Quyết liệt chống lãng phí

Lê Hiệp
Lê Hiệp
01/01/2025 06:06 GMT+7

Ngày 31.12.2024, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp phiên thứ 27 để thảo luận, cho ý kiến về kết quả hoạt động năm 2024 và chương trình công tác năm 2025.

Đổi mới tư duy, cách làm, tạo chuyển biến rõ nét

Ban Chỉ đạo thống nhất đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, có bước đột phá mới, quyết liệt và hiệu quả hơn cả ở T.Ư và địa phương, với những kết quả nổi bật.

Quyết liệt chống lãng phí- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu kết luận phiên họp thứ 27 của Ban Chỉ đạo

Ảnh: TTXVN

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực được tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ; xử lý kiên quyết, nghiêm minh các sai phạm, nhưng cũng rất nhân văn, chú trọng phân hóa trong xử lý đối tượng vi phạm, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung. Trong năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 709 tổ chức Đảng và 24.097 đảng viên vi phạm. T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã thi hành kỷ luật 68 cán bộ diện T.Ư quản lý.

Trong đó, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật 2 nguyên lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, do vi phạm quy định trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, vi phạm những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương. Theo Ban Chỉ đạo, điều này khẳng định rõ sự nghiêm minh, quyết tâm cao của Tổng Bí thư, của Đảng, Nhà nước trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, khẳng định mạnh mẽ chủ trương của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực "có sai phạm thì phải kết luận xử lý", "không vùng cấm, không ngoại lệ, bất kể là ai", "không để cán bộ có sai phạm hạ cánh an toàn".

Các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố mới 4.732 vụ án/10.430 bị can, truy tố 4.074 vụ/10.698 bị can, xét xử sơ thẩm 4.052 vụ/9.664 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Trong đó, khởi tố mới 906 vụ án/2.068 bị can về các tội tham nhũng. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã khởi tố mới 8 vụ án/29 bị can, khởi tố thêm 174 bị can trong 13 vụ án. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng đạt nhiều kết quả; riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 19.000 tỉ đồng.

Cùng đó, Ban Chỉ đạo cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, tạo chuyển biến mới về nhận thức, quyết tâm, gắn phòng, chống lãng phí với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các cấp ủy, tổ chức Đảng đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về công tác phòng, chống lãng phí. Đặc biệt là chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý các tồn tại kéo dài liên quan đến các công trình, dự án chậm tiến độ, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn; khởi tố một số vụ án gây lãng phí lớn ngân sách nhà nước để điều tra, xử lý.

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Ban Chỉ đạo đã có sự đổi mới tư duy, cách làm, chọn đúng, trúng vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm để chỉ đạo tập trung giải quyết, nhiều việc có chuyển biến rõ rệt.

Tổng Bí thư cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, quyết tâm, quyết liệt của các cơ quan trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đã chủ động nhận diện, kiên quyết tấn công, đánh trúng, đúng nhiều vụ, việc tham nhũng, tiêu cực lớn theo đúng phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực". Cùng đó, xử lý nghiêm các sai phạm nhưng rất nhân văn, có lý, có tình, tạo sự đồng thuận, đồng tình cao trong cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, công tác phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai hiệu quả hơn, gắn với công tác cán bộ, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Tập trung chống lãng phí trong 3 lĩnh vực

Về nhiệm vụ năm 2025, Tổng Bí thư nêu rõ, đây là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, năm tăng tốc, bứt phá, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hoàn thành cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn và tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Do vậy, đây là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Trước yêu cầu đó, Tổng Bí thư đặt vấn đề: công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, phải làm gì để góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của đất nước?

"Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực như thế nào để đất nước phát triển vươn mình trong kỷ nguyên mới? Cụ thể hơn là làm thế nào để vừa chống được tham nhũng, vừa phát triển với tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 2 con số liên tục trong nhiều năm?", Tổng Bí thư nêu, đồng thời đề nghị rà soát lại Nghị quyết Đại hội XIII và các chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực từ đầu nhiệm kỳ để xem còn vấn đề gì chưa triển khai thì bổ sung vào chương trình công tác năm 2025.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu, triển khai quyết liệt, toàn diện, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong công tác phòng, chống lãng phí trong toàn xã hội. Theo đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải xác định phòng, chống tham nhũng lãng phí là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên, phải làm ngay. Trong quý 1/2025, phải hoàn thành việc rà soát các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn và có cơ chế chính sách đột phá giải quyết dứt điểm. Kiên quyết thu hồi, loại bỏ các dự án không cần thiết để tập trung cho những dự án cấp bách.

