Bé Nguyễn Mai D., 20 ngày tuổi, nhà ở xã Binh Đức, huyện Châu Thành, Tiền Giang được mẹ đưa đi khám vì rốn bị sưng. Sau khi mở băng rốn cho bé, bác sĩ nhìn thấy phía ngoài miếng gạc băng rốn dính nhiều dịch màu nâu xám lẫn những hạt trắng, có mủ nhầy.
Hỏi ra mới biết gia đình thấy rốn bé ướt hoài sau khi cuống rốn rụng, nên rắc tiêu sọ vào rốn giúp rốn khô và làm ấm bụng bé.
Bác sĩ cho rửa sạch rốn và phát hiện có một chồi nhỏ như hạt đậu xanh đang rỉ nước vàng, nên kết luận bé bị chồi rốn, cần chấm thuốc để đốt chồi này. Sau đó bác sĩ kê thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng và dặn người mẹ để rốn bé thông thoáng, không được băng kín rốn và nhất là không được rắc bất cứ thứ gì vào rốn như tiêu, kháng sinh, lá cây...
Thông thường rốn của bé sẽ rụng trong vòng 5-10 ngày sau sinh và khô dần. Tuy nhiên ở một số bé, rốn sau khi rụng vẫn còn tồn tại một u hạt hay mô hạt rốn nhỏ gọi là chồi rốn, kích thước 1mm-1cm, gây rỉ dịch kéo dài, màu đỏ nhạt hay hơi ngả vàng. Đó chính là u hạt rốn, u hạt này tiết dịch gây ẩm ướt rốn thường xuyên. Nếu không được điều trị, mô xung quanh rốn có thể bị viêm tấy đỏ, tạo điều kiện thuận lợi dẫn đến tình trạng nhiễm trùng rốn ở trẻ. Khi bé bị tình trạng trên, cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được khám và điều trị.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)