Chiều 11.10, thông tin từ UBND xã Vĩnh Đại, H.Tân Hưng cho biết chỉ một thời gian, rắn lục đã cắn trên 10 trường hợp ở xã này khiến các nạn nhân phải đi cấp cứu.
tin liên quan
Rắn lục đuôi đỏ liên tục tấn công nông dân(TNO) Thời gian gần đây, tình trạng rắn lục đuôi đỏ cắn người khi thu hoạch cà phê, tiêu tăng lên khiến nông dân lo ngại.
Rắn chui vào tận giường cắn người
Nạn nhân mới nhất là ông Nguyễn Văn Tây (46 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Ân, xã Vĩnh Đại) bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải chuyển đến Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) điều trị gần một tuần.
Theo ông Tây, khoảng 18 giờ ngày 7.10, ông từ nhà xuống bến xuồng, qua vườn cây trước sân chừng 20 m để đi giăng lưới bắt cá. Do bị nhánh tràm vướng ngang mặt, ông đưa tay định đẩy ngang thì bị một con rắn lục đuôi đỏ cắn vào mu bàn tay trái.
Chỉ vài phút sau, bàn tay ông Tây sưng to rồi tím tái, tê buốt hết cánh tay và lan vào cơ thể. Ngay trong đêm, ông Tây được người nhà đưa đi cấp cứu. “Loài này không độc bằng rắn hổ nhưng điều trị chậm cũng rất nguy hiểm tính mạng”, ông Tây cho biết.
Còn anh Lê Văn Còn (36 tuổi, ngụ ấp Cả Sậy, xã Vĩnh Đại) bị một con rắn lục đuôi đỏ nằm ẩn trong chiếc dép cắn vào chân khiến chân anh sưng to và phải đi điều trị ở Bệnh viện Long An.
Tương tự, cháu Lê Hạ Vy (8 tuổi, ngụ ấp Cả Sậy) bị rắn trốn trong mền cắn ngay đùi khi cháu Vy đang nằm ngủ trên giường. “Biết đây là loại rắn nguy hiểm, gia đình chuyển nhanh đi bệnh viện điều trị và phải nằm mất nhiều ngày”, ba cháu Vy cho biết.
Chưa bao giờ có nhiều người bị rắn cắn như năm nay
Ông Nguyễn Văn Quang (64 tuổi, ngụ ấp Cả Sậy, xã Vĩnh Đại) cho biết gia đình sống ở vùng đất này gần 40 năm nhưng chưa bao giờ có nhiều người bị rắn cắn như năm nay.
Ông Quang cho biết thêm, 5 - 10 năm trước, nước ngập hết cánh đồng, rắn hổ, rắn lục đuôi đỏ, chuột, rùa bò lên vùng cao để sống hết mùa lũ. Người đi săn cứ bơi xuồng vào khu vực đó là bắt được vài ký rắn hổ mỗi ngày, tuy nhiên, không có ai bị rắn cắn nhiều như bây giờ.
“Nhiều vùng cây rậm ở ven kênh, bờ ao bị phát hoang, khi nước ngập cao rắn chỉ tìm đến khu vườn gia đình và bò vào nhà. Loại rắn này nó không tìm cắn người, chỉ khi nào đạp trúng, tay chân chạm trúng vào nó mới “gây sự” thôi”, ông Quang nói.
Còn theo bà Hà Thị Tám (61 tuổi, ngụ xã Vĩnh Đại), loại rắn lục đầu đỏ cũng như rắn lục xanh di chuyển nhanh lắm, mới nhìn thấy trên cây chưa kịp đập đã chạy mất. Ban đêm trong chuồng bò, ao nuôi cá có nhiều cây là nơi ẩn náu của rắn, dân địa phương nắm rõ quy luật này nên khi ra khỏi nhà dùng đèn rọi xung quanh, hoặc lấy cây đập thật mạnh ở phía trước, trong nhà thì kiểm tra dép, mùng mền thật kỹ trước khi đi ngủ.
tin liên quan
Bị rắn độc cắn, bé gái nguy kịch do chậm nhập việnGia đình đưa bé đến một thầy lang gần nhà đắp lá vào vết thương rắn độc cắn. Hôm sau, khi đưa bé đến đắp lá lần hai thì bé bị ngất nên gia đình vội đưa bé đến bệnh viện
UBND xã Vĩnh Đại cho biết đây là xã có nhiều người bị rắn lục đuôi đỏ cắn ở vùng Đồng Tháp Mười (Long An). Hiện nay đang vào mùa nước lũ, hầu hết các cánh đồng bị ngập sâu, các loại rắn về sinh sống ở hàng cây ven kênh, khu vườn ăn trái của người dân hoặc “bò” vào tận nhà và cắn người.
Bác sĩ Nguyễn Đức Nhã, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa Long An, cho biết khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn hoặc nghi ngờ các loại rắn độc cắn, nạn nhân tuyệt đối không được ở nhà tự chữa trị bằng các bài thuốc dân gian mà phải khẩn trương đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và tiêm huyết thanh kháng nọc độc càng sớm càng tốt.
Bình luận (0)