Nó được hiểu như chính quyền, đoàn thể muốn huy động tổng lực để giải quyết một vấn đề nào đó quan trọng trong một thời gian nhất định, mang lại một kết quả rõ ràng... sau đó thì có tổng kết, rút kinh nghiệm hẳn hoi.
Nhưng rồi thời gian trôi qua, hai chữ “ra quân” có vẻ như đã bị lạm dụng quá mức, đến nỗi, “xét một cách toàn diện” nó thiên về hình thức hơn là nội dung và ý nghĩa vốn có của từ này.
Gõ vào Google tìm kiếm hai chữ “ra quân”, chỉ trong vòng 2 giây, nó cho ra đến 96,6 triệu kết quả. Click từng trang, đọc mới thấy tội nghiệp cho... “ra quân”.
Có thể điểm qua một số kết quả tìm kiếm được: Kiểm lâm ra quân truy tìm gốc sưa chục tỉ; Ra quân trấn áp tội phạm; Ra quân xử lý các đơn vị, cá nhân buôn bán rượu giả; Ra quân xử phạt không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em; Ra quân xử lý đánh bạc bằng máy đánh bạc; Ra quân xử lý ô tô chở quá khổ, quá tải; Ra quân xử lý xe thương binh giả mạo; Ra quân các hoạt động tuyên truyền về văn minh lễ hội; Ra quân xử lý các điểm kinh doanh mũ bảo hiểm dỏm; Ra quân cưỡng chế, tháo dỡ nhà xây dựng trái phép; Ra quân củng cố lưới điện; Ra quân xử phạt xe không sang tên đổi chủ; Ra quân xử phạt học sinh đi xe máy đến trường...
Trong cuộc sống, nhân dịp gì đó người ta lại nghe nhắc đến hai chữ “ra quân”. Ngày an toàn giao thông thì ra quân lập lại an toàn giao thông; Ngày môi trường thì ra quân làm vệ sinh môi trường; Ngày phòng cháy chữa cháy thì ra quân phòng cháy chữa cháy... Dịp tết lại nghe ra quân lập lại trật tự xe dù, bến cóc, ra quân xử lý xe nhồi nhét khách... Khi dư luận bức xúc về một vấn đề nào đó cũng thấy... ra quân: Ra quân chấn chỉnh lấn chiếm lòng lề đường, ra quân xử lý nạn chèo kéo khách, ra quân thu gom người lang thang xin ăn, ra quân kiểm tra hát nhép, ra quân xử phạt ca sĩ ăn mặc phản cảm, hở hang…
Như đã nói, “ra quân” hàm chứa ý nghĩa tích cực, nhưng trong nhiều trường hợp, người ta lạm dụng từ này như một sự trấn an hơn là thật sự đi vào nội dung thật của nó (nói nhiều trường hợp là vì vẫn có nhiều cuộc ra quân giữ đúng tinh thần của nó). Có lẽ, trên thế giới này, Việt Nam ta là nước có nhiều cuộc “ra quân” nhất!
Đất nước phải được điều hành bằng luật lệ, đơn vị được giao, người thừa hành công vụ hưởng lương từ thuế do người dân đóng, phải thường xuyên duy trì, làm tốt công việc của mình chứ không nên “đối phó” bằng những cuộc ra quân, ra quân xong, mọi thứ đâu lại vào đấy, nói như cách nói của dân gian là “thổ lai hoàn thổ”.
Có lẽ đã hàng chục năm nay chúng ta luôn luôn nghe thấy việc ra quân chấn chỉnh lấn chiếm lòng lề đường, nhưng lòng lề đường vẫn bị lấn chiếm; ra quân dẹp xe dù bến cóc nhưng xe dù bến cóc vẫn tồn tại khắp nơi; ra quân dẹp nạn taxi dù, taxi nhái nhưng nó vẫn dù, vẫn nhái...; ra quân xử lý hàng giả hàng nhái nhưng hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan... Mà nó không phải là thứ gì khó thấy, khó tìm, nó bày bán, hoạt động công khai quanh năm suốt tháng chỉ trừ ngày... ra quân mà chẳng ai làm gì được.
Hiện đang có chuyện nực cười, các bóng đen xuất hiện ở thị trấn Long Hải (Vũng Tàu) gây hoang mang cho người dân, người ta cũng đã huy động một lực lượng “khủng”, “ra quân” rầm rộ, chỉ có những thằng trộm cướp tâm thần mới “hành nghề” lúc đó, còn thằng bình thường bao giờ nó cũng biết sau “ra quân” sẽ là gì và nó lại tiếp tục khi hết “ra quân”.
Tuần qua, UBND TP.HCM tổ chức tổng kết đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh trật tự trong Tết Nguyên đán Quý Tỵ, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM nói, “đối với án kinh tế, nhất là tình trạng buôn lậu thuốc lá tại các vùng giáp ranh, mỗi khi ra quân đều bị lộ khiến dư luận rất bức xúc, kể cả người trong ngành. Chúng ta chỉ bắt được phần ngọn, còn phần gốc không giải quyết được. Người dân trên các tuyến đường mà bọn buôn lậu hoành hành đều biết rõ đối tượng nào làm trùm ngành hàng nào, trong khi công an lại không biết! Tôi rất lấy làm xấu hổ”.
Đã đến lúc suy nghĩ và trả lại ý nghĩa cho từ ra quân, và như thiếu tướng Phan Anh Minh chia sẻ, phải biết xấu hổ khi “ra quân” như là một hình thức đối phó, màu mè, thậm chí là mị dân...
Nguyễn Thế Thịnh
Bình luận (0)