(TNO) Quan hệ Nga - Trung Quốc thời gian gần đây rất 'thuận buồm xuôi gió' nhưng có thể sẽ vấp phải một rào cản trong tương lai gần, chuyên san The Diplomat nhận định.
Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nga nhân kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Phát xít Đức vừa qua giúp Bắc Kinh và Moscow xích lại gần nhau hơn, biểu hiện là hàng loạt hợp đồng hợp tác, thỏa thuận chung được ký kết trong chuyến đi của ông Tập.
Thắt chặt quan hệ song phương
Ngày 8.5, Nga và Trung Quốc công bố đã ký các thỏa thuận hợp tác kinh tế trị giá hàng chục tỉ USD, qua đó thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc vào các công ty Nga, cũng như khởi động quỹ đầu tư trị giá 2 tỉ USD cho các dự án nông nghiệp...
Nhiều thỏa thuận trị giá hàng tỉ USD giữa Nga và Trung Quốc được ký kết khi Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng Phát xít của Nga - Ảnh: Reuters
|
Trong khi đó, báo chí Mỹ đưa tin khá nhiều về đợt tập trận chung giữa Nga và Trung Quốc bắt đầu từ ngày 11.5. Đợt tập trận kéo dài 10 ngày này được mô tả giúp hải quân Trung Quốc thực hành trên biển và không liên quan đến bên thứ ba nào.
Ngoài ra, Nga và Trung Quốc cũng vừa đạt được thỏa thuận hợp tác an ninh mạng. Điểm mấu chốt trong thỏa thuận này là "Nga và Trung Quốc sẽ cam kết không thực hiện các hành động tấn công mạng nhằm vào nhau", theo báo The Wall Street Journal (Mỹ).
Hàng loạt sự kiện trong quan hệ song phương gần đây, cộng thêm dự án thành lập tổ chức tài chính mới (NDB hay ngân hàng khối BRICS) trước đó để cạnh tranh với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) của Mỹ, cho thấy Nga - Trung đang trên đà hình thành một mối quan hệ liên minh chặt chẽ.
Trung Á, rào cản cho quan hệ Nga - Trung
Tuy vậy, chuyên san The Diplomat (trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản) trong bài viết ngày 8.5 nhận định vẫn còn lý do khiến mối quan hệ Nga - Trung sẽ không dễ dàng giữ ở mức tốt nhất như những gì diễn ra trên bề nổi.
Khu vực Trung Á đóng vai trò quan trọng để xem xét Nga và Trung Quốc có cùng nhìn về một hướng hay không - Ảnh: Reuters
|
Trong lúc Nga phải "cảm ơn" Trung Quốc vì không đứng về phía phương Tây trong vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine, Moscow cũng không hề dễ chịu với việc Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng sang khu vực Trung Á. Đây cũng là một khu vực chiến lược mà Nga đặc biệt chú trọng.
Tác giả Bjorn Alexander Duben viết trên The Diplomat rằng Nga đã rất muốn tạo sức ảnh hưởng tại Trung Á. Động thái gần nhất là việc thành lập một liên minh kinh tế Á-Âu (EEU). EEU đã có Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan và đang chuẩn bị kết nạp Kyrgyzstan trong tháng này.
Theo những gì ông Duben viết, Nga đã từng có ý định tận dụng sức ảnh hưởng từ bộ phận người gốc Nga tại Kazakhstan để duy trì sự ủng hộ trong khu vực này. Ở Kazakhstan, có khoảng 22% người gốc Nga, con số này lên đến 50% ở khu vực phía bắc Kazakhstan.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang có ý định mở rộng tầm ảnh hưởng sang Trung Á. Tham vọng của Nga có thể sẽ vấp phải kế hoạch "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc, chính sách Bắc Kinh muốn sử dụng để thắt chặt mối quan hệ với các quốc gia Trung Á.
Ông Duben cũng cho rằng, tình hình kinh tế suy thoái đang khiến Nga có phần thiếu quyết đoán trong việc gia tăng ảnh hưởng tại Trung Á. Đây là thời điểm rất nhạy cảm vì Trung Quốc đang đủ lực và cũng đẩy mạnh quan hệ với các nước tại đây. Thái độ của hai bên trong vấn đề Trung Á sẽ quyết định rất lớn đến mối liên minh vì lợi ích này.
Bình luận (0)