Quyết liệt tháo nút thắt cho các dự án

28/10/2024 06:00 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án.

Ban chỉ đạo do Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng ban, Bộ Trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng làm Phó ban, và thành viên gồm Bộ trưởng các Bộ Tài Chính, Tư pháp, TN-MT, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước…

Dự án vướng do ai ? Là do mình thôi !

Theo Quyết định, Ban chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, bao gồm các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác (nếu có). Bên cạnh đó, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, điều hòa phối hợp và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các công việc như rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao, xác định nguyên nhân và đề xuất phương án xử lý; chỉ đạo các bộ, cơ quan hướng dẫn tháo gỡ theo thẩm quyền; tổng hợp khó khăn, vướng mắc liên quan theo các nhóm vấn đề cụ thể, xác định thẩm quyền xử lý của các cấp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét...

Quyết liệt tháo nút thắt cho các dự án- Ảnh 1.

Nhiều dự án treo mỏi mòn chờ gỡ vướng suốt nhiều năm gây lãng phí nguồn lực

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Ban chỉ đạo còn được quyền chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án thuộc thẩm quyền của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề mới phát sinh (nếu có). Ngoài ra, có trách nhiệm xem xét, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Trước khi thành lập Ban chỉ đạo, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, công văn gỡ vướng cho từng ngành, trong từng hoàn cảnh đặc biệt. Cá biệt, có những trường hợp còn ban hành riêng Nghị quyết gỡ khó như dự án giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) - công trình chống ngập lớn nhất TP.HCM tính đến nay. Thế nhưng, thực tế kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Vì thế, việc thành lập Ban chỉ đạo cho thấy sự sốt ruột và quyết liệt của Chính phủ trong việc khơi thông những nút thắt đang khiến các nguồn lực bị "đóng băng", gây ảnh hưởng đến tăng trưởng, đến sức khỏe của doanh nghiệp và niềm tin của nhà đầu tư trong và nước ngoài trên thị trường.

Mới đây, khi phát biểu trong cuộc thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh việc cần nhanh chóng chỉ rõ trách nhiệm, gỡ vướng cho các dự án để giải quyết triệt để tình trạng lãng phí nguồn lực khiến người dân bức xúc. Dẫn chứng nhiều trường hợp mảnh đất "vàng" có giá trị lớn nhưng đứng im hàng chục năm để cỏ mọc; dự án chống ngập ở TP.HCM qua 2 nhiệm kỳ mà dân vẫn chịu ngập lụt, trong khi tiền Nhà nước bỏ ra rồi; trường hợp 2 bệnh viện được Nhà nước đầu tư chục năm vẫn chưa đưa vào sử dụng; hay câu chuyện giải ngân vốn 9 tháng chưa được 50%..., Tổng Bí thư đặt vấn đề: "Đó là do ai? Là do mình thôi, sao thấy vướng mà cứ để làm khó mình đến thế. Khó đến đâu gỡ đến đó, nhìn từng cái mà gỡ. Quy định thế nào mà đến Nhà nước còn không làm được thì doanh nghiệp làm sao làm được? Hàng trăm, hàng nghìn dự án ở địa phương được cấp cho doanh nghiệp nhưng triển khai lại vướng, lại đứng chờ nhau. Tất cả do mình cả. Vậy ai làm được? Phải phối hợp, không đổ cho nhau hay chờ đợi nhau được".

Chờ đột phá thể chế

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, giảng viên ĐH Kinh tế TP.HCM, khẳng định các dự án đầu tư dù ở hình thức nào cũng liên quan trực tiếp tới nhau và là mạch máu nuôi sống nền kinh tế. Các dự án dù là đầu tư công vào hạ tầng, y tế, viễn thông… hay các dự án do doanh nghiệp tư nhân thực hiện cũng đều nhằm mục tiêu lớn nhất là để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, người lao động. Đầu tư công mà chậm giải ngân thì vốn tư nhân cũng sẽ trì trệ, kéo theo cả nền kinh tế rất khó phục hồi.

