Cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu khi chị chuẩn bị lên đường tham gia một show trình diễn thời trang tại Mỹ.
Chị có 2 quốc tịch Thụy Sĩ và VN nhưng chị lại tốt nghiệp ngành thời trang tại Pháp? Cơ duyên nào chị lại theo học ngành này?
Tôi rời VN đến Thụy Sĩ để định cư và đã sống ở đó nhiều năm. Pháp và Thụy Sĩ là hai nước liền kề nên có thể dễ dàng ghé thăm. Từ Giơ-ne-vơ đến Paris chỉ mất khoảng 3 tiếng đi bằng xe lửa. Với khoảng cách như vậy nên tạo cơ hội cho tôi quyết định theo học ngành thời trang tại Paris. Nhưng đó không phải là lý do chính để tôi theo đuổi thời trang. Khi ở VN, tôi đã từng là nghệ sĩ violin, họa sĩ, vũ công, và là một người mẫu. Lúc đó, tôi đã trình diễn cho nhiều thương hiệu VN. Nói như vậy để thấy rằng tôi có nhiều mối liên hệ với thời trang. Tôi là người cũng khá đặc biệt, hồi nhỏ khi không tìm được những bộ đồ ưng ý, tôi đã tự vẽ và đưa cho những nhà may lúc bấy giờ may lên. Dĩ nhiên, những bản vẽ lúc đó đơn giản nhưng đó là những bước đầu tiên để tôi đến gần hơn với thiết kế. Tôi không nghĩ là một ngày nào đó những điều này sẽ làm cho tôi trở nên chuyên nghiệp. Nhưng quyết định đến Thụy Sĩ đã làm điều đó xảy ra. Năm 2006, tôi bắt đầu học ở Pháp và tốt nghiệp vào năm 2009.
|
Tôi được biết học thời trang tại Pháp rất tốn kém, chị làm sao để cầm cự 3 năm đến khi tốt nghiệp?
Rất đúng, ngành thời trang tại Paris rất đắt đỏ. Học phí rất cao, sinh viên không chỉ phải mua sách, các loại bút vẽ... mà họ còn phải mua máy may, tất cả các loại chất liệu, phụ liệu, màu vẽ, tạp chí, và nhiều thứ khác. Thực ra trong suốt thời gian học, tôi đã biến ngôi nhà mình gần như một cái xưởng may nhỏ. Mỗi tuần tôi luôn luôn phải mua một cái gì đó trong suốt 3 năm học. Trong 3 năm đó, tôi chưa bao giờ đi ngủ trước 2-3 giờ sáng, nhiều khi phải thức trắng đêm. Sau vài tháng như vậy, có nhiều sinh viên đến lớp với tình trạng mệt mỏi. 24 giờ mỗi ngày dường như không đủ cho chúng tôi làm việc. Nói vậy để thấy rằng đối với ngành này thì không thể vừa làm vừa học được. Học thiết kế ở đây rất khó, lượng công việc thì dày đặc và giáo viên thì không ngần ngại để cho bạn điểm thấp. Thông thường những sinh viên từ khắp nơi trên thế giới đến học nếu không đủ trình độ thì rất dễ bị lưu ban hoặc thậm chí bị đuổi học. Gia đình đã giúp tôi kinh phí trong suốt những năm đó.
Chị từng chia sẻ mình tốt nghiệp tại Trường Mod Art International đoạt loại xuất sắc... Lúc đó bạn bè trên thế giới không tin chị là người Việt?
