Nội dung sách bao gồm các bài viết của những người thân trong gia đình, của học trò, của những người yêu mến Giáo sư Đào Duy Anh (1904 - 1988) và một số tham luận tại các cuộc hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông do Kiều Mai Sơn và Lê Xuân Kiêu tập hợp.
Sách được chia làm hai phần chính và hai phần phụ lục: Phần thứ nhất gồm những bài viết ghi lại những cảm xúc, những kỷ niệm đối với một học giả lớn, một người thầy lớn, một con người đáng kính. Phần thứ hai gồm các bài viết nghiên cứu và đánh giá những đóng góp của Đào Duy Anh trong sự nghiệp xây dựng văn hóa dân tộc và ảnh hưởng của ông đối với xã hội, với những thế hệ đi sau.
Phụ lục thứ nhất sách giới thiệu đến bạn đọc hai tư liệu. Đó là tập tài liệu mang tên Chế độ lang đạo của người Mường được Đào Duy Anh hoàn thiện đầu năm 1950 tại Thanh Hóa, sau đó in thạch bản nhưng sau này không có điều kiện xuất bản nên trong các thư mục tác phẩm của Đào Duy Anh cho đến nay vẫn chưa có tên tác phẩm này. Thậm chí, thoạt nghe tên, nhiều người tưởng đây là tác phẩm của nhà nghiên cứu Nguyễn Từ Chi.
Tiếp đó là bài viết Một vài uẩn khúc về Đảng Tân Việt - với tư cách Tổng bí thư đảng này - Đào Duy Anh viết, đăng trên tập san Khoa học Xã hội (1978) phát hành tại Paris (Pháp).
Phụ lục thứ hai gồm một số ảnh tư liệu về Đào Duy Anh do ông Đào Hùng sinh thời đã chia sẻ cho nhóm biên soạn sách.
Năm 2000, Giáo sư Đào Duy Anh đã vinh dự được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh qua cụm công trình về lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Bình luận (0)