Thế giới khởi động hành trình cấm xe xăng
Bắt đầu từ năm 2025, EU hướng đến mục tiêu giảm trung bình 15% lượng khí thải CO2 từ xe ô tô chở khách mới, so với mức năm 2021. Điều này có nghĩa là mục tiêu phát thải CO2 trên toàn đội xe sẽ giảm xuống còn 93,6 gam/km, theo Quy trình kiểm tra đồng bộ cho xe hạng nhẹ toàn cầu (WLTP). Các nhà sản xuất ô tô sẽ cần phải đạt được tiến bộ ổn định, giảm lượng khí thải của đội xe của họ khoảng 4% mỗi năm trong giai đoạn từ 2021 - 2025.
Trung bình, báo cáo của ICCT ước tính rằng các nhà sản xuất ô tô sẽ phải cắt giảm 12% lượng khí thải so với mức năm 2023 để đạt được mục tiêu năm 2025. Điều đó có nghĩa là công ty sản xuất ô tô phải bán ít nhất 20% xe điện trong tổng doanh số để tránh bị phạt. Ông Luca de Meo - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (European Automobile Manufacturers' Association - ACEA) cho biết, các khoản tiền phạt có thể lên tới 15 tỉ EUR, dựa trên doanh số hiện tại.
Đối mặt với quy định chặt chẽ hơn về khí thải, các hãng sản xuất xe ô tô châu Âu đang chuẩn bị cho kế hoạch tăng giá xe xăng và giảm giá xe điện trong thời gian tới, nhằm nỗ lực hạn chế nhu cầu đối với các dòng xe phát thải nhiều và giúp xe điện trở nên được ưa chuộng hơn. Trong 2 tháng qua, Volkswagen, Stellantis và Renault đều đồng loạt tăng giá các mẫu xe xăng lên vài trăm EUR. Tháng trước, Peugeot cũng đã tăng giá các mẫu xe xăng lên tới 500 EUR tại thị trường Pháp.
Đây không phải là lần đầu tiên ngành công nghiệp ô tô phải đối mặt với các mục tiêu phát thải mới. Trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021, các quy định của EU yêu cầu các nhà sản xuất phải giảm 23% lượng khí thải CO2. Trong giai đoạn đó, các nhà sản xuất ô tô đã xoay xở để tăng thị phần xe điện của mình thêm khoảng 8 điểm phần trăm, mặc dù mạng lưới sạc chưa phát triển và số lượng mẫu xe điện còn hạn chế.
Tuy nhiên, đây là con đường bắt buộc phải đi bởi hồi tháng 2.2023, Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua luật cấm bán ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel ở Liên minh châu Âu từ năm 2035, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện và chống biến đổi khí hậu. Hiện nay, Na Uy sắp trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện được quá trình chuyển đổi từ xe sử dụng động cơ đốt trong sang xe thuần điện. Quốc gia Bắc Âu với 5,5 triệu dân đang tiến tới thực hiện kế hoạch cấm bán các mẫu ô tô chạy bằng xăng và dầu mới vào năm 2025.
Tại Mỹ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bật đèn xanh cho quy định "Xe ô tô sạch nâng cao II" của California, phê chuẩn lệnh cấm xe chạy xăng do tiểu bang này đề xuất. Trong khi đó, 11 tiểu bang khác cam kết áp dụng các quy định này và tiểu bang áp dụng đầu tiên sẽ vào năm 2026.
Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế
Tương tự nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Từ tháng 7.2022, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT. Cụ thể, đối với ngành giao thông đường bộ, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh sẽ được chia thành hai giai đoạn. Trong đó, ở giai đoạn 1 từ năm 2022 - 2030 sẽ thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện. Mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Ở giai đoạn hai từ năm 2031 - 2050, ngành GTVT hướng đến mục tiêu từ năm 2040 sẽ từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô xe máy chạy bằng xăng dầu. Sau đó đến năm 2050 sẽ chuyển đổi sang sử dụng 100% xe điện. Lộ trình này chậm hơn một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore... Tuy nhiên, với hạ tầng giao thông cũng như năng lực và quy mô của ngành sản xuất ô tô, xe máy Việt Nam, lộ trình này tương đối phù hợp.