(Cười). Paris là kinh đô thời trang nên nhiều du học sinh đến đây để học. Khi tôi bắt đầu khóa học, tôi mới biết các sinh viên cùng khóa đều đã tốt nghiệp từ những trường thời trang ở đất nước của họ. Dù vậy họ vẫn muốn tốt nghiệp ở trường thời trang của Pháp vì nó có giá trị và danh tiếng. Ban đầu, tôi thấy sự cạnh tranh có phần không công bằng và có một chút lo sợ. Nhưng chỉ vài tuần sau đó, tôi nhận ra thực tế không như mình nghĩ. Từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc, trong tất cả các môn học tôi đã làm tốt hơn họ rất nhiều. Tôi không hề do dự khi nói điều này. Tôi không chỉ là sinh viên giỏi nhất lớp mà còn là sinh viên giỏi nhất của trường từ trước đến nay. Giáo viên thường thảo luận về các bài làm của tôi mỗi khi họ gặp nhau. Và họ cũng biết tôi muốn mở thương hiệu riêng ngay khi tốt nghiệp. Thậm chí thầy dạy thiết kế của tôi đã gợi ý về việc được làm chung sau đó. Ngay khi tốt nghiệp chúng tôi đã làm việc cùng nhau. Từ những ngày đầu tiên tại Mod Art International, mọi người đã rất tin vào tiềm năng của tôi, nhất là thầy cô và ban giám hiệu nhà trường. Tuy nhiên, mọi người rất bất ngờ khi tôi nói mình là người VN. Tất cả bạn học của tôi đều là người Pháp, Mỹ, Nhật, Trung Quốc... Họ không nghĩ sẽ có một người VN học thời trang ở Paris, cạnh tranh và... hơn hẳn họ. Có lẽ tôi là người Việt đầu tiên tốt nghiệp loại xuất sắc tại Paris.
Bạn bè chị nói Quỳnh Paris từng rất bức xúc khi một số người trên thế giới không nghĩ người VN mình có thể học được như vậy?
|
Chuyện này đã xảy ra nhiều lần khi mọi người bất ngờ biết tôi là người gốc Việt. Đôi khi tôi rất giận về định kiến này. Nhưng làm sao xóa bỏ định kiến. Cách tốt nhất tôi có thể làm đó là học thật chăm chỉ để không thể có bất kỳ sự so sánh nào giữa chúng tôi.
Đang thuận lợi và sống ở châu u, tại sao chị quyết định về VN? Chị có thấy đây là quyết định sáng suốt vì trên thực tế hiện thời trang của ta vẫn còn khá bấp bênh?
Ban đầu tôi muốn xây dựng thương hiệu tại Paris vì nhiều nhà thiết kế và các thương hiệu nước ngoài đều muốn. Tốt nghiệp tại Pháp, lẽ dĩ nhiên cũng nên bắt đầu gầy dựng sự nghiệp ngay tại chổ này vì nó sẽ dễ dàng hơn. Nhưng cuối năm 2009, tôi có cơ hội tham gia Duyên dáng VN tại TP.HCM kéo dài 4 ngày và đó là chương trình thời trang đầu tiên của Quỳnh Paris tại VN. Sự kiện này như một chất xúc tác, nhưng chỉ là chất xúc tác thôi. VN là nơi tôi lớn lên, nơi gia đình tôi vẫn đang sống... nên tôi đã quyết định mọi thứ sẽ bắt đầu từ TP.HCM. Tôi biết nó sẽ khó khăn hơn, nhưng tôi vẫn tự tin. Cho đến nay, tôi không hối hận về quyết định của mình.
Hiện nay chi nhánh thời trang của chị đã phát triển tại Mỹ, Pháp. Chị nghĩ thời trang Made in VN có thể khẳng định được tên tuổi tại nước ngoài?
Tôi là người VN nhưng tôi muốn thương hiệu của mình sẽ trở thành quốc tế. Chúng tôi đã có khách hàng ở nhiều nơi trên thế giới. Mục tiêu của tôi là phát triển ở các thành phố thời trang lớn trong một thời gian ngắn. Tôi sẽ thường xuyên bay đến nơi nào cần mình. Tôi muốn thiết kế cho mọi người trên khắp thế giới.
Được biết chị đã trình diễn những bộ sưu tập thời trang tại Mỹ cùng các nước châu u. Chị có thấy mình “lép” hơn so với các nhà thiết kế cùng tham gia show diễn?
Mục tiêu của tôi là phát triển thời trang trên toàn thế giới nên những thiết kế của tôi phải đáp ứng được thị hiếu và suy nghĩ của mọi người. Tôi nghĩ mình cũng không “lép vế” hơn so với họ (cười).
Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên VN, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một VN hùng mạnh và ảnh hưởng. |
Dạ Ly
(thực hiện)
Bình luận (0)