Ai cũng biết, YouTube là một trong những kênh quảng cáo hiệu quả bởi độ phủ sóng quá lớn. Theo công bố của YouTube, VN nằm trong top 10 nước sử dụng mạng xã hội này nhiều nhất thế giới. Đó là lý do nhiều ý kiến cho rằng việc ngưng quảng cáo sẽ khiến các doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại hơn cả chứ không phải là "ông lớn" YouTube.
Có thể nói thẳng, các ý kiến này chỉ thấy một phía mà chưa thấy tổng thể. Việc ngưng này xét tổng thể mọi khía cạnh thì DN không hề thiệt hại. Thứ nhất, nếu duy trì mẩu quảng cáo bị chèn những clip có nội dung xấu, vi phạm pháp luật thì không những không mang lại hiệu quả mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu của chính DN. Thứ hai, tại VN hiện có sự góp mặt của đầy đủ các mạng xã hội lớn nhất thế giới. Không quảng cáo trên YouTube, DN hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình những trang mạng xã hội làm ăn đàng hoàng, tuân thủ pháp luật mà vẫn hiệu quả. Thứ ba, với tư cách là đối tác, là khách hàng của YouTube (dù gián tiếp hay trực tiếp), các DN cần phải hiểu và sử dụng quyền lực của mình để đảm bảo nội dung, chất lượng các mẩu quảng cáo. Không phải vì họ là mạng xã hội lớn hàng đầu thế giới mà chúng ta phải "sợ", phải lép vế hay phải nắm đằng lưỡi. Bởi xét cho cùng, dù lớn đến đâu thì các mạng xã hội cũng sống bằng quảng cáo, bằng tiền của khách hàng là DN và người dân bỏ ra theo cách này, cách khác.
Thực tế, cạnh tranh giữa các “ông lớn” mạng xã hội hiện nay cực kỳ quyết liệt. Như nói trên, VN được đánh giá là thị trường hết sức tiềm năng nên "quyền lực" người tiêu dùng lại càng lớn. Ở các nước phát triển, quyền lực này được sử dụng rất nhiều và rất hiệu quả. Đơn cử như việc hàng loạt chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks tại Anh bị người dân nước này tẩy chay khi hãng cà phê nổi tiếng thế giới bị nghi trốn thuế trong suốt 13 năm hoạt động.
Ở VN quyền lực của người tiêu dùng còn ít được sử dụng nhưng thực tế cho thấy, mỗi lần chúng ta đưa ra, đều hiệu quả. Đơn cử như vụ Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải (Đồng Nai). Ban đầu, khi các cơ quan chức năng vào cuộc, công ty này còn lần lữa, chưa chịu bồi thường. Nhưng khi người tiêu dùng tẩy chay, DN này đã phải thừa nhận sai phạm và bồi thường thiệt hại cho người dân. Sau những nỗ lực, đến nay hình ảnh Vedan cũng đã ngày càng tốt đẹp, được người tiêu dùng chấp nhận.
Nhắc lại để thấy, khi người tiêu dùng VN lên tiếng và sử dụng quyền “tối cao” của mình là “quyền tẩy chay” thì hiệu quả rất cao. Trở lại với câu chuyện của YouTube, nếu việc các DN ngưng quảng cáo trên trang mạng này chưa đủ “ép phê”, thì người tiêu dùng hoàn toàn có thể sử dụng quyền lực của mình để buộc YouTube phải tuân thủ pháp luật khi hoạt động tại VN.
Bình luận (0)