Chiều 25.9, tiếp tục phiên họp 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ 2009 - 2023.
Bất kỳ người dân nào cũng phát hiện ra có nhiều tiêu cực
Góp ý báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ đồng tình với kết quả, những hạn chế, bất cập mà đoàn giám sát đã nêu. Tuy nhiên, bà cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tiêu cực trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông thời gian qua có những tiêu cực gì, như tiêu cực của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm, đào tạo, sát hạch lái xe.
"Tôi đề nghị đoàn giám sát phải trả lời câu hỏi đó. Đặc biệt trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ thì bất kỳ người dân nào cũng phát hiện ra có rất nhiều tiêu cực. Bộ Công an cũng cố gắng nhưng đến nay các tiêu cực đó còn tồn tại khá nhiều. Tôi đề nghị đoàn giám sát đánh giá sâu về mảng này để đảm bảo sau giám sát những hạn chế đó được khắc phục", bà Nga nói.
Cùng đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, một trong những nguyên nhân của tình hình mất trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông là ý thức của người tham gia giao thông.
"Cũng là con người đấy đi ra nước ngoài chấp hành rất tốt quy định về trật tự an toàn giao thông của nước ngoài nhưng khi về Việt Nam thì vượt đèn đỏ, vi phạm rất nhiều. Điều này chứng tỏ luật của chúng ta chưa được thực hiện nghiêm nên chưa góp phần rèn giũa được ý thức của người tham gia giao thông", bà Nga phân tích.
Bày tỏ chưa tán thành với đánh giá "ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ của người tham gia giao thông được nâng cao" trong báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhìn nhận, một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông ý thức vẫn kém, còn vi phạm.
Chế tài nhẹ hay thực hiện chế tài không nghiêm?
Cũng băn khoăn với nhận định ý thức của người tham gia giao thông đã được nâng cao, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề: "Thời gian vừa qua hạ tầng giao thông được đầu tư tốt hơn, phương tiện giao thông tốt hơn nhưng tại sao tai nạn giao thông dù có giảm nhưng vẫn nhiều?".
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói, đi đường thì thấy "phải xem lại" ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân. "Khi có cảnh sát giao thông đứng ở chốt thì chấp hành nghiêm nhưng không có cảnh sát giao thông thì vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều ngay. Ngay cả đường cao tốc còn dừng đỗ, đi lùi, rồi đi ngược chiều trên đường cao tốc", ông Thanh phản ánh.
Về nguyên nhân, ông Thanh phân vân là do chế tài còn nhẹ hay do lực lượng chức năng thực hiện chế tài không nghiêm? Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế dẫn chứng, báo cáo của đoàn giám sát khẳng định vẫn còn tiêu cực trong lực lượng thực thi nhiệm vụ, cho thấy việc thực hiện chưa nghiêm.
"Hiện nay vẫn có cơ chế gọi điện thoại trợ giúp khi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Nếu xử lý nghiêm, kỷ luật, kỷ cương chấp hành nghiêm túc thì ý thức chấp hành pháp luật giao thông sẽ tốt hơn", ông Thanh nêu quan điểm.
Cũng liên quan vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị đánh giá kỷ cương pháp luật trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông có thực hiện nghiêm hay không. Cùng đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đoàn giám sát đánh giá, trong vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cả hệ thống chính trị có vào cuộc quyết liệt, quyết tâm cho an toàn giao thông không, hay chỉ hô khẩu hiệu, không có việc làm cụ thể.
Bình luận (0)