Quyết liệt xử lý lao động nước ngoài không phép

24/06/2011 23:40 GMT+7

Ngay sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài Lao động nước ngoài tràn ngập VN, Bộ LĐ-TB-XH đã cử đoàn công tác xuống địa phương kiểm tra, chấn chỉnh. Ông Lê Quang Trung (ảnh), Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) đã trả lời phóng viên xoay quanh vấn đề này.

Số lao động nước ngoài tại VN, tính đến thời điểm này là bao nhiêu, thưa ông?

 

Ông Lê Quang Trung  - ảnh T.H

Lao động sang VN làm việc đến từ 65 quốc gia. Trong đó, người châu Á chiếm tỷ lệ lớn nhất, đứng đầu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia… Theo báo cáo từ các địa phương gửi về Cục Việc làm, tính đến tháng 5, tổng số người nước ngoài đang làm việc tại VN là hơn 74.000 người. Hầu hết trong số này đều có giấy phép lao động, có trình độ chuyên môn, tay nghề, có giấy chứng nhận làm thủ tục.

Cụ thể: 48,3% lao động có trình độ ĐH, trên ĐH; số có chứng chỉ tay nghề là 34,6%, lao động là nghệ nhân, nghề truyền thống là 17,1%. Phân theo vị trí công việc, quản lý điều hành trên 32%; chuyên gia kỹ thuật 41%. Lao động khác 27%. 86% lao động có độ tuổi từ 30 tuổi trở lên.

Nghĩa là so với năm 2010, số lao động nước ngoài vào VN đã tăng thêm hàng chục ngàn người?

Số lao động tăng lên có nhiều lý do. Trong đó chủ yếu là do đầu tư nước ngoài vào VN tăng. Thứ 2, số lao động vào VN từ trước, giờ mới đăng ký làm thủ tục cấp giấy phép lao động.

Luật pháp VN chỉ cấp giấy phép cho các lao động có tay nghề, nhưng tại các địa phương như Ninh Bình, Đắk Nông, Lâm Đồng…vẫn có tới hàng ngàn lao động làm việc không phép. Ngành lao động có quản lý được con số này không?

Ngoài số lao động có đủ điều kiện, còn có số lượng đáng kể lao động phổ thông là người nước ngoài làm việc cho một số nhà thầu nước ngoài trúng thầu tại VN bằng nhiều con đường và hình thức khác nhau chưa được các địa phương tổng hợp và báo cáo đầy đủ. Hằng năm, Bộ LĐ-TB-XH tổ chức kiểm tra các địa phương có nhiều người nước ngoài để nắm bắt tình hình và xử lý những vấn đề phát sinh. Đối với số lao động không giấy phép, Sở LĐ-TB-XH các địa phương đang tập trung kiểm tra; thanh tra, yêu cầu làm thủ tục giấy phép. Nếu không làm thủ tục sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.

Các nhà thầu thường vi phạm trong làm các thủ tục, cấp giấy phép cho người nước ngoài và người lao động. Nhà thầu, chủ đầu tư đưa ra các lý do này lý do khác. Nói tóm lại, họ chưa thực hiện đúng trách nhiệm trong quản lý người nước ngoài.

Có không ít chủ đầu tư, nhà thầu nước ngoài đang cố tình lách luật bằng cách chỉ khai báo lao động dưới 3 tháng để trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ và thủ tục liên quan...

Theo quy định của Bộ luật Lao động (BLLĐ), lao động nước ngoài làm việc dưới 3 tháng không cần phải cấp giấy phép lao động. Tuy lao động không phải cấp giấy phép nhưng vẫn phải làm các thủ tục khai báo. Trong Nghị định 34, khoản 6, Điều 9 quy định rõ: đối với đối tượng làm việc dưới 3 tháng thì phải thông báo với Sở LĐ-TB-XH địa phương trước 7 ngày tính từ ngày làm việc. Và phải nộp kèm theo đầy đủ các giấy tờ: giấy chứng nhận, trình độ chuyên môn, như là cấp giấy phép lao động.

