Ronaldo phải ngồi ngoài trong hơn 1 giờ, và anh cũng gần như không tồn tại khi thi đấu trên sân trong 26 phút chót. Đó có phải là chút tư vấn ban đầu, hay thậm chí là chuyện “chỉ đạo từ xa” của Ralf Rangnick đối với đội bóng mà ông sắp huấn luyện trực tiếp? Trước mắt, HLV lâm thời Michael Carrick phủ nhận hoàn toàn, nói rằng Rangnick không liên quan gì đến quyết định xếp Ronaldo vào ghế dự bị trong trận gặp Chelsea.
Tương lai của Ronaldo ở M.U đang dần nhạt nhòa |
AFP |
Dĩ nhiên Carrick muốn nói gì cũng được. Tin hay không lại là việc của khán giả. Vì sao rộ lên dư luận cho rằng đấy là quyết định của Rangnick, và vì sao Carrick phải cố phủ nhận, theo cái kịch bản quen thuộc kiểu “quyết không khai… anh du kích nấp trong đống rơm”? Cựu danh thủ M.U, nay là bình luận viên Gary Neville, tin rằng Rangnick quả đã gây ảnh hưởng đến cách xếp quân của M.U trong trận gặp Chelsea.
Nguyên nhân sâu xa khiến Manchester United tin tưởng HLV ít nổi tiếng Ralf Rangnick |
Cuối cùng, bất kể đấy là câu chuyện giật gân thuần túy hay có tính xác thực cao, thì vấn đề lớn quả đã xuất hiện: tương lai của Ronaldo đã chuyển sang màu xám, từ trước khi Rangnick cầm quân. Gần như chắc chắn Ronaldo không có chỗ trong các kế hoạch chuyên môn của HLV này.
Người ta đã trưng ra rất nhiều “bằng chứng” cho cái nhìn của Rangnick về Ronaldo. Chẳng hạn như cuộc phỏng vấn cách đây 5 năm của AFP. Khi được hỏi liệu ông có mua Ronaldo về đội của mình, Rangnick nói ngay: “Anh ta già rồi”. Và đó là chuyện cách đây 5 năm, khi Ronaldo “mới” 31 tuổi, đang là người hùng giúp Bồ Đào Nha vô địch EURO 2016! Còn bây giờ, tuy chưa chính thức làm việc, nhưng Rangnick đã yêu cầu được xem video và phân tích những buổi tập của M.U dưới thời Ole Gunnar Solskjaer. Rồi theo kế hoạch của ông, M.U chuẩn bị các dụng cụ sẽ được triển khai tại sân tập Carrington sắp tới. Đáng chú ý là đồng hồ báo thời gian cho cầu thủ. Rangnick sẽ áp dụng bài tập mà trong đó cầu thủ M.U phải làm sao đoạt lại bóng trong vòng 8 giây và tung được cú dứt điểm trong vòng 10 giây.
Ronaldo khó lòng đáp ứng được bài tập ấy. Rangnick thích các cầu thủ trẻ, đánh giá cao tốc độ và thể lực. Ông thích huấn luyện cả một tập thể, không ưa ngôi sao, không thích thứ bóng đá lệ thuộc vào một hoặc vài cá nhân… Người ta đã viết đi viết lại các đặc điểm như vậy trong suốt tuần qua. Để rồi bây giờ Ronaldo phải ngồi dự bị, như một chi tiết tiếp theo trong cả một chuỗi sự kiện.
Những gì M.U thể hiện trong trận hòa Chelsea vừa rất lạ so với hình ảnh thường thấy của đội này, vừa bất lợi đối với cá nhân Ronaldo. Đó là hình ảnh “tử thủ”, nhưng là phòng thủ giữa sân chứ không phải cố thủ bằng hậu vệ. Có đến 3 tiền vệ chuyên về phòng ngự (Fred, Nemanja Matic, Scott McTominay) với nhiệm vụ chủ yếu là “quây” cặp tiền vệ Jorginho, Ruben
Loftus-Cheek bên phía Chelsea. Ngay cả các cầu thủ tấn công cũng thường xuyên lùi về để tích cực pressing khi Chelsea có bóng. Trước đây, khi M.U thi thoảng bố trí 3 tiền vệ giữa sân, thì đó cũng chỉ là một cặp phòng ngự phía sau, để Paul Pogba thoải mái chơi thiên về công và tự do di chuyển phía trước. Carrick, trong vai trò trợ lý, luôn là “cánh tay mặt” của cựu HLV trưởng Ole Gunnar Solskjaer. Nhiều người cho rằng họ thật ra là một, và đáng lẽ M.U phải sa thải cả cặp. Bây giờ, Carrick nói ông toàn quyền bài binh bố trận, nhưng giới quan sát lại chỉ thấy cách chơi của M.U mang hơi hướng Rangnick. Kể cả khi M.U mở được tỷ số từ sai lầm của Jorginho (Chelsea), thì một phần nguyên nhân cũng là do M.U có đến 2 cầu thủ tích cực ập vào pressing từ trước khi Jorginho chạm bóng. M.U của Carrick pressing như thế từ hồi nào?
Người ập vào lấy bóng trong chân Jorginho ngay giữa sân là tiền đạo Jadon Sancho, đứng ở vị trí cao nhất trong đội hình M.U. Giả sử trung phong Ronaldo đá chính? Anh sẽ di chuyển ở mức độ ít nhất có thể (để giữ sức), và phần còn lại trong đội hình M.U sẽ phải giúp Ronaldo có bóng. Dễ hình dung: Rangnick sẽ đập bàn nói câu “hoang đường”, về một cách chơi như vậy nơi một đội bóng mà ông huấn luyện. Đó chính là chỗ bất lợi khiến tương lai Ronaldo mờ mịt hẳn, ngay từ lúc này. Trong khoảng nửa giờ xuất hiện trên sân (tính luôn những phút bù giờ), số lần chạm bóng của Ronaldo chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Dùng hay không dùng một ngôi sao cụ thể, thật ra là chuyện phổ biến nơi các HLV “cứng cựa”. Nhưng, khi Rangnick chủ trương không dùng Ronaldo, thì đó sẽ là vấn đề lớn đối với M.U. Một mặt, Ronaldo đã ghi 10 bàn, phần lớn là những bàn quan trọng, ở Champions League và Premier League, chỉ trong
13 lần đá chính. Không ai trong đội chạm đến phân nửa thành tích ghi bàn của Ronaldo. Mặt khác, anh lĩnh lương khủng (385.000 bảng/tuần). Không dùng thì thôi, nhưng sẽ phải nghe những lời chỉ trích rằng quá phí phạm?
Bình luận (0)