Ngày 3.6, Viện hàn lâm khoa học xã hội VN đã giới thiệu cuốn sách “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông”.
“Đây là những chứng cứ hết sức có giá trị, cung cấp những căn cứ khoa học và pháp lý khẳng định chủ quyền với biển, đảo của Việt Nam”, PGS Đinh Khắc Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện Hán Nôm, chủ biên cuốn sách cho biết.
Trong suốt 3 năm từ 2009-2012, 50 nhà nghiên cứu Hán Nôm đã triển khai thực hiện đề tài Thư mục Hán Nôm về biển đảo. Họ đã khảo sát toàn bộ kho sách của viện, tuyển chọn những đoạn ghi chép hoặc vẽ về biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trong lịch sử.
Chính vì thế, cuốn sách dày 500 trang “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông” đã được chờ đợi như một tiếng nói khoa học đối với hành động ngang ngược của Trung Quốc tại vùng biển Việt Nam.
Sách có những tư liệu Hán Nôm, bản đồ cổ in màu chứ không phải đen trắng như thường thấy. Kèm theo bản chụp văn bản là chứ Hán, phiên âm chữ Hán, dịch nghĩa sang tiếng Việt. Những bản đồ mà giới nghiên cứu mới chỉ nhìn thấy bản đen trắng, giờ trong sách đã là bản in màu.
“Trong đó có 18 bản đồ, 17 bộ sử, hội điển. Chúng đều thể hiện sự nhất quán quản lý nhà nước Việt Nam trong lịch sử đối với hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa và vùng biển của Việt Nam ở biển Đông”, ông Mạnh nói.
Các tư liệu được công bố lần này được trích ra từ nhiều bộ sử như Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục. Chúng cho thấy việc thực thi chủ quyền trên biển từ rất sớm và liên tục của Việt Nam. Bên cạnh các bộ sử, còn có sách giáo khoa, sách dạy luân lý cũng nói về cương vực lãnh thổ, khẳng định rõ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Chính vì thế, việc công bố tư liệu theo ông Mạnh là để cho thấy Trung Quốc đã xuyên tạc lịch sử.
Cũng theo ông Mạnh, tư liệu bản đồ Trung Quốc in thời cận đại cũng như những năm đầu thế kỷ 20 thì biên giới Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. “Trong sách bậc tiểu học Trung Quốc, biên giới của họ chỉ đến đảo Hải Nam. Chúng tôi mới sưu tập được một cuốn sách giáo khoa như vậy. Trong khi của ta từ thế kỷ 17 đã khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa rồi”.
|
Trinh Nguyễn
>> Bản đồ châu u xuất bản năm 1827 minh chứng chủ quyền Việt Nam
>> Bản đồ cổ Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa
Bình luận (0)