Như Thanh Niên đã thông tin, sau khi Bộ Y tế bất ngờ có Công văn 2348 gửi Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN về việc bãi bỏ Công văn 2009 năm 2018 của Bộ này về thanh toán các dịch vụ kỹ thuật (DVKT) sử dụng máy mượn, máy đặt ở các bệnh viện (BV), hàng loạt cơ sở y tế, địa phương kiến nghị khẩn cấp phải xem xét lại để đảm bảo quyền lợi chính đáng của bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT).
Trước phản ứng của dư luận và người bệnh, kiến nghị của các BV, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) có thông tin báo chí, khẳng định: “Việc thanh toán BHYT đối với máy đặt, máy mượn hiện nay đang được thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn 6807/BYT-BH ngày 9.11.2018 của Bộ Y tế và không liên quan đến việc bãi bỏ Công văn số 2009/BYT-KHTC. Bộ Y tế đang làm việc với BHXH VN để thống nhất hướng dẫn các nội dung cụ thể cho các đơn vị thực hiện”.
Các BV đề nghị tiếp tục thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật thực hiện từ máy mượn, máy đặt cho bệnh nhân |
Duy Tính |
Bình luận về trả lời của Bộ Y tế, lãnh đạo một Sở Y tế cho rằng: “Không ai lại đi bãi bỏ một công văn lưng chừng như vậy cả. Điều đáng nói, Công văn 2348 của Bộ Y tế rất ngắn gọn, chỉ nêu bãi bỏ Công văn 2009...; kính chuyển BHXH VN và các đơn vị biết, triển khai thực hiện, mà không hề kèm theo thông tin Công văn 6807 vẫn còn hiệu lực, việc chi trả cho bệnh nhân BHYT như nói trên vẫn tiếp tục thực hiện. Với một chính sách rất quan trọng, liên quan đến số đông người bệnh, nhưng Bộ Y tế thông tin đột ngột và không rõ ràng đã khiến các BV, bệnh nhân hoang mang, lo lắng”.
Trả lời PV Thanh Niên, Phó tổng giám đốc BHXH VN Phạm Lương Sơn cho biết BHXH đã họp với Bộ Y tế và Bộ sẽ có công văn gửi BHXH VN thay thế Công văn 2009 đã được bãi bỏ. Tinh thần công văn mới là sẽ thanh toán DVKT trên máy mượn, máy đặt theo hết hạn hợp đồng thầu hóa chất xét nghiệm.
Khó hiểu việc thông báo vội vàng
Nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng Bộ Y tế đột ngột thông báo ngưng thanh toán DVKT sử dụng máy mượn, máy đặt ở BV là việc làm thiếu thấu đáo, gây hoang mang cho người bệnh. BĐ Hung Ngo The viết: “Quốc sách hàng đầu của các quốc gia thường bao gồm lĩnh vực giáo dục và y tế, nhằm mục đích nâng cao dân trí và sức khỏe người dân. Điều này cũng thể hiện mọi quyết sách liên quan 2 lĩnh vực này đều ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, phải được cân nhắc thấu đáo trước khi ban hành. Thế nhưng, công văn của Bộ Y tế ra đột ngột, đẩy các cơ sở khám chữa bệnh vào thế khó, khiến người bệnh có BHYT hoang mang, thêm gánh lo toan trong lúc đang rất khó khăn. Cách làm này đi ngược lại chủ trương chăm lo sức khỏe cho người dân”.
BĐ Dung Nguyen cũng nhận xét: “Trước khi thực hiện vấn đề gì liên quan khám chữa bệnh của người dân, cần xem xét thấu đáo giữa lợi và hại, chứ không phải muốn ra quy định thế nào cũng được”.
BĐ Tho Nguyen ý kiến: “Chính phủ đang khuyến khích thúc đẩy BHYT toàn dân. Người dân cần được chăm sóc kịp thời, đầy đủ khi lâm bệnh. Trong khi BHXH đang chi thanh toán chi phí này thì không hiểu sao người trình duyệt và người đặt bút ký vội vàng cho ra một văn bản ảnh hưởng tức thì lên bệnh nhân như thế?!”.
BĐ Nguyễn Hiền cùng quan điểm: “Bộ Y tế và BHXH VN có thực sự quan tâm đến quyền lợi của bệnh nhân, có thấy cái khó của các BV? Thêm chi phí xét nghiệm không được thanh toán thì tội cho người nghèo quá, trong khi chúng ta khuyến khích người dân mua BHYT”.
“Một quyết định ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hàng triệu người dân mà Bộ Y tế ban hành quá vội vàng. Thật không hiểu nổi!”, BĐ teoooem bức xúc.
Để không tái diễn tình trạng “sáng ban hành, chiều sửa đổi”
Không chỉ bức xúc với việc ra công văn đột ngột chấm dứt thanh toán DVKT sử dụng máy mượn, máy đặt ở BV, nhiều BĐ còn bày tỏ không hài lòng về cách giải thích của cơ quan thuộc Bộ Y tế sau khi báo chí, dư luận, địa phương phản ánh, kiến nghị.
“Muốn ra quyết sách liên quan đến nhiều người như này, trước tiên phải lấy ý kiến những đối tượng bị ảnh hưởng, rồi các địa phương, BV... sau đó tổng hợp, cân nhắc thiệt hơn. Văn bản phải rõ ràng, minh bạch và đặc biệt phải có lộ trình... Quy trình tưởng đơn giản mà sao cấp bộ lại không triển khai nhỉ?”, BĐ ở địa chỉ email canbvtv…@gmail.com viết.
BĐ Anh Tuấn Nguyễn bổ sung: “Chỉ cần ghi: từ ngày, tháng năm này... bệnh nhân vẫn được thanh toán BHYT tại cơ sở y tế có máy mượn, máy đặt, cho đến khi có thông báo mới. Tránh tình trạng ra nhiều văn bản, sáng ra, chiều thu hồi, vài hôm lại điều chỉnh uốn nắn, nói cho rõ...”.
“Liên quan đến sức khỏe người dân mà mấy vị làm như mua bó rau ngoài chợ. Nên cho thôi việc những cán bộ quan liêu để không còn tình trạng ban hành công văn buổi sáng, đến buổi chiều ra công văn khác thay thế rồi “huề cả làng””, BĐ Andy Quach kiến nghị. Đồng quan điểm, BĐ Hoang Van viết: “Cần xem xét trách nhiệm những người tham mưu và ban hành văn bản gây bức xúc trong nhân dân như thế này”.
Nếu mua BHYT nhưng khám ở BV công cũng phải mất tiền xét nghiệm thì người bệnh chắc sẽ chuyển sang khám chữa bệnh ở các cơ sở tư nhân thôi, chứ đâu cần phải mua BHYT làm gì nữa.
Ngọc Minh Vũ
Covid-19 đã đang và tiếp tục đe dọa đến người dân, gây nhiều thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng. Hiện người nghèo chỉ còn BHYT là nguồn cứu mạng khi gặp bệnh hiểm nghèo, sao lại vội ra quyết sách như vậy?
Vũ Minh
Một chính sách lớn, ảnh hưởng đến nhiều gia đình, sức khỏe người bệnh khó khăn, phải đặc biệt thận trọng, từng bước, phù hợp. Đó là điều cơ bản trong công việc liên quan đến dân chứ.
Bình luận (0)