Tổng thống Joe Biden đã dỡ bỏ một số hạn chế ngăn chặn Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
Quyết định này là một sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ và có thể giúp Ukraine tự vệ tốt hơn. Nhưng nó cũng có thể làm leo thang xung đột.
Có ý nghĩa gì với Ukraine?
Quyết định của ông Biden cho phép tấn công tầm xa có thể giúp Ukraine bảo vệ vị trí đã giành được tại khu vực Kursk của Nga, nơi mà nước này coi đây là lợi thế tiềm năng trong các cuộc đàm phán trong tương lai.
Năng lực tấn công tầm xa cũng sẽ cho phép Ukraine tập kích các căn cứ không quân của Nga.
Ông James Nixey, Giám đốc Chương trình Nga-Âu Á và Châu Âu tại Chatham House, nhận định: "Đây là một bước đi ấn tượng, bởi vì nó mang lại cho Ukraine khả năng tấn công các điểm quân sự và cơ sở hạ tầng thực sự quan trọng bên trong nước Nga. Và điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng lực chiến đấu của Nga. Nhưng nó sẽ không giúp Ukraine giành chiến thắng hoàn toàn và chắc chắn trong cuộc xung đột trong tương lai gần. Sự thật là để Ukraine giành chiến thắng trong cuộc xung đột, chúng ta phải làm nhiều hơn để gây sức ép lên Nga".
"Đây là một bước tiến lớn. Người Ukraine vô cùng nhẹ nhõm. Nhưng đây không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong cuộc xung đột", ông nói.
Nga đã phản ứng thế nào?
Nga đã phản đối mạnh mẽ quyết định này, và nhấn mạnh rằng đây là một sự leo thang lớn vì Ukraine không thể thực hiện các cuộc tấn công như vậy nếu không có sự trợ giúp trực tiếp của NATO.
Hôm 18.11, Điện Kremlin nói rằng một quyết định như vậy sẽ báo hiệu sự tham gia trực tiếp của Mỹ vào cuộc xung đột.
Hồi tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo về vấn đề này: "Nếu quyết định này được đưa ra, nó có nghĩa là các nước NATO, Mỹ và các nước châu Âu tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine".
Điều gì sẽ xảy ra?
Cuộc tấn công tầm xa đầu tiên của Ukraine có thể xảy ra trong những ngày tới.
Nhưng khi ông Biden chỉ còn hai tháng nữa là kết thúc nhiệm kỳ, không chắc chắn chính sách này sẽ kéo dài bao lâu sau khi chính quyền mới lên nắm quyền vào tháng 1.
"Rõ ràng, chính sách này có thể bị ông Donald Trump đảo ngược khi ông ấy lên nắm quyền, vào tháng 2. Và có vẻ như điều đó sẽ xảy ra, dựa trên các dòng tweet và việc bổ nhiệm ông ấy. Có thể hiểu rằng Ukraine cần phải làm tất cả những gì có thể từ nay đến tháng 1, giữa tháng 1, để có được vị thế tốt nhất có thể, bởi vì nước này có thể gặp nhiều khó khăn hơn bao giờ hết trước ngày 20.1", ông Nixey nhận định.
Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích quy mô viện trợ của Mỹ cho Ukraine và tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt chiến sự, nhưng ông chưa rõ bằng cách nào.
Người phát ngôn của ông Trump không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Bình luận (0)