Ra quân phạt… tiểu bậy

22/03/2016 06:09 GMT+7

Trong đợt ra quân lập lại trật tự mỹ quan đô thị từ đầu tháng 3 đến nay, UBND Q.1 (TP.HCM) đã xử phạt hành chính 29 người có hành vi tiểu bậy trên các tuyến đường trung tâm thành phố.

Trong đợt ra quân lập lại trật tự mỹ quan đô thị từ đầu tháng 3 đến nay, UBND Q.1 (TP.HCM) đã xử phạt hành chính 29 người có hành vi tiểu bậy trên các tuyến đường trung tâm thành phố.

Những người tiểu bậy ngoài bị phạt tiền còn phải dội nước nơi vi phạm - Ảnh: Đình NguyênNhững người tiểu bậy ngoài bị phạt tiền còn phải dội nước nơi vi phạm - Ảnh: Đình Nguyên
Vụ vi phạm mới nhất bị lập biên bản vào lúc 9 giờ 40 ngày 19.3. Theo đó, lực lượng trật tự đô thị (TTĐT) trong quá trình tuần tra trên đường Nguyễn Trãi (P.Phạm Ngũ Lão) phát hiện ông V.V.Đ (61 tuổi, ngụ P.15, Q.4) có hành vi tiểu tiện trên hè phố nên lập biên bản. Trước đó, ngày 17.3, TTĐT Q.1 lập 6 biên bản vi phạm; ngày 14.3 lập 3 biên bản vi phạm...
Kê biên tài sản, trừ lương… nếu không nộp phạt
Ông Phan Trọng Hùng, Phó phòng Quản lý đô thị kiêm Đội trưởng Đội Quản lý TTĐT Q.1, cho biết trong số 29 người bị xử phạt có người là lao động phổ thông, có người làm văn phòng, là tài xế taxi... “Hầu hết khi bị lập biên bản đều chấp hành, xin lỗi và cam kết lần sau không tái phạm. Với lần vi phạm đầu tiên, mỗi trường hợp bị xử phạt 200.000 đồng. Chế tài kèm theo là bắt buộc người vi phạm phải dội nước nơi đã tiểu bậy. Nếu tái phạm, mức phạt sẽ tăng lên 300.000 đồng/lần, theo quy định tại điều 7, Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ”, ông Hùng cho biết thêm.
Theo ông Hùng, sau khi Q.1 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi tiểu bậy nơi công cộng, người vi phạm trong vòng 10 ngày phải đến Kho bạc Nhà nước TP nộp phạt. Nếu không nộp phạt thì Q.1 sẽ gửi thông báo đến chính quyền địa phương nơi người vi phạm cư trú để đôn đốc, yêu cầu thực hiện. Nếu vẫn chây ì, Q.1 tiến hành cưỡng chế bằng cách kê biên tài sản hoặc trừ lương đối với người làm việc có hưởng lương theo quy định.
“Sẽ không làm cho có”
Liên quan đến vấn đề này, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1, khẳng định sau chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP về chấn chỉnh, lập lại trật tự mỹ quan đô thị, Q.1 tập trung ra quân hành động quyết liệt, không chỉ xử phạt hành vi tiểu tiện trái quy định mà các hành vi xả rác, đổ nước thải, hút thuốc nơi công cộng... cũng bị xử phạt với mức phạt cao nhất 400.000 đồng/lần vi phạm theo Nghị định 179 năm 2013 của Chính phủ. “29 người vi phạm bị xử phạt lần này được xem là những trường hợp đầu tiên ở trung tâm TP. Lần này, chúng tôi tổ chức lực lượng đeo bám địa bàn thường xuyên chứ không phải làm cho có. Quận đang trang bị 18 camera cho lực lượng TTĐT, kết hợp với camera cầm tay, ĐTDĐ để ghi hình làm căn cứ phạt nguội, đồng thời sẽ công khai danh sách, hình ảnh người vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng và tại nơi cư trú của người vi phạm”, ông Hải khẳng định thêm.
“TP.HCM đã đặt mục tiêu xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình nên những hành vi kém văn minh, tạo ra hình ảnh phản cảm của một số người thiếu ý thức phải bị chế tài nghiêm minh”, ông Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, khẳng định và cho biết HĐND TP từng ban hành Nghị quyết 39 về xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nhưng khi tiến hành tái giám sát việc thực hiện nghị quyết này thì nhận thấy ở nhiều quận, huyện đã buông lỏng quản lý nên không đạt kết quả như mong muốn. “Việc tái khởi động thực hiện nếp sống văn minh đô thị một cách quyết liệt như của Q.1 là rất đáng hoan nghênh. Các quận, huyện với trách nhiệm trực tiếp quản lý địa bàn không thể buông lỏng được nữa mà phải làm đồng bộ, thường xuyên, chứ không chỉ riêng Q.1 làm”, ông Hà nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.