Ra trường làm trái ngành, có sao?: Giải đáp bất ngờ từ GS Phan Thanh Sơn Nam

Hà Ánh
Hà Ánh
31/03/2023 10:10 GMT+7

'Xưa nay không ít người nghĩ rằng tốt nghiệp ĐH xong, đi làm trái ngành là do không tìm được việc làm đúng ngành. Thật ra, chuyện không tìm được việc làm đúng ngành chỉ là một lý do nhỏ…'

Đó là chia sẻ của GS-TS Phan Thanh Sơn Nam, giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2014, về việc làm trái ngành sau khi tốt nghiệp. Theo GS Sơn Nam, không những người học mà có lẽ cả cha mẹ, thầy cô cũng nên biết thêm để định hướng đúng cho học sinh.

Giáo sư trẻ nhất 2014: ‘Kỹ sư hóa học thành công ở ngành khác là bình thường’ - Ảnh 1.

GS-TS Phan Thanh Sơn Nam (hàng trước, giữa) và các cựu sinh viên khoa Kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong lễ tốt nghiệp

H.Th.

Không có ngành nào là trái ngành!

GS-TS Phan Thanh Sơn Nam chia sẻ: "Xưa nay, không ít người nghĩ rằng tốt nghiệp ĐH xong, đi làm trái ngành là do không tìm được việc làm đúng ngành. Thật ra, chuyện không tìm được việc làm đúng ngành chỉ là một lý do nhỏ trong rất nhiều lý do và không có ngành nào gọi là trái ngành. Dù đã được tư vấn kỹ, đã tìm hiểu kỹ, đã chọn đúng ngành học theo sở thích và năng lực tại thời điểm tuyển sinh, nhưng vẫn có những người làm trái ngành sau khi tốt nghiệp ĐH và số lượng này không hề nhỏ".

GS Nam cho rằng có 3 lý do dẫn đến việc làm trái ngành. Đầu tiên phải kể tới việc các ĐH đào tạo không theo nhu cầu xã hội, hay chính xác hơn là không thể dự báo đúng nhu cầu của xã hội. Các trường thường tuyển sinh theo chỉ tiêu. Trong khi đó, nhu cầu xã hội thì biến động, nhu cầu ít thì sẽ có một lực lượng phải làm trái ngành, nhu cầu nhiều quá thì thiếu nhân lực, phải lấy người từ ngành khác sang, cũng sẽ có một lực lượng phải làm trái ngành.

Nguyên nhân thứ 2, theo GS Nam, xuất phát từ việc sở thích mỗi người thay đổi theo tuổi tác. Tại thời điểm tuyển sinh thì chọn đúng ngành, thậm chí tốt nghiệp xong vẫn cảm thấy mình học đúng ngành. Tuy nhiên, một thời gian sau thì sở thích và nhu cầu lại thay đổi.

"Thứ 3, dù vẫn yêu thích ngành mình học, chưa bao giờ hối hận về chuyện chọn ngành học ngày xưa nhưng có một cơ hội khác tốt hơn. Công việc mới dù không đúng ngành mình học, nhưng điều kiện làm việc vui hơn, thu nhập lại cao hơn, cớ sao lại không chọn", ông Nam nói.

Dù học được ngành mình yêu thích, thì cũng đừng nghĩ là suốt đời mình sẽ làm mỗi một ngành đó. Cuộc sống biến động không ngừng, đừng tự ràng buộc bản thân mình rồi đánh mất cơ hội tốt hơn

GS Phan Thanh Sơn Nam

Học ngành hóa, làm sếp ngân hàng, công ty máy tính...

Thật ra, theo GS Nam, vấn đề làm trái ngành này không chỉ riêng ở Việt Nam. Ngay ở Mỹ - nơi có nền giáo dục hàng đầu của thế giới - vẫn thường có chuyện làm trái ngành. Ông Nam nêu ví dụ: "Cách đây chục năm, tờ The Washington Post đăng tải bài viết kèm theo số liệu khảo sát cho thấy, chỉ 27% sinh viên tốt nghiệp ĐH làm việc liên quan đến ngành học chính. Dĩ nhiên, con số 27% này cũng cần phải nghiên cứu thêm cho bài bản và tình hình nhân lực cũng biến động không ngừng. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên làm việc không đúng ngành học chính tại quốc gia này là không nhỏ".

