Rác thải bủa vây khu du lịch

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
09/06/2019 06:08 GMT+7

Ngập rác sau sự kiện, rác khi quá đông khách, chưa kể rác đại dương cùng tràn về theo dòng biển và hướng gió... là hiện trạng mà các khu du lịch đang đối mặt.

Ngập rác sau tổ chức sự kiện, rác khi quá đông khách, chưa kể rác đại dương cùng tràn về theo dòng biển và hướng gió... là hiện trạng mà các khu du lịch đang đối mặt.

Sức ép từ... rác

Ở nhiều khu, tác động của rác thải du lịch tới môi trường có tăng lên, kể cả ở khu bảo tồn. Ví dụ như biển tuy sạch phía trên nhưng khi lặn xuống thì ở các dải san hô hay thảm cỏ biển vẫn có rác mà chưa dọn đi được. Hoặc nó len lỏi trong khu rừng do người ta vứt lại
PGS-TS Phạm Trung Lương,  nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Bộ VH-TT-DL)
Một đánh giá trên trang TripAdvisor về Hạ Long (Quảng Ninh) được đưa ra làm dẫn chứng trong báo cáo nghiên cứu mới nhất của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) như sau: “Rác cuốn theo từng đợt sóng. Một đám rác đã trôi tới gần khi chúng tôi đang bơi. Một du khách đã thử bơi và sau đó đã phải hối hận. Quả thật những hòn đảo trông thật tuyệt vời và nếu không có các đám rác thải thì phong cảnh thật đáng kinh ngạc. Khó có thể chấp nhận khi phải trả hàng ngàn đô cho một trải nghiệm như vậy”.
Vịnh Hạ Long là điểm du lịch hấp dẫn đối với khách nước ngoài khi đến VN. Tuy nhiên, nghiên cứu của IUCN cho thấy: “Mặc dù thiết bị lọc/tách dầu đã được lắp đặt trên các tàu du lịch, tuy nhiên qua quan sát và phỏng vấn với thuyền trưởng cho thấy máy chỉ được sử dụng khi có sự thanh kiểm tra của Sở GTVT. Năng lực xử lý rác thải hiện tại chỉ đủ đáp ứng 40% tổng số chất thải tại TP.Hạ Long. Do thiếu các biện pháp thu gom và xử lý nước thải, nên các loại nước thải từ các tàu du lịch được thải trực tiếp ra vịnh”.
Trong khi đó, điểm đến Tràng An (Ninh Bình) cũng có lúc bất ổn về môi trường. Vào dịp Tết âm lịch 2019 vừa qua, dọc đường vào vùng di sản Tràng An, nhiều túi rác lớn được chất đống hai bên. Ông Bùi Đình Thành, Phó trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường H.Hoa Lư (Ninh Bình), khi đó cũng công nhận có tình trạng rác thải vứt bừa bãi, tồn đọng. Bãi đỗ xe động Am Tiên, đường Tràng An, khu Tràng An cổ, dọc đường Bái Đính - Kim Sơn đều có rác như vậy.
Rác thải bủa vây khu du lịch
Dọn rác ở Hội An Ảnh: lekima Hùng
Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo cũng đang chịu áp lực về rác thải. Theo ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trung bình mỗi ngày có hơn 2.000 lượt khách thăm Côn Đảo. Trong khi đó, hạ tầng lại chưa kịp phát triển tương xứng. Con số được tỉnh đưa ra, hiện Côn Đảo đang tồn khoảng 72.000 tấn rác thải chưa được xử lý. Mỗi ngày trên đảo phát sinh thêm khoảng 20 tấn rác thải, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân cũng như môi trường du lịch.
Nhiều điểm du lịch khác cũng “đau đầu” với rác thải. Ở đảo Bình Ba (Cam Ranh, Khánh Hòa) cũng từng nhiễm rác nặng do rác từ các cơ sở nuôi tôm hùm, kinh doanh du lịch, nhà hàng và khu dân cư. Ở Nha Trang (Khánh Hòa), nước thải từ cống tràn ra hệ thống cửa xả ven biển đường khu danh thắng Hòn Chồng. Người dân cho biết, cách cả trăm mét vẫn ngửi thấy mùi hôi thối. Biển Bình Thuận cũng có những điểm ngập rác thải nhựa, ruồi muỗi và côn trùng.

Cần nâng cao ý thức cho du khách

PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Bộ VH-TT-DL), cho biết không phải mọi điểm du lịch đều có vấn đề rác. “Cũng tùy từng khu vực mới có vấn đề rác thải du lịch. Nó là vấn đề của từng điểm, chưa đến mức quá trầm trọng với toàn bộ ngành du lịch. Bản thân các khu du lịch cũng phải giữ; còn nếu nhếch nhác thì cũng có mấy nơi, chẳng hạn sự kiện lớn và họ chưa thể dọn kịp hay rác thải đại dương vào các mùa gió mạnh đưa rác từ đại dương vào”, ông Lương nói. Mặc dù vậy, ông Lương đánh giá sức ép về rác mỗi lúc một tăng. “Ở nhiều khu, tác động của rác thải du lịch tới môi trường có tăng lên, kể cả ở khu bảo tồn. Ví dụ như biển tuy sạch phía trên nhưng khi lặn xuống thì ở các dải san hô hay thảm cỏ biển vẫn có rác mà chưa dọn đi được. Hoặc nó len lỏi trong khu rừng do người ta vứt lại”, ông phân tích.
Ông Lương lấy ví dụ về Hạ Long, ở đây có thể thấy rõ xu thế tăng rác. “Lượng tàu ở đây quá lớn. Chẳng hạn, trước đây 2 - 3 năm thì số lượng tàu là khoảng 200 - 300, nhưng giờ lên tới 600. Lượng thải cũng sẽ tăng. Chưa nói đến các tàu giao thông vận tải vẫn hoạt động ở vùng vịnh Cửa Lục, các hoạt động công nghiệp cảng biển đều tuôn ra Hạ Long hết, chưa nói đến nuôi trồng. Điều đó ảnh hưởng chất lượng nước ở Hạ Long”, ông Lương nói.
Với nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (Lekima Hùng), anh thấy ở hiện trạng rác thải hai vấn đề. Thứ nhất, đó là thói quen của người dân địa phương. Thứ hai, đó là việc quy hoạch để xử lý rác. Chẳng hạn, ở trên đảo Bình Ba có hiện tượng người dân sống trên núi rác ngay cạnh lò đốt rác. Lò đổ rác ở đây có công suất quá nhỏ, công nghệ chưa thích hợp, cộng thêm việc chưa phân loại rác từ đầu đã khiến rác ùn ứ.
Mới đây, Bộ VH-TT-DL vừa ra Văn bản 1895 yêu cầu các sở trực thuộc hướng dẫn xây dựng hương ước, quy ước lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường chống rác thải nhựa, trong đó chú trọng chỉ đạo ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân và du khách hạn chế sử dụng túi ni lông, hướng dẫn phân loại rác thải nhựa, bỏ rác đúng nơi quy định...
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), cho biết có thể tích hợp tiêu chuẩn này vào xét duyệt gia đình văn hóa, thôn văn hóa. Theo bà Hương: “Tiêu chuẩn cứng thì Chính phủ đã ban hành rồi. Giờ cần chỉ đạo cho chính quyền các tỉnh và cơ quan quản lý nhà nước ở các tỉnh để trong quá trình thực hiện thì họ đưa vào các tiêu chí bổ sung. Họ cũng có tiêu chí về đảm bảo môi trường rồi nhưng không quy định cụ thể về đảm bảo rác thải”.
Trong khi đó, ông Quốc Trí, Chánh văn phòng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL), cho biết qua Vụ Lữ hành và Vụ Khách sạn, Tổng cục cũng đang thực hiện việc nhắc nhở, hướng dẫn khách về việc xả rác. Đây cũng là một phần được quy định trong Bộ quy tắc ứng xử văn minh khi du lịch do Tổng cục ban hành.

Phú Quốc cam kết nói không với rác thải nhựa

 
Rác thải bủa vây khu du lịch
Bờ kè công viên Bạch Đằng, gần cửa sông Dương Đông (H.Phú Quốc) đặc rác Ảnh: Hoàng Trung
Sáng 8.6, tại H.Phú Quốc (Kiên Giang), Sở NN-PTNT Kiên Giang phối hợp Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại VN và UBND H.Phú Quốc tổ chức lễ phát động phong trào chống rác thải nhựa, thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đây là hoạt động hướng tới việc giúp Phú Quốc trở thành hòn đảo xanh và sạch hơn trong bối cảnh rác thải nhựa ngày càng gia tăng, đe dọa nguồn tài nguyên thiên nhiên, đời sống của các loài hoang dã, cũng như sinh kế của người dân nơi đây.
Theo UBND H.Phú Quốc, hiện ước tính khối lượng rác thu gom tại đảo khoảng 120 - 150 tấn/ngày. Khoảng 87% rác được thu gom bởi Ban Quản lý công trình công cộng H.Phú Quốc, nhưng không phải tất cả rác thải đều được xử lý và xử lý đúng. Kết quả là rác, đặc biệt là nhựa, đều xuất hiện trong hệ sinh thái trên bờ lẫn dưới biển.
Hoàng Trung
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.