LÀM PHÉP THỜ CHÍNH MÌNH
Là nơi khởi nguồn của dòng Long Đại thơ mộng, ngược lên thượng nguồn, xã Trường Sơn (H.Quảng Ninh, Quảng Bình) đang dần được nhiều người biết đến với cảnh quan hùng vĩ, tiềm ẩn giá trị du lịch. Tại đây, hàng ngàn hộ dân Vân Kiều đang sinh sống giữa những thung lũng núi đá. Những năm gần đây dẫu đã từ bỏ nhiều hủ tục như tảo hôn, nối dây… thế nhưng việc "tế sống" chính mình bằng những chiếc bát vẫn luôn được họ giữ gìn ở nơi thiêng liêng nhất.
Nghe qua có vẻ hơi "rùng rợn" nhưng tập tục thờ linh hồn người sống là nét văn hóa độc đáo của cộng đồng Vân Kiều đã tồn tại hàng trăm năm. Thăm nhà cụ Hồ Ai (80 tuổi, bản Khe Cát, xã Trường Sơn), già làng của bản, chúng tôi được biết tục lệ này được thực hiện ngay khi những đứa trẻ vừa mới lọt lòng.
"Khi những đứa trẻ Vân Kiều lọt lòng mẹ, chúng sẽ được thực hiện nghi lễ này ngay. Chúng tôi báo cáo với thần linh về việc có thành viên mới trong gia đình, sau đó làm phép để bỏ linh hồn của đứa trẻ vào chiếc bát rồi đặt lên xà nhà, nơi linh thiêng nhất", cụ Ai chia sẻ.
Nghi thức làm lễ để thờ linh hồn người sống cũng rất phức tạp, được chia ra thành nhiều giai đoạn và tùy thuộc vào đời sống, số phận của từng người. Mỗi chiếc bát chỉ chứa đựng một linh hồn, ai sinh trước được đặt trước rồi cứ thế nối theo. Theo cụ Hồ Ai, tục lệ này người Vân Kiều nào cũng phải biết, không chỉ những già làng mà chủ từng gia đình đều phải biết nghi thức tiến hành, chỉ khi phát sinh những giai đoạn khác mới cần đến các nghi thức phức tạp hơn, có sự chủ trì của già làng.
CÓ THỜ CÓ THIÊNG, CÓ KIÊNG CÓ LÀNH
Đi cùng chúng tôi đến thăm nhà cụ Hồ Ai có anh Trần Văn Sỹ (38 tuổi, Bí thư Chi bộ bản Khe Gát). Với suy nghĩ của một cán bộ, anh Sỹ hiểu được rằng cộng đồng mình vẫn nên giữ và tôn kính các vị thần, song khi có chuyện xảy ra thì cũng phải… đi viện khám.
"Đó là một nghi thức trong cộng đồng chúng tôi để xin được sức khỏe, chữa bệnh tật. Tuy nhiên, lúc ốm đau chúng tôi vẫn đi viện khám chứ, vừa làm lễ cúng xin thần linh bảo hộ ở nhà, vừa về miền xuôi để thăm khám, dù sao thì có thờ có thiêng, có kiêng có lành", anh Sỹ chia sẻ.
Lúc này, cụ Ai đứng dậy tiến vào trong nhà, kéo chiếc rèm trên cao, hai bên hiện ra một bàn thờ có ảnh Bác Hồ, có hương nến… Ngay trên đó là 6 chiếc bát được bọc bằng một cái giỏ đan bằng tre, bên trong có một miếng cau đã héo khô, tượng trưng cho 6 thành viên trong gia đình cụ Ai. Riêng chiếc bát của cụ Ai được đựng trong một cái giỏ lớn, nom kỳ công hơn, để thể hiện chiếc bát đó là của người chủ nhà.
Việc thờ linh hồn người sống được chia làm 3 giai đoạn. Khi mới sinh con, bố mẹ cúng một con gà cùng rượu để làm lễ, báo cáo với các vị thần. Đến lúc đứa trẻ biết đi, biết nói, họ mổ một con heo để dâng cúng như sự biết ơn với đấng cao quý đã cho đứa trẻ khỏe mạnh.
"Một trường hợp nữa là khi chúng tôi ốm đau, bệnh tật… thì phải mổ một con trâu, con bò để dâng cúng. Nhưng đó là những năm trước, chứ bây giờ đã "gọt" bớt, còn cúng con heo thôi, chứ trâu, bò đắt quá, thịt rồi thì lấy gì mà đi cày", anh Sỹ dí dỏm.
Những chiếc bát được đặt trên xà nhà mãi cho đến khi chủ nhân của nó qua đời, được người nhà lấy xuống rồi đặt lên mộ khi an táng. Điều kỳ lạ và linh thiêng nữa là: nếu ai lấy chiếc bát đó đi thì sẽ đau ốm bất thường, nó như một thứ không thể phạm đến.
Có thể là những sự trùng hợp hoặc những bí ẩn chưa thể giải thích, song đối với người Vân Kiều đó chính là đức tin của họ với các vị thần, với linh hồn chính mình. Từ đó, tạo nên một tập tục độc đáo của cộng đồng Bru - Vân Kiều sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. (còn tiếp)
Bình luận (0)