệp.

"Ví dụ, khi Công ty SJC mua vào tồn khoảng 2.000 hoặc 1.000 lượng vàng, doanh nghiệp có quyền chủ động gia công, dập lại vàng. Đương nhiên, việc này phải báo cáo đầy đủ với Ngân hàng Nhà nước, chịu sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Làm như vậy có thể đảm bảo vận hành lưu thông thị trường vàng, đảm bảo quyền lợi của người mua vàng SJC, giúp họ yên tâm hơn", ông Phương nói.

Vàng SJC một chữ là những miếng vàng SJC có số series gồm một chữ cái đứng trước dãy số. Những loại vàng này được Công ty SJC sản xuất giai đoạn từ năm 1992 đến năm 1996.

Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định: "Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng".

Hiểu đơn giản là, việc sản xuất vàng miếng là do Nhà nước thông qua Ngân hàng Nhà nước độc quyền tổ chức thực hiện, không có tổ chức, cá nhân nào được sản xuất vàng miếng, kể cả Công ty SJC.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.