Ra mắt mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
24/03/2023 21:06 GMT+7

Việc thí điểm 'Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP.HCM' đặt tại cơ sở y tế là giải pháp mới chưa có tiền lệ tại Việt Nam.

Ngày 24.3, tại Bệnh viện Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) diễn ra lễ ra mắt thí điểm mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP.HCM bị bạo lực, xâm hại tình dục.

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết đầu vào của mô hình này tại Bệnh viện Hùng Vương (Q.5) và đầu ra ở Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên thành phố (Q.Gò Vấp).

Ra mắt mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại - Ảnh 1.

Các đại biểu nhấn nút khởi động, vận hành mô hình hỗ trợ phụ nữ, trẻ em tại TP.HCM

LÊ TRỌNG

Theo ông Thinh, mặc dù TP.HCM và cả nước có một số loại hình, dịch vụ ứng phó bạo lực giới hiệu quả như các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội, các nhà tạm lánh... nhưng chưa có cơ chế hỗ trợ liên ngành khẩn cấp như mô hình ra mắt hôm nay.

Việc thí điểm "Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP.HCM" đặt tại cơ sở y tế là giải pháp mới chưa có tiền lệ tại Việt Nam.

Trên thế giới, mô hình một cửa đã thực hiện có hiệu quả như tại bệnh viện đa khoa (Philippines), Trung tâm Hoa hướng dương (Hàn Quốc), Mô hình quy trình vận hành OSCC (Malaysia), Trung tâm Ứng phó tấn công tình dục (Úc).

"Kinh nghiệm ứng phó với bạo lực giới cho thấy cơ sở y tế thường là nơi đầu tiên bệnh nhân ở các nhóm độ tuổi, ngành nghề và hoàn cảnh khác nhau tìm đến. Việc phát hiện bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực, xâm hại trong quá trình khám sẽ giúp can thiệp kịp thời để bệnh nhân thoát khỏi bạo lực", ông Thinh nói.

Các đại biểu tham quan thực tế Phòng một cửa tại Bệnh viện Hùng Vương

LÊ TRỌNG

Mô hình này được đánh giá là điểm đến an toàn, can thiệp, trợ giúp, cung cấp các gói dịch vụ thiết yếu khép kín và phù hợp cho từng nạn nhân bị bạo lực, xâm hại tình dục. Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam và Tổ chức Planète Enfants & Développement (PE&D) đã hỗ trợ nguồn lực và kỹ thuật cho Bệnh viện Hùng Vương. Hoạt động mô hình sẽ được cấp kinh phí từ ngân sách.

Tăng tỷ lệ phụ nữ và trẻ em tìm kiếm sự trợ giúp từ chính quyền

Tại hội nghị, bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam, cho biết mô hình một cửa là kết quả của những cố gắng không mệt mỏi của các bên liên quan tại TP.HCM suốt mấy năm qua, với cam kết đem lại các dịch vụ thiết yếu đa ngành cho nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục.

Ra mắt mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại - Ảnh 3.

Bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam, phát biểu tại hội nghị

LÊ TRỌNG

Qua đó, bà Elisa Fernandez cũng gửi lời tri ân đến tất cả những người làm công tác xã hội tham gia để xây dựng và vận hành mô hình một cửa. Bà cho rằng sự phối hợp của các bên cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực, gồm nhân viên y tế, công an, luật sư, nhà trị liệu... giúp tăng tỷ lệ phụ nữ và trẻ em tìm kiếm sự trợ giúp từ chính quyền.

"Khi đảm bảo phụ nữ và trẻ em bị bạo lực có thể tiếp cận các dịch vụ mà họ cần, chúng ta sẽ góp phần tiết kiệm những chi phí đáng kinh ngạc, bao gồm phúc lợi công cộng, sức khỏe..., cũng như nền kinh tế của chúng ta. Mà ở Việt Nam, số liệu thống kê năm 2018, thiệt hại kinh tế do bạo lực phụ nữ gây ra lên tới 1,8% GDP", bà Elisa Fernandez nói.

Trưởng đại diện UN Women Việt Nam cam kết tiếp tục hỗ trợ TP.HCM vận hành thành công mô hình thí điểm này, đồng thời tài liệu hóa những thành tựu và bài học kinh nghiệm để giúp nhân rộng mô hình ở cấp quốc gia.

Hơn 90% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính quyền

Bạo lực giới gây ra hậu quả nặng nề đối với nạn nhân, gia đình và xã hội khi gây suy yếu sức khỏe thể chất và tâm thần của nạn nhân, tổn thất về tài chính, gây thiệt hại về kinh tế cho toàn xã hội.

Những hậu quả này sẽ kéo dài trong suốt cuộc đời của người bị bạo lực và có thể duy trì sang các thế hệ tương lai.

Mặc dù cả nam giới cũng bị ảnh hưởng bởi bạo lực giới nhưng hầu hết nạn nhân của bạo lực giới là phụ nữ, trẻ em và các nhóm thiểu số về giới khác. Trẻ em lớn lên trong gia đình có bạo lực bị tác động tâm lý nặng nề và có nguy cơ lặp lại hành vi bạo lực hoặc trở thành nạn nhân cam chịu bạo lực trong tương lai.

Theo báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ 3 phụ nữ thì có 2 phụ nữ bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong cuộc đời.

Tuy nhiên, 90% phụ nữ bị bạo lực tình dục hoặc/và bạo lực thể xác do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.