Nguyễn Quang Thân được xem là một trong những nhà văn tiêu biểu của thời "tiền đổi mới" những năm 1980. Mỗi truyện ngắn của ông như một lát cắt giúp người đọc nhìn thấy được nhiều khía cạnh khác nhau trong thế giới văn chương phong phú.
5 truyện trong tập sách này đều được sáng tác trong giai đoạn từ thập niên 1980 đến 1990, bao gồm: Chân dung (1985), Gió heo may (1997), Người đàn bà đợi ở bến xe, Thanh minh (1991) và Vũ điệu của cái bô (1991).
Góc nhìn độc đáo về sự thật và cuộc đời
Truyện ngắn sớm nhất trong tập sách này là truyện cùng tên, mở đầu bằng cách tả lại cảnh mộng mị khiến họa sĩ Phát – nhân vật chính – bị đau đầu khi vừa thức dậy. Nối tiếp sau đó là một loạt những câu văn có nhịp điệu dồn dập, chứa đựng nhiều thông tin khi thuật lại lịch trình hoạt động trong một ngày của ông. Nhịp điệu dồn dập đó chỉ tạm lắng dịu khi tác giả đề cập đến một sự kiện diễn ra vào buổi chiều – cũng là nguyên cớ chính cho truyện ngắn này: họa sĩ Phát sẽ vẽ chân dung cho Huấn – một người bạn của ông.
Chân dung xây dựng Phát là một họa sĩ bậc thầy nhưng ít khi vẽ tranh chân dung cho người khác vì một sự kiện đau lòng trong quá khứ đã ám ảnh ông đến suốt cuộc đời. Thông qua tác phẩm, tác giả đưa ra quan điểm: sự thật không nằm trong chính bản thân sự vật mà nằm trong thứ phái sinh từ nó.
Chẳng hạn vào những ngày nắng, ta không thể nào biết được sự thật của những đám mây vì chúng dường như quá xa vời khi ở trên cao, riêng một cõi trời, tách biệt hẳn với người quan sát bằng mắt trần ở dưới mặt đất, chỉ biết ngước nhìn lên mà ngưỡng vọng.
Con người cũng giống như thế. Trong những hoàn cảnh thuận lợi như một ngày nắng đẹp, ta sẽ khó lòng biết được tâm tư của người đối diện. Ngược lại, những ngày tăm tối thực chất lại là điều kiện lý tưởng để ta hiểu rõ hơn về một người.
Đó cũng chính là cách Nguyễn Quang Thân đã dùng ngòi bút của mình để những nhân vật trong tập truyện ngắn này được cất lên tiếng nói từ nơi vực sâu tăm tối của linh hồn, từ những điều tưởng chừng chỉ là thứ phái sinh của sự thật – nhưng thực chất, lại chính là sự thật.
Nghệ thuật dẫn dắt và tiếng cười trào lộng
Truyện ngắn Người đàn bà đợi ở bến xe được viết vào năm 1991 lại mang đến cảm giác tò mò, hiếu kỳ cho độc giả ngay từ những câu đầu tiên, đánh dấu cho nghệ thuật viết vô cùng đặc sắc của Nguyễn Quang Thân. Trái ngược hẳn với tiêu đề – vốn có đàn bà hiện hữu – câu chuyện lại mở đầu bằng một tình huống không có/không còn đàn bà.
Thế nhưng câu chuyện chỉ thực sự bắt đầu khi nhân vật trong tiêu đề xuất hiện vào một ngày mưa, ôm một đứa con nhỏ ngồi co ro ở bến xe. Trong phân đoạn này, tác giả đã xây dựng được một tình huống oái oăm rất thú vị cho nhân vật: một người ghét cay ghét đắng đàn bà nay lại bị mắc kẹt với người đàn bà ôm con nhỏ khi trời lạnh mưa rơi ở bến xe.
Thông qua truyện ngắn, Nguyễn Quang Thân đã thể hiện bút pháp điêu luyện trong việc lựa chọn cách khởi đầu cũng như sự tài tình, khéo léo khi dẫn dắt câu chuyện một cách điềm đạm, mực thước mà vẫn khiến người đọc cảm thấy hấp dẫn, lôi cuốn.
Trong khi đó, Vũ điệu của cái bô có lẽ là truyện ngắn có tiêu đề gợi cảm giác khôi hài và tò mò nhất cho độc giả trong tập truyện Chân dung. Qua những từ ngữ sắc bén, được đặt đúng nơi đúng lúc tạo ra nhiều câu chốt hạ "gãi đúng chỗ ngứa" khiến người đọc bật cười giòn giã, Nguyễn Quang Thân đã cho người đọc có cơ hội chiêm ngưỡng một khía cạnh khác trong văn chương của ông: ẩn sâu dưới sự hài hước, ý nhị là một con người có tinh thần trách nhiệm với xã hội, luôn quyết liệt phơi bày và phê phán những thói đời xấu xa, mục ruỗng.
Đánh giá về truyện ngắn này, nhà văn Dạ Ngân chia sẻ: "Vũ điệu của cái bộ như chiếc lò xo phản kháng với tất cả sự giễu nhại độc đáo và dữ dội ở mọi khía cạnh của ngòi bút đã trở nên lão luyện, bậc thầy".
Nhận định về tập truyện ngắn, nhà nghiên cứu Mai Quỳnh cho biết: "Từ truyện đầu tiên in năm 1957 đến nay, ngoài thế mạnh chính là tiểu thuyết và truyện dài, Nguyễn Quang Thân đã có hàng trăm truyện ngắn, phần nhiều trong số đó chưa bị bụi thời gian che mờ mà 5 truyện trong tuyển tập này là 1 minh chứng [...] 5 truyện, 5 cảnh huống và lát cắt nhưng hiện thực dữ dội đã được phơi bày bởi ngòi bút tài hoa, nhân ái và giễu nhại hiếm quý. Dù với giọng điệu nào, trữ tình, cay đắng hay giễu nhại, nhà văn đều đi đến tận cùng của tâm trạng mà không sống trong chăn, không trải nghiệm bi kịch xã hội đương thời, người ta không viết nổi những trang văn này".
Bình luận (0)