Theo ông, đầu tàu cả nước là TP.HCM không thu hút được đầu tư một số ngành cần nhiều lao động vì hạ tầng hiện đã quá tải. Dịch vụ phục vụ người dân trở nên khan hiếm, giá cả, chi phí sinh hoạt tăng nên lao động không tuyển được, doanh nghiệp phải đi chỗ khác làm hoặc thu hẹp quy mô. Nhiều dự án, chương trình TP đã lên quy hoạch, phương án từ hơn 1 thập niên trước nhưng đến nay vẫn còn dang dở. Sau khi mở cửa kinh tế hậu Covid-19, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cùng chủ trương tăng tốc đẩy nhanh dòng vốn đầu tư công, sự chủ động quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho từng ngành kinh tế đã có tác động về mặt tâm lý cho doanh nghiệp. Song đến nay, sự chậm trễ, ì ạch khiến doanh nghiệp cảm thấy rủi ro, mất niềm tin và sẽ dần kiệt quệ. Đây không chỉ là tình trạng của riêng TP.HCM mà nhiều địa phương lớn nhỏ trên cả nước cũng đều đang trải qua.

Để giải quyết vấn đề này, tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền cho rằng quan trọng nhất là phải cởi bỏ được tâm lý sợ chịu trách nhiệm. Hiện nay, tình trạng lãnh đạo các cấp có tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, hồ sơ chạy từ sở này qua ban kia, vẫn đang tiếp diễn. Bên cạnh đó, quy định quá chồng chéo, luật này "đá" luật kia. Nhiều quy định không liên thông từ đầu tới cuối nên trong quá trình phối hợp, các dự án thường xuyên vướng mắc và chậm trễ, không đủ điều kiện để thực hiện. Khi chuyển xuống tới các địa phương, ai cũng làm đúng chức năng, nhiệm vụ nhưng cuối cùng, công việc lại không chạy bởi chỉ lo đảm bảo hoàn thành trách nhiệm nhưng chưa đủ về mặt phối hợp công việc. Thay vì linh hoạt để kéo toàn bộ bộ máy đi chung để đạt kết quả tốt nhất thì cứ mạnh ai nấy làm, không có điều phối chung.

"Chính phủ giao nhiệm vụ thì người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương, lĩnh vực phải rà soát, phân loại các dự án vướng ở đâu để có giải pháp tháo gỡ cụ thể, vào cuộc một cách chi tiết, nếu cần thì kiến nghị Chính phủ vào cuộc hỗ trợ. Mặt khác, Chính phủ cũng phải nêu trách nhiệm người đứng đầu các ngành, địa phương chậm giải ngân; các Tổ công tác, Ban chỉ đạo đều có Trưởng ban, Tổ trưởng là những người có trách nhiệm, quyền hạn giải quyết công việc là cần thiết, nhưng quan trọng là phải dám quyết, dám làm. Nếu có quyền hạn mà vẫn phải chờ tham mưu lòng vòng, chỗ này hỏi chỗ kia thì sự quyết liệt sẽ mất đi hiệu quả", tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh.

Theo tiến sĩ Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - Hội Truyền thông số VN: Môi trường đầu tư và thể chế là yếu tố quan trọng nhất để đột phá kinh tế VN trong giai đoạn cực kỳ quan trọng sắp tới. Nhiều doanh nghiệp công nghệ, bán dẫn cũng đã "để mắt" tới VN. Chúng ta có nhiều lợi thế nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với cạnh tranh rất lớn từ các nước có cùng điều kiện như Malaysia, Thái Lan, Indonesia… Nếu các nhà đầu tư chưa vào đã bị rào cản thủ tục làm khó, đã nhìn thấy các dự án lớn nhỏ xếp hàng chờ gỡ vướng thì VN rất dễ đánh mất cơ hội vào tay đối thủ.

Điểm mạnh của khối doanh nghiệp VN là rất giỏi chống chịu, mềm dẻo, thích ứng nhanh nhưng phải được phát huy bằng môi trường chính sách. Cơ chế mở không chỉ gỡ vướng cho các dự án hiện hữu, "phá băng" nguồn lực khổng lồ mà còn giúp lực lượng doanh nghiệp phát huy triệt để tiềm năng, cơ hội, đưa kinh tế VN bứt tốc trong kỷ nguyên mới.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Đồng

Một dự án đầu tư lớn tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm, tạo nguồn thu cho ngân sách biết bao nhiêu. Chỉ cần mạnh dạn nhanh chóng khơi thông những dự án lớn đang tắc, tạo thành làn sóng trải khắp cả nước thì kinh tế chắc chắn sẽ lập tức đột phá.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.