Tổng Bí thư lưu ý cần tập trung chống lãng phí, trong 3 lãng phí, gồm: lĩnh vực đất đai; tài nguyên môi trường, khoáng sản và lĩnh vực tài chính, ngân sách, đầu tư công, đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển KT-XH và tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

Tổng Bí thư lưu ý, tuyệt đối không được có các hành vi chạy chọt, lợi ích nhóm, lợi dụng sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế để tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ; giải ngân vốn ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng trụ sở, tài sản công… Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh phải thực hiện đồng bộ, có hiệu quả hơn nữa các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn từ gốc, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Cùng đó, tăng cường vai trò giám sát của nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thanh tra 2 dự án bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2
tại Hà Nam

Tại phiên họp, Tổng Bí thư nhấn mạnh, tiến hành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý một số dự án điển hình về thất thoát, lãng phí để răn đe, cảnh tỉnh chung. Cụ thể, Tổng Bí thư yêu cầu tiến hành thanh tra đối với 2 dự án xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức tại Hà Nam, kết luận thanh tra trước ngày 31.3.2025 và triển khai ngay các biện pháp để đưa 2 bệnh viện vào hoạt động, "không thể để kéo dài hơn nữa".

Cùng đó, Tổng Bí thư cũng chỉ đạo trong năm 2025 phải tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan tới Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tập đoàn Thái Dương và Công ty cổ phần đất hiếm VN, dự án Sài Gòn - Đại Ninh (Lâm Đồng), Công ty AIC, sân bay Nha Trang… và các vụ án, vụ việc gây bức xúc trong nhân dân.

Tập trung điều tra, truy tố và xét xử các vụ án lớn

Tại buổi họp báo thông báo kết quả phiên họp 27 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chiều 31.12.2024, ông Đặng Văn Dũng, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư, đã thông tin về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025.

Theo đó, ngoài tăng cường các công tác phòng chống lãng phí, tiêu cực, trong năm 2025 sẽ phấn đấu kết thúc điều tra, xử lý 26 vụ án, 9 vụ việc. Trong đó tập trung điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm các vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An, Tập đoàn điện lực VN, Tập đoàn Thái Dương, Công ty CP đất hiếm VN, dự án Sài Gòn - Đại Ninh, sân bay Nha Trang.

Tại buổi làm việc, thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết năm 2024, Bộ Công an đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác điều tra, xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng. Đặc biệt, thiếu tướng Tuyên cho biết trong năm 2024, cơ quan điều tra đã phát hiện nhiều vụ án lớn được dư luận đặc biệt quan tâm như vụ Phúc Sơn, Thuận An… Trong đó, vụ án tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (Công ty SJC) và các đơn vị có liên quan được khởi tố vào ngày 16.9, đến nay Bộ Công an đã khởi tố 6 bị can.

Các bị can Lê Thúy Hằng, Giám đốc Công ty SJC; Mai Quốc Uy Viễn, Giám đốc xưởng vàng Công ty SJC; Trần Tấn Phát, Phó giám đốc xưởng vàng Công ty SJC và Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc chi nhánh Hải Phòng Công ty SJC, cùng bị khởi tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị can Hoàng Lệ Huê, Giám đốc chi nhánh miền Trung Công ty SJC và kế toán chi nhánh này là Nguyễn Thị Lộc, cùng bị khởi tố tội tham ô tài sản.

Người phát ngôn Bộ Công an cho hay bước đầu cơ quan điều tra xác định các bị can đã lợi dụng việc mua, bán vàng bình ổn giá, lập khống chứng từ, sổ sách để chiếm đoạt tiền, hưởng lợi bất chính.

Trần Cường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.