Quyến rũ Zara

04/10/2013 10:18 GMT+7

Diện mạo làng Zara ở xã Tà Bhing (H.Nam Giang) được giới thiệu trọn vẹn và ấn tượng với du khách nhân sự kiện Năm du lịch quốc gia Quảng Nam 2006, kể từ đó thổ cẩm Zara càng thêm quyến rũ…

 Thiếu nữ Cơ Tu
Thiếu nữ Cơ Tu ở làng thổ cẩm Zara bên khung dệt truyền thống - Ảnh: H.X.H

“Với bàn tay khéo léo và sự cần mẫn, kiên trì, phụ nữ Cơ Tu đã biến những thứ nguyên liệu từ vườn nhà thành những tấm đắp, bộ váy, áo với nhiều họa tiết, màu sắc lộng lẫy và độc đáo”. Những dòng giới thiệu này trích dẫn từ tài liệu của Văn phòng dự án ILO/SIT tại Quảng Nam, một dự án được tài trợ bởi Chính phủ Luxembourg. Thật khó mô tả đầy đủ về một làng dệt thổ cẩm Cơ Tu độc đáo như Zara chỉ trong đoạn văn ngắn, và điều đó kích thích sự tò mò của du khách, nhất là những người ưa “phượt”. Phải đến tận nơi để hình dung rõ hơn các cộng đoạn dệt thổ cẩm được thực hiện bằng phương pháp thủ công, từ khâu trồng nguyên liệu (đay, gai, bông) đến khâu khéo sợi, nhuộm màu, thêu dệt, bố trí hoa văn... Riêng ở công đoạn dệt, phụ nữ Cơ Tu phải làm việc trong nhiều ngày liền, thậm chí phải mất hàng tháng để hoàn thành những sản phẩm tinh xảo, hấp dẫn du khách.

Từ sự trợ lực của ILO, trong năm 2013 nghề dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu được vận hành qui củ hơn với sự ra đời của tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đhờ Rôồng ở xã Tà Lu (H.Đông Giang). Trong “tổ hợp” mới này, làng thổ cẩm truyền thống Zara trở thành mô hình điểm về sản xuất tập trung để mang ra áp dụng. Trong khi đó, dự án du lịch cộng đồng Cơ Tu do tổ chức Cứu trợ phát triển quốc tế (FIDR) tài trợ cũng đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt từ tháng 5.2012, và tiếp tục được đưa vào “danh mục” xây dựng sản phẩm du lịch mới của địa phương từ tháng 2.2013. Với dự án của FIDR, gần như phải xúc tiến cả “chuỗi sản phẩm” du lịch để kết nối với làng dệt độc đáo này. Theo kế hoạch, H.Nam Giang chỉnh trang lại khu vực thác Grăng, tổ chức luyện tập múa tung tung ya yá tại làng Pà Xua và làng Zara, đầu tư tôn tạo 1,3 km đường mòn Hồ Chí Minh, lập tổ dệt chuyên phục vụ khách tham quan, phát triển cửa hàng chuyên bán các sản phẩm của đồng bào Cơ Tu…

Giờ đây, du khách dưới xuôi đã quen với câu “Lên non tắm thác về làng xem tay”. “Tắm thác”, tức thác Grăng xinh đẹp; còn “xem tay” chính là quan sát bàn tay khéo léo, mềm mại của các sơn nữ Cơ Tu bên khung dệt truyền thống để làm nên sản phẩm thổ cẩm độc đáo. Với dụng cụ dệt thô sơ, chất liệu quen thuộc, tay nghề được truyền từ chính nghệ nhân bản địa, Zara là làng nghề qui tụ số lượng đồng bào Cơ Tu đông nhất tham gia. Trở thành điểm đến thú vị trong các tour khám phá văn hóa miền núi Quảng Nam, thổ cẩm cườm Zara độc đáo cũng vừa “lên sóng” của chương trình Năng động du lịch Việt.

Du khách lên làng Zara thường đi theo quốc lộ 14C, từ Đà Nẵng qua địa bàn H.Đại Lộc (Quảng Nam) với tổng chiều dài khoảng 80km. Xuất phát từ TP.Tam Kỳ, theo tuyến ĐT 619 từ TT.Vĩnh Điện, H.Điện Bàn lên khoảng 140km; nếu theo quốc lộ 14E (qua các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn, Nam Giang) thì khoảng cách xa hơn.

  Hứa Xuyên Huỳnh

>> Phát triển sản phẩm thổ cẩm
>> Tây học dệt thổ cẩm, đan gùi
>> Du lịch cuối tuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.