Ra mắt nền tảng quản lý tài sản số ngăn chặn rửa tiền và gian lận

16/12/2023 09:42 GMT+7

MetaDAP yêu cầu xác thực danh tính gồm email, số điện thoại, giấy tờ tùy thân và nhận dạng khuôn mặt trước khi giao dịch và nắm giữ tài sản số nên sẽ ngăn chặn được gian lận, rửa tiền.

Chiều 15.12, Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam (VIDE) ra mắt hệ sinh thái VIDE và MetaDAP (Meta- Digital Asset Platform) - nền tảng quản lý tài sản số. MetaDAP cung cấp các quy trình, công cụ an toàn để hỗ trợ doanh nghiệp mã hóa tài sản, phát hành, quản lý tài sản số. Nền tảng này giúp tối ưu lợi thế về khai thác, vận hành và tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp nhờ tăng tính khả dụng của tài sản.

Ông Trần Quốc Việt, Giám đốc dự án MetaDAP cho biết hầu hết nền tảng tài sản số trên toàn cầu đều áp dụng công nghệ Public Blockchain, công nghệ cho phép người dùng ẩn danh trong quá trình giao dịch và sở hữu tài sản. Chính yếu tố ẩn danh đã tạo môi trường thuận lợi cho việc tiến hành các hoạt động gian lận, rửa tiền và thậm chí là tài trợ cho hoạt động khủng bố.

Ra mắt nền tảng quản lý tài sản số ngăn chặn rửa tiền và gian lận - Ảnh 1.

Nền tảng quản lý tài sản số MetaDAP yêu cầu chủ sở hữu phải xác thực danh tính khi giao dịch

CTV

Trong khi đó, MetaDAP có sự khác biệt khi sử dụng công nghệ Enterprise Blockchain - yêu cầu người dùng hoàn tất quá trình xác thực danh tính gồm xác minh email, số điện thoại, giấy tờ tùy thân và nhận dạng hình ảnh khuôn mặt trước khi tham gia giao dịch và nắm giữ tài sản số. Đây là cơ sở quan trọng để MetaDAP đảm bảo tính tuân thủ, ngăn chặn gian lận, rửa tiền và ngăn chặn hoạt động tài trợ cho khủng bố.

Ông Việt cho biết khi được số hóa, tài sản sẽ khả dụng hơn trên môi trường internet, khi đó giúp doanh nghiệp sáng tạo mô hình kinh doanh mới, khai thác giá trị mới, lưu thông dòng tài sản nhanh hơn. Nền tảng MetaDAP phù hợp với các doanh nghiệp có tài sản có tính sở hữu như doanh nghiệp bất động sản, kỳ nghỉ, khóa học, sở hữu trí tuệ...

Ra mắt nền tảng quản lý tài sản số ngăn chặn rửa tiền và gian lận - Ảnh 2.

TS Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam

SỸ ĐÔNG

Tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam cho biết, số hóa tài sản là chìa khóa để hạn chế và loại bỏ các khâu thủ công trong giao dịch và quản lý tài sản thực, từ đó tạo ra tác động to lớn tới hiệu quả, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Giải pháp số hóa tài sản có tính toàn diện, an toàn, tuân thủ và minh bạch sẽ mang lại nhiều giá trị tích cực như: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng tiếp cận và đa dạng hóa đầu tư, tăng thanh khoản, hiệu quả, tăng tính minh bạch và tuân thủ pháp luật, đồng thời giảm chi phí và rủi ro.

Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam, là đơn vị có những đóng góp tích cực trong việc triển khai chiến lược phát triển kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia. Viện tham gia trong các hoạt động về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững như tham mưu xây dựng chính sách, đào tạo, tư vấn giải pháp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.