Rap về sử: Hiện đại hóa giá trị truyền thống sao cho phải?

Nguyên Vân
Nguyên Vân
04/11/2021 06:30 GMT+7

Bản rap phát triển từ bài thơ Nam quốc sơn hà sau một tuần ra mắt vẫn nằm trong top 1 âm nhạc thịnh hành trên YouTube với hơn 4 triệu lượt xem và hàng ngàn bình luận, chê không ít mà khen cũng rất nhiều.

Dự án âm nhạc về Việt Nam của người trẻ

Nam quốc sơn hà được chấp bút bởi dàn DTAP (nhóm sản xuất tạo nên dấu ấn của tác phẩm Để Mị nói cho mà nghe), Hành Or, RTee với sự hỗ trợ của nhà sản xuất Ninja Z. Bản rap dựa trên nội dung của bài thơ được xem như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam - Nam quốc sơn hà và không thiếu thời sự hôm nay với câu rap: “Có anh dân quân đang ship hàng (freeship)/Trên đôi vai cờ đỏ sao vàng (đi tiếp)/Có chị lao công đang quét rác (all day)/ Có bác sĩ kia đang phờ phạc (all night)/Có người san sẻ từng miếng ăn (khi đói)/Có người chia nhau từng viên thuốc (khi bệnh)/Âm thầm lặng lẽ chẳng tiếng than (làm gì)/Chống giặc vô hình ta tiến bước (let’s go)…” được Erik chuyển tải trên sân khấu (chương trình The Heroes - VTV3), sau đó thu hút người xem khi được đăng trên YouTube với số lượt xem ngày một tăng dần.

Bản rap của Erik còn độc đáo hơn khi được kết hợp với những câu hò trong chất giọng tuyệt đẹp của Phương Mỹ Chi, khiến Nam quốc sơn hà vừa lay động người nghe vừa mang đến cảm giác như được “bùng cháy” với không khí hào hùng ở những đoạn cao trào, góp phần lan tỏa niềm tự hào dân tộc…

DTAP mong muốn sử dụng Nam quốc sơn hà để bày tỏ quan điểm của người trẻ về những vấn đề của đất nước

Cats

Vì sao có bản rap Nam quốc sơn hà, đại diện DTAP chia sẻ cùng PV Thanh Niên: “2021 là năm khá đặc biệt khi chúng ta đã, đang phải chiến đấu với dịch Covid-19. DTAP mong muốn sử dụng Nam quốc sơn hà để bày tỏ quan điểm của người trẻ thế hệ gen Z về những vấn đề của đất nước”. Theo DTAP, các đại diện tham gia dự án là những cá tính âm nhạc hoàn toàn khác nhau nhưng đều có điểm chung là người trẻ, lớn lên trong thời bình và vừa trải qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.

Trong hàng ngàn bình luận dưới bản rap này, chiếm phần lớn là lời khen xoay quanh các nội dung: vừa có yếu tố lịch sử vừa lồng câu chuyện hôm nay, nghe hào hùng, đầy năng lượng của thời đại mới; các yếu tố được kết hợp rất thú vị, từ âm nhạc dân tộc đến bản phối hiện đại… Bên cạnh đó, có không ít nhận xét về cách kể chuyện lịch sử bằng hình thức mới mẻ này: vì tên Nam quốc sơn hà nên tò mò rồi nghe xong chưng hửng; chói tai, mệt tim hay muốn rap gì cũng được nhưng xin tránh những áng thơ văn mang hồn đất nước…

“Những ý kiến trái chiều là điều tất nhiên, nhưng đối với DTAP, một sản phẩm có thể truyền tải những quan điểm, suy nghĩ của những người con đất Việt; lại gần gũi, dễ nghe, dễ cảm với thế hệ trẻ gen Z sẽ là một sản phẩm thành công”, đại diện DTAP nói và cho biết thêm Nam quốc sơn hà là sản phẩm đầu tiên trong một dự án lớn của DTAP về Việt Nam, mang những giá trị đậm chất Việt được truyền tải theo hình thức gần gũi với thế hệ khán giả hôm nay.

Thể hiện lòng yêu nước qua âm nhạc

Thời gian qua, những tác phẩm âm nhạc kết hợp giữa các yếu tố văn hóa - lịch sử, giá trị truyền thống (từ chất liệu âm nhạc hoặc nội dung bài hát) với hình thức thể hiện mới mẻ, hợp thời như Để Mị nói cho mà nghe (cảm hứng từ Vợ chồng A Phủ), Anh ơi ở lại (từ Tấm Cám), Hết thương cạn nhớ (từ Chí Phèo), Bánh trôi nước (từ thơ Hồ Xuân Hương)… luôn thu hút với lượt xem “khủng” và ít nhiều khơi gợi sự tìm hiểu thêm câu chuyện gốc của tác phẩm đối với người nghe.

Với Nam quốc sơn hà cũng vậy, DTAP mong muốn sử dụng nhiều yếu tố mang đậm bản sắc văn hóa của Việt Nam, không phân biệt vùng văn hóa, ngữ điệu vì chung quy đều là tiếng Việt. Âm nhạc cũng thế, là sự kết hợp giữa màu sắc hip hop, rap đang thịnh hành và hò Nam bộ, cũng như bản phối có sử dụng một số âm sắc của Tây Bắc, Nam bộ, Tây nguyên (voi). DTAP cho biết “luôn mong muốn mang được những giá trị văn hóa đến gần hơn với các bạn cùng thế hệ để cùng nhau gìn giữ, phát triển”.

Theo nhạc sĩ - nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha