Theo các nhà tổ chức của trang web đĩa than, các tín đồ âm nhạc tìm đến các trang thiết bị tinh tế nhất để được hưởng trọn vẹn bản nhạc với đầy đủ đường nét của nó, từ những âm thanh mảnh nhất, nhỏ nhất mà những nghệ sĩ chơi nhạc đã thể hiện. Và chỉ có thể tìm thấy sự trọn vẹn đó ở đĩa than.
Ra đời từ năm 1889, rồi tưởng như đã bị “kết liễu” khi CD rồi file nhạc mp3 xuất hiện, nhưng thật bất ngờ đĩa than đã quay lại thời kỳ hoàng kim khi một thống kê cho thấy năm 2011 tổng số đĩa than bán trên toàn thế giới là 39 triệu đĩa và hiện đạt mức tăng trưởng khoảng 39%.
Ở VN, những năm gần đây cũng bắt đầu có một cuộc quay trở lại tuy không “rầm rộ” nhưng lan rộng trong giới audiophile và cả những người trẻ tuổi tìm đến một chất âm mang tính lịch sử, huyền thoại, nguyên gốc và tinh tế nhất (tháng 6-2011, ca sĩ Mỹ Linh với album Tóc ngắn acoustic chủ đề Một ngày đã là ca sĩ tiên phong khi phát hành cùng lúc CD và đĩa than cho album này).
Xu thế quay lại với loại hình lưu trữ âm thanh như đĩa than không chỉ mang tính thương mại mà còn thể hiện tính cách mạng trong văn hóa nghe và cảm thụ âm nhạc, bởi khi người ta tiếp xúc quá nhiều với những file mp3, các thiết bị lưu trữ hiện đại, rồi bất chợt được nghe qua chất âm của đĩa than thì dường như thấy rõ ràng hơn bao giờ hết sự mất đi rất nhiều của âm nhạc để đạt được tính thuận tiện, nhỏ gọn, hiện đại...
Theo Cát Khuê / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)