GS Nam còn nêu ra ví dụ thực tế từ khoa Hóa Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nơi ông đang công tác và từng giữ vai trò trưởng khoa trong nhiều năm. Ông cho hay: "Cựu sinh viên làm việc trong ngành hóa hay các ngành liên quan đến hóa như thực phẩm, sản xuất dược phẩm, xử lý môi trường, vật liệu linh kiện điện tử… là chuyện hết sức bình thường. Cựu sinh viên khoa Hóa thành công trong các lĩnh vực không liên quan đến hóa là nhiều vô số, kể cả ở các ngành khá xa như marketing hay logistics. Họ làm sếp các công ty về máy tính, điện tử, ngân hàng, vàng bạc đá quý mới làm người ngoại đạo ngạc nhiên, dù với người trong ngành thì không có gì ngạc nhiên".

Theo GS Nam, phần lớn cựu sinh viên khoa Hóa Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã và đang làm trái ngành bởi lý do thứ 3 nêu trên, tức là có cơ hội khác tốt hơn.

Giáo sư trẻ nhất 2014: ‘Kỹ sư hóa học thành công ở ngành khác là bình thường’ - Ảnh 2.

Thí sinh dự thi và xét tuyển ĐH năm nay

ĐÀO NGỌC THẠCH

Làm trái ngành vẫn thành công, cần có gì?

Quan trọng hơn, theo giáo sư trẻ nhất năm 2014, muốn làm trái ngành mà vẫn thành công thì cần phải học thêm nhiều sau khi tốt nghiệp ĐH, có thể học ở trường, học từ kinh nghiệm thực tế. Đặc biệt là phải tận dụng mọi cơ hội để học và học với thái độ tích cực. Các trường kỹ thuật hiện nay vẫn chú trọng kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, tiếp nhận và xử lý thông tin, chủ động trong công việc, quản lý thời gian, phản biện, thuyết trình, làm việc dưới áp lực cao. Học với thái độ tích cực sẽ rèn luyện thêm những kỹ năng này bên cạnh kiến thức chuyên ngành.

Quay về với việc chọn ngành học tương lai, GS Nam nói: "Ở đời, ai cũng muốn mọi chuyện đơn giản, được học đúng ngành mình yêu thích, được làm đúng ngành mình yêu thích mà lại có thu nhập cao nhưng sự đời đâu có đơn giản vậy. Yêu thích một ngành, nhưng không đủ điểm đậu, thì học ngành gần với ngành đó cũng là một lựa chọn tốt. Bởi vậy, khi chọn ngành mùa tuyển sinh, sau khi được tư vấn kỹ nhưng vẫn không xác định được ngành thích hợp, thì ít ra cũng phải chọn được nhóm ngành thích hợp. Trong nhóm ngành đó, nếu không học được ngành mình thích thì ít nhất cũng học được ngành mình không thấy đáng ghét".

Cũng theo GS Nam, dù học đúng ngành mình thích thì thái độ học quyết định tương lai về sau. "Dĩ nhiên học nhiều để có điểm cao hơn không đồng nghĩa với thành công hơn. Tuy nhiên, chuyện học ở ĐH thời nay đã khác xưa rất nhiều, điểm cao hiện nay còn mang thêm nghĩa có thái độ làm việc nghiêm túc và có kỹ năng mềm tốt, sau này ra đời đi làm thì ngành nào cũng cần những tố chất này. Dù học được ngành mình yêu thích, thì cũng đừng nghĩ là suốt đời mình sẽ làm mỗi một ngành đó. Cuộc sống biến động không ngừng, đừng tự ràng buộc bản thân mình rồi đánh mất cơ hội tốt hơn", GS Nam chia sẻ.

Nhắn nhủ thêm với học sinh chuẩn bị bước vào giai đoạn chọn ngành học, giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2014 nhắn nhủ: "Chuyện tương lai không ai nói trước được. Tuy nhiên, có một chuyện có thể đoán trước được là dù học ngành gì, nếu bạn nào học hành với thái độ tích cực, sau này sự đời có đưa đẩy thế nào đi nữa, dù làm đúng ngành hay trái ngành, thì cũng khó mà thất bại".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.