Bộ LĐ-TB-XH đã kiên quyết nhắc nhở các địa phương bằng nhiều văn bản, đối với những lao động làm việc dưới 3 tháng dứt khoát phải thực hiện theo Nghị định 34; đồng thời, yêu cầu các địa phương kiểm tra kỹ các đối tượng này. Trong hồ sơ mời thầu, dự thầu... đều phải có kế hoạch sử dụng nhân sự. Tuy nhiên, các chủ đầu tư, nhà thầu cũng cố tình vi phạm với nhiều lý do khác nhau.

 

Khu nhà ở cho lao động Trung Quốc tại công trường nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, Thủy Nguyên, Hải Phòng - ảnh: K.T.L

Như vậy phải chăng là do chế tài xử phạt chưa mạnh?

Chế tài xử phạt vi phạm hành chính thấp. Theo tôi, tới đây cần nâng mức xử phạt cao hơn và xử phạt theo từng hành vi; đồng thời công khai danh tính doanh nghiệp, tổ chức bị phạt lên các phương tiện thông tin đại chúng.

Vì sao lao động giản đơn vẫn lấy lao động nước ngoài?

Việc này Bộ sẽ chỉ đạo địa phương rà soát kỹ. Đặc biệt, trong Nghị định 46 mới ban hành đã “bịt được lỗ hổng” trong quản lý. Nghị định quy định kỹ, trong hồ sơ mời thầu, dự thầu, chấm thầu đều phải có phương án cụ thể về nhân lực: vị trí công việc, số lượng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, thời gian thực hiện...

Theo thông tin từ các địa phương, tới đây sẽ có hàng ngàn lao động nước ngoài vào VN làm việc trong các dự án, gói thầu EPC. Bộ LĐ-TB-XH có giải pháp gì để thắt chặt quản lý?

Trong ngày hôm nay (24.6) Cục đã hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều trong Nghị định 34 và Nghị định 46. Trong văn bản này, những vấn đề gì trong thực tế phát sinh, những vấn đề gì cần hướng dẫn thuộc thẩm quyền, Bộ sẽ hướng dẫn chi tiết. Bên cạnh đó, chúng tôi đã đề xuất chỉ đạo các địa phương xây dựng quy chế phối hợp trong việc quản lý lao động nước ngoài từ khâu tuyên truyền chính sách. Có sự phối hợp giữa ngành lao động, công an, ban quản lý khu công nghiệp, kế hoạch và đầu tư… việc thanh kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm sẽ tốt hơn.

Bộ LĐ-TB-XH cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác hướng dẫn, giúp đỡ tạo điều kiện cho chủ sử dụng lao động, các lao động nước ngoài thực hiện tốt pháp luật quản lý người nước ngoài. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra giám sát về vấn đề này và yêu cầu chủ sử dụng lao động, chủ đầu tư, nhà thầu phải kiên quyết thực hiện các quy định hiện hành. Từ 1.8, đối với lao động đã ở VN phải làm thủ tục cấp giấy phép. Đối với những đối tượng chưa vào VN, kiên quyết yêu cầu chủ sử dụng lao động phải xin giấy phép trước khi vào VN. Phải xác định rõ trách nhiệm chủ sử dụng lao động, trước khi vào VN phải tuân thủ pháp luật VN.

Tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu siết chặt quản lý gói thầu EPC, trong đó có giao Bộ LĐ-TB-XH nghiên cứu, sửa đổi quy định quản lý lao động nước ngoài theo hướng bắt buộc lao động nước ngoài tại VN đều phải có giấy phép. Tới đây, Bộ LĐ-TB-XH sẽ thực hiện việc này như thế nào?

Đối với lao động dưới 3 tháng không cần có giấy phép, đây là vấn đề quy định trong BLLĐ. Bộ LĐ-TB-XH đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo sửa đổi BLLĐ quy định về người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại VN phải có giấy phép lao động để lấy ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, doanh nghiệp, tổ chức trước khi trình Quốc hội. Trong khi chưa sửa luật, Bộ LĐ-TB-XH yêu cầu các địa phương kiên quyết thực hiện theo Khoản 6, Điều 9, Nghị định 34.

Thu Hằng (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.