Chuyện cũ nhưng… không cũ
Sau màn pháo hoa đón giao thừa rạng sáng nay 10.2 (nhằm ngày mùng 1 Tết Giáp Thìn), hàng vạn người tập trung tại trung tâm TP.HCM, đặc biệt tại khu vực công viên bến Bạch Đằng dần rời đi, để lại những bãi rác ngổn ngang, chất đống.
Ngay lập tức, những công nhân vệ sinh môi trường chia nhau ra nhanh chóng thu gom rác, trả lại vẻ mỹ quan cho thành phố ngay đúng ngày mùng 1 tết. Không khó để nhận ra, cứ mỗi lần TP.HCM diễn ra các sự kiện lớn, tập trung đông người, sau đó hình ảnh rác ngập tràn nơi diễn ra sự kiện được mạng xã hội chia sẻ với nhiều tranh cãi.
Câu chuyện tưởng chừng như không mới, nhưng lúc nào cũng nhận được sự quan tâm của cư dân mạng. Câu chuyện về ý thức lại được đem ra so sánh, song cho tới nay vẫn… chưa có hồi kết. Bạn nghĩ sao?
Thay vì về nhà ngay lập tức sau khi kết thúc màn pháo hoa kéo dài 15 phút, chị N.A (27 tuổi, ngụ TP.HCM) nán lại cùng bạn trai, anh N.H (29 tuổi). Nhìn những công nhân vệ sinh phải vã mồ hôi dọn rác đêm giao thừa, chị cho biết bản thân cảm thấy vô cùng thương, trước công việc đặc biệt và sự hy sinh của các anh chị.
Theo chị N.A, sau những sự kiện tập trung đông người như đón năm mới, giao thừa, rác có mặt ở khắp nơi, thậm chí chất thành đống là điều bình thường, bởi vì số lượng rác thải ra trong cùng một thời điểm là quá lớn.
“Mình thấy mọi người hay so sánh về câu chuyện ý thức này nọ, nhưng bản thân mình đây, chẳng hạn ra đây coi pháo bông thì cũng có mua bạt, mua đồ ăn đồ uống trong lúc chờ. Nhưng người thì quá đông, thùng rác nào cũng đầy hết, dù có thêm gấp mấy lần thùng rác nữa thì cũng không thể chứa hết nên tụi mình cũng không biết vứt vào đâu.
Nếu đem hết rác này về thì có phiền quá không, trong khi còn mang rất nhiều đồ. Thay vì vậy, mình cứ để lại một góc để mọi người dọn nhiều khi còn tiện và nhanh hơn. Tất nhiên, lâu lâu chỉ có một lần như vậy, còn những lúc bình thường thì lúc nào mình cũng tuân thủ vứt rác đúng nơi quy định", chị nói.
Thăm dò ý kiến
Theo quan điểm của bạn, rác chất đống ở những sự kiện đông người như đón năm mới là điều bình thường?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Đồng tình, anh H. ngồi kế bên cũng cho biết không chỉ ở Việt Nam, bản thân anh thấy một số quốc gia khác, ở châu Á lẫn phương Tây, sau mỗi sự kiện tập trung đông thì rác để lại nhiều là điều không tránh khỏi.
“Mình coi đó là điều bình thường ở những sự kiện đông người. Nhiều khi trong năm mới, mọi người muốn vui vẻ, thoải mái một chút cũng không phải là quá đáng, miễn những ngày bình thường mình giữ ý thức tốt là được”, anh bày tỏ.
“Nếu ai cũng có trách nhiệm với rác của mình…”
Từng nhiều lần tham gia vào các sự kiện đón năm mới ở TP.HCM, anh Thiện (24 tuổi) cho biết lúc nào anh cũng có trách nhiệm với rác của mình. Nếu rác chất đầy thùng, anh sẽ mang đi xa hơn, có khi mang về nhà để bỏ.
Theo anh, không quan trọng ở các nước khác trên thế giới như thế nào, quan trọng là những gì anh chứng kiến và anh cảm thấy việc để lại rác vô tội vạ là điều không văn minh.
“Tất nhiên là nó có bất tiện hơn, nhưng cũng không nên đổ lỗi đó là tính chất của các sự kiện đông người. Khi đã có ý thức, thì dù trong hoàn cảnh nào, mình cũng sẽ duy trì ý thức đó. Nếu ai mà cũng có trách nhiệm với rác của mình thì các anh chị công nhân vệ sinh sẽ dễ thở hơn nhiều", anh chàng nêu quan điểm.
Đồng tình, anh Khuê (25 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cũng cho rằng việc xả rác ở nơi công cộng, dù trong bất cứ sự kiện hay hoàn cảnh nào đều không phải là hành động văn minh. Anh hy vọng mọi người sẽ có ý thức hơn trong việc giữ gìn mỹ quan thành phố.
Bình luận (0)