Ngay từ thời điểm đó, một số nhà sản xuất ô tô xe máy tại Việt Nam đã từng bước chuyển sang sản xuất, phân phối xe điện. Trong đó, VinFast là hãng xe tiên phong khi ngay từ đầu chỉ sản xe máy điện, và đến ngày 15.7.2022 đã thông báo ngừng sản xuất, kinh doanh 3 mẫu ô tô chạy xăng của hãng từng bán tại Việt Nam. Gần 3 năm qua, doanh nghiệp này chỉ tập trung nguồn lực để sản xuất, phân phối các mẫu ô tô điện. Tương tự, các nhà sản xuất như TC Motor - đơn vị lắp ráp, phân phối ô tô Hyundai tại Việt Nam, Trường Hải (THACO AUTO) đã lên kế hoạch nhập khẩu, phân phối ô tô điện.
Ở cấp độ địa phương, TP.HCM và Hà Nội cũng đã lên kế hoạch chi tiết, triển khai một chiến lược mạnh mẽ để chuyển đổi giao thông công cộng sang các phương tiện xanh. Sở GTVT TP.HCM xác định 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng Iượng xanh. Các tuyến xe buýt mở mới từ năm 2025 trở đi cũng 100% sử dụng xe điện, năng lượng xanh. Mục tiêu từ năm 2030, 100% xe buýt tại thành phố sẽ "đổi màu", sử dụng điện, năng lượng xanh.
Trong khi đó, Sở GTVT TP.Hà Nội vừa được UBND TP giao khẩn trương tham mưu xây dựng Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ tài chính để chuyển đổi sang hệ thống xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng sạch, bao gồm: có chính sách hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ lãi vay tối đa, kéo dài thời gian hỗ trợ vay… trên tinh thần đồng hành với doanh nghiệp. Lãnh đạo TP chỉ đạo cấp bách chuyển đổi hệ thống xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội sang sử dụng điện, năng lượng xanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải khí các-bon, giảm ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, thực tế đến nay, trong các dòng xe di chuyển trên phố, xe thuần điện vẫn chiếm con số khiêm tốn. Các chuyên gia nhấn mạnh việc chấm dứt xe chạy bằng năng lượng hóa thạch còn là thách thức lớn nếu không có sự chung tay.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, dẫn ví dụ: trên thế giới có nhiều thành phố, điển hình như Bắc Kinh (Trung Quốc) đã từng là tâm điểm của ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, nhờ những quyết tâm của lãnh đạo các cấp, kể cả cấp cao nhất và những chính sách, chương trình hành động đúng, cộng với sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, chất lượng không khí đã từng bước cải thiện.
Ngoài các chính sách mạnh tay đối với các cơ sở sản xuất, ông Hoàng Dương Tùng nhìn nhận đáng chú ý nhất là các chính sách giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông như: sử dụng xe chạy điện cho tất cả các dịch vụ bưu điện, giao hàng trong nội thành, các phương tiện thực hiện công tác vệ sinh môi trường, cũng như hệ thống xe buýt và sân bay công cộng. Song song, đưa ra chính sách bắt thăm xổ số cho những người muốn dùng xe xăng/dầu. Đối với những ai muốn mua xe điện thì dễ dàng hơn nhằm khuyến khích mọi người chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông sạch.
Ngoài ra, yêu cầu những xe cũ, gây ô nhiễm không được sử dụng và phải bị thu hồi, hủy bỏ; tăng cường thanh tra, kiểm tra khí thải các phương tiện giao thông chạy nhiên liệu hóa thạch trên đường; thắt chặt tiêu chuẩn phát thải đối với xe tải chạy dầu.
"Hiện các doanh nghiệp bán xe điện đang có những chính sách khuyến khích rất tốt để người dân chuyển đổi phương tiện, song, chỉ như vậy thôi thì chưa đủ. Chính phủ cần tạo hành lang hỗ trợ, đồng hành mạnh mẽ cùng các đơn vị sản xuất xe điện để nhanh chóng chuyển đổi. Việc chuyển đổi, cấm dần xe xăng cần phải có những chính sách cụ thể, đưa ra mục tiêu cắt giảm theo năm; kiểm soát chặt chẽ hơn việc phát thải của các dòng xe sử dụng năng lượng hóa thạch", TS Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.
Hội đồng Quốc tế về Giao thông Sạch (ICCT) cho rằng, dựa trên hiệu suất trong quá khứ, việc đạt được mức tăng 12 điểm phần trăm thị phần xe điện đối với các hãng ô tô châu Âu từ năm 2023 đến năm 2025 là điều có thể đạt được. Ngày nay, bối cảnh thuận lợi hơn, với nhiều lựa chọn xe điện hơn, cơ sở hạ tầng sạc được cải thiện và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến ô tô điện.
Bình luận (0)