Khi trình bày về dự án luật Đầu tư (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ QH hôm 22.4, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh bày tỏ quyết tâm sẽ dỡ bỏ "tất cả rào cản đầu tư" không cần thiết, với hy vọng tạo ra đột phá mới.
Ông nói, "chỉ có quyết liệt như thế mới có thể có được làn sóng đầu tư mới, tạo điều kiện cho sự phục hồi kinh tế đất nước". Rất nhiều người chia sẻ với quyết tâm của ông Vinh, nhưng chúng ta cũng đều hiểu, điều này chẳng dễ dàng gì, bởi chính người đứng đầu Bộ KH-ĐT đã nhiều lần than thở, phải “chiến đấu” rất mệt mỏi.
330 ngành nghề thuộc danh mục đầu tư có điều kiện và vài chục ngành nghề thuộc danh mục cấm “là quá nhiều”. Nhưng tại sao lại quá nhiều và duy trì quá lâu như vậy thì không chỉ sửa đổi luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư mà giải quyết được. Cái quan trọng nhất là chúng ta cần thay đổi tư duy về quản lý, để có được một chủ thuyết về cải cách hành chính mạch lạc.
Trong suốt thời kỳ đổi mới, cơ chế tập trung, bao cấp là điều bị phê phán nhiều nhất, nhưng nó lại là điểm chậm được khắc phục hiện nay. Sự tập trung quá lớn quyền hoạch định chính sách phát triển, dịch vụ công, quyền phân bổ các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính vào trung ương, đã và đang gây ra một loạt hậu quả nghiêm trọng. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh từng thú nhận: “Khi ở địa phương (ông Vinh có thời gian dài công tác ở Lào Cai - NV) tôi cũng phải “chạy lo dự án”, phải xin ngân sách nên biết việc ấy vất vả thế nào”. Việc tất cả các địa phương, các ngành đều đổ dồn lên trung ương để xin, để trình duyệt, để được phê chuẩn... tất yếu dẫn đến tình trạng thắt cổ chai. Chính sách một cửa, chỉ làm cho việc xếp hàng dài ra, chứ chưa chắc đã giải quyết được tình trạng ách tắc.
Sự kém linh hoạt của bộ máy khiến cho cán bộ công chức luôn luôn lo sợ trách nhiệm, tâm lý “không quản được thì cấm” cũng từ đó mà ra.
Thói quen ỷ lại, hành động theo mệnh lệnh của cấp dưới, đang làm cho chính quyền trung ương quá tải, và công việc của đất nước bị ách tắc. Nhưng cơ chế xin cho là môi trường làm phát sinh tệ hối lộ và tham nhũng mới là vấn đề lớn hơn cả. Bớt việc phải xin, cấp dưới chẳng còn lý do để hối lộ; cấp trên không còn cơ sở để nhũng nhiễu.
Rào cản lớn nhất, cản trở sự phát triển chung lúc này chính là rào cản về tư duy, ý thức. Suy nghĩ khác, sẽ có cách làm khác và cho một kết quả khác. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh từng trăn trở: “Mỗi người phải biết hy sinh một chút, chứ cứ để chủ nghĩa cá nhân phát triển thì VN mình sẽ không còn niềm tự hào của một đất nước chiến thắng nữa đâu!”.
Quốc Phong
>> Việt Nam thu hút 98 tỉ USD sau 20 năm áp dụng Luật đầu tư nước ngoài
>> Thực hiện luật đầu tư không cần thông tư
>> Ban hành nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư
Bình luận (0)