Quyết chiến để tranh... hạng 3

09/08/2012 16:35 GMT+7

(TNO) Tranh hạng 3 là một trong những điều vô vị, tẻ nhạt nhất trong môn bóng đá, nhất là ở những trận địa đỉnh cao.

(TNO) Tranh hạng 3 là một trong những điều vô vị, tẻ nhạt nhất trong môn bóng đá, nhất là ở những trận địa đỉnh cao.

>> LĐBĐ Tây Ban Nha ngưng chức HLV đội tuyển Olympic
>> Bóng đá nam Olympic 2012: Chung kết của châu Mỹ
>> Bóng đá Olympic 2012: Sạch bóng chủ nhà

Đội tuyển Olympic Hàn Quốc
Các cầu thủ Olympic Hàn Quốc sẽ được miễn nghĩa vụ quân sự nếu giành được huy chương đồng - Ảnh: AFP

Tại World Cup, hạng 3 chỉ là “giải an ủi”, nơi người ta đưa vào sân các cầu thủ chuyên ngồi ghế dự bị hoặc các lão tướng không còn hy vọng gì trong tương lai, như một trận đấu chia tay họ. Tại Euro, trận tranh hạng 3 luôn tẻ nhạt vì nó diễn ra giữa “những nỗi thất vọng” và đấy là nguyên nhân khiến UEFA hủy bỏ trận đấu kiểu này từ 3 thập niên trước đây.

Thật may mắn khi bóng đá nam tại Olympic không được liệt vào loại hình “bóng đá đỉnh cao”. Thế nên, trận Olympic Hàn Quốc - Olympic Nhật Bản (rạng sáng ngày 11.8) sẽ là trận đấu hấp dẫn để đôi bên tranh nhau chiếc huy chương đồng, hơn là trận đấu giữa 2 đội bóng vừa thất vọng vì không lọt vào chung kết. Tại đấy, người ta sẽ chỉ được thêm chứ chẳng mất gì.

Một mặt, hiếm thấy trận “tranh hạng 3” nào trong môn bóng đá đáng chờ xem như trận này. Mặt khác, đây chắc chắn sẽ là một cuộc quyết đấu thực thụ, chứ chẳng có gì đáng để các bên thất vọng. Ngoài giải thưởng huy chương đồng, đây còn là cuộc đụng độ giữa hai niềm kiêu hãnh hàng đầu của bóng đá châu Á. Với riêng Olympic Hàn Quốc và Olympic Nhật Bản, thắng nhau để đoạt huy chương đồng và khiến đối thủ trắng tay ra về sẽ là niềm vui vô bờ bến.

Đấy là cả một sự kình địch đã kéo dài hàng chục năm, với đỉnh điểm là lúc đôi bên tranh nhau vinh dự trở thành quốc gia châu Á đầu tiên được đăng cai World Cup, căng thẳng đến nỗi ngay cả FIFA đầy quyền lực cũng phải run sợ, chẳng dám quyết định bên nào chiến thắng (và rút cuộc hai kẻ kình địch phải cùng nhau tổ chức World Cup 2002).

Về mặt chuyên môn, châu Á chỉ có 2 giải Vô địch quốc gia đáng gọi là hoàn chỉnh về mặt tổ chức và có uy tín về mặt chuyên môn. Giải K-League của Hàn Quốc ra đời trước, nhưng J-League của Nhật Bản lại gây tiếng vang nhiều hơn.

Bây giờ, tuy rằng Hàn Quốc ngoài việc có Park Chu-young danh tiếng thuộc Arsenal còn những ngôi sao khoác áo Sunderland và Celtic trong khi Nhật Bản có đến 5 cầu thủ đang chơi bóng ở Bundesliga, nhưng các CLB thuộc K-League và J-League vẫn cung cấp phần lớn cầu thủ cho các đội Olympic của họ. Cuộc kình chống dữ dội về mặt chuyên môn giữa 2 nền bóng đá Đông Á vẫn cứ quyết liệt, căng thẳng hơn bao giờ hết.

Nếu như Olympic Hàn Quốc thắng Olympic Nhật để đoạt huy chương đồng bóng đá nam tại Thế vận hội London, các cầu thủ của họ sẽ được miễn nghĩa vụ quân sự - một đặc ân hiếm thấy ở Hàn Quốc. Nói vậy đủ biết với họ, trận tranh huy chương đồng Olympic có ý nghĩa to lớn như thế nào!

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.