Ranh giới vượt ngưỡng của đội tuyển Việt Nam

28/08/2024 12:18 GMT+7

Với hầu hết lực lượng ở đợt tập trung này là những gương mặt cũ dưới thời HLV Park Hang-seo và Philippe Troussier, câu hỏi đặt ra là: đội tuyển Việt Nam còn có thể mạnh hơn nữa hay không, khi ông Kim Sang-sik là người nắm quyền?

Cái lý của HLV Kim Sang-sik

Ở đợt tập trung tháng 6 nhằm chuẩn bị cho 2 trận cuối vòng loại World Cup 2026, HLV Kim Sang-sik từng gọi lại bộ khung nhân sự cũ. Đây là lựa chọn dễ hiểu. Bởi khi mới nắm đội tuyển Việt Nam, chưa có thời gian quan sát năng lực học trò, việc triệu tập những cầu thủ đã quen với bầu không khí bóng đá quốc tế là phương án an toàn.

Tuy nhiên, sau 2 tháng đến sân theo dõi V-League và hạng nhất, ở đợt tập trung phục vụ mục đích giao hữu, HLV Kim Sang-sik vẫn chọn tin bộ khung cũ. Trịnh Xuân Hoàng là gương mặt mới duy nhất, nhưng cơ hội để thủ môn của Thanh Hóa cạnh tranh được với Nguyễn Filip, Đặng Văn Lâm là rất thấp. Những phát kiến của riêng ông Kim chưa xuất hiện.

Ranh giới vượt ngưỡng của đội tuyển Việt Nam- Ảnh 1.

Đội tuyển Việt Nam khởi đầu chu trình mới bằng lực lượng cũ

MINH TÚ

Điều này đối lập với giai đoạn HLV Philippe Troussier nắm quyền 1 năm trước, khi đã có nhiều cầu thủ lần đầu được ăn cơm tuyển như Lâm Ti Phông, Trương Tiến Anh, Phạm Trung Hiếu, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Đình Triệu hay Bùi Văn Đức. Thời HLV Park Hang-seo, cuộc “thay máu” còn quyết liệt hơn khi lứa U.23 Việt Nam giành ngôi á quân châu Á năm 2018 đã thế chỗ gần như hoàn toàn lớp đàn anh ở đội tuyển khi đó.

"Mỗi HLV có một triết lý dùng người riêng. Chúng ta cần tôn trọng", bình luận viên (BLV) Vũ Quang Huy khẳng định. Mắt nhìn người của HLV Kim Sang-sik cho thấy thực tế: bóng đá Việt Nam chưa có nhân tố mới đủ giỏi để thay thế tầm ảnh hưởng của lứa cũ. Nói cách khác, dù đội tuyển Việt Nam đang ở quãng thời gian trầm lắng, nhưng dàn sao hiện tại vẫn là những gì tốt nhất mà bóng đá Việt Nam sở hữu.

Tìm mới trong cũ

Vậy với con người cũ, đội tuyển Việt Nam có thể mạnh hơn nữa không? Câu trả lời là có. Bộ khung lực lượng dưới ban tay huấn luyện của ông Kim chủ yếu ở ngưỡng tuổi từ 24 đến 29. Đây là độ tuổi đỉnh cao, mà cầu thủ tối thiểu có thể duy trì phong độ, thi đấu ổn định trong điều kiện nỗ lực hết mình.

Những cầu thủ lớn tuổi như Nguyễn Filip (32), Văn Lâm (31) hay Quế Ngọc Hải (31) lại chơi ở vị trí dựa nhiều vào kinh nghiệm hơn là sức trẻ. Bởi vậy, tập thể đội tuyển Việt Nam có nền móng lý tưởng để bật lên, dù việc 100% cầu thủ đang chơi trong nước là bất lợi không nhỏ.

Còn về khát vọng, các học trò của HLV Kim Sang-sik cũng có đầy đủ. Khác với những nền bóng đá phát triển, nơi cầu thủ cân bằng lợi ích giữa CLB và đội tuyển quốc gia (thậm chí có phần ưu tiên CLB hơn), danh vọng của cầu thủ Việt Nam lại đến từ đội tuyển quốc gia nhiều hơn là CLB.

Ranh giới vượt ngưỡng của đội tuyển Việt Nam- Ảnh 2.

Đội tuyển Việt Nam cần được định hướng đúng

VFF

Chơi tốt ở đội tuyển, tiến sâu ở các giải lớn mang lại cho cầu thủ lợi ích về thương hiệu, hình ảnh, với minh chứng là thành công của dàn cầu thủ dưới thời HLV Park Hang-seo. Bên cạnh niềm tự hào màu cờ sắc áo, đây là động lực để tiếp tục nỗ lực. Quan trọng là, Nguyễn Quang Hải cùng đồng đội cần được HLV chỉ ra con đường đúng đắn để đi.

2 trận đấu gặp Philippines và Iraq cho thấy với bộ khung cũ, HLV Kim Sang-sik có thể nhào nặn nên lối chơi mới hiệu quả và phù hợp hơn. Điểm dễ thấy trong lối chơi của ông Kim là sự đơn giản và trực diện.

Các cầu thủ được khuyến khích đá nhanh, gọn, ít chạm và hướng bóng thẳng tới cầu môn, thay vì chuyền bóng rườm rà. Mọi đường bóng ở phần sân đối thủ đều có định hướng và ý đồ rõ ràng. Với dàn cầu thủ đang có, đội tuyển Việt Nam có thể chơi phòng ngự phản công như thời ông Park, nhưng theo cách linh hoạt, chủ động và hiện đại hơn.

Nhà cầm quân người Hàn Quốc áp dụng cách quản quân, truyền động lực gần gũi hơn theo kiểu anh hai. Một thành viên đội tuyển Việt Nam chia sẻ, ông Kim luôn cố gắng mở lòng trò chuyện và lắng nghe, học tên từng cầu thủ và hiểu hơn về văn hóa bóng đá Việt Nam.

Với cầu thủ U.23 Việt Nam, ông không áp đặt triết lý, mà cho cầu thủ thoải mái thể hiện bản thân. "Ông Kim muốn chúng tôi chơi bóng bằng tình yêu và đam mê, chưa vội áp dụng chiến thuật hay triết lý gì", một cầu thủ khẳng định. Đây là cách tiếp cận đang mang lại bầu không khí mới mẻ, cho thấy việc pha rượu mới trong bình cũ chẳng phải bất khả thi.

Cơ hội bứt phá của đội tuyển Việt Nam nằm ở động lực của từng cầu thủ, cùng khả năng khơi dậy tinh thần, như hoạch định chiến lược của HLV trưởng.

"Khi cầu thủ được đặt vào hệ thống chiến thuật phù hợp, họ tự khắc phát huy được điểm mạnh, thi đấu tự tin và cố gắng hết sức", BLV Quang Huy nhận xét. Đội tuyển Việt Nam vẫn có thể tốt hơn nữa, dù bước qua ranh giới vượt ngưỡng chưa bao giờ đơn giản với bất kỳ tập thể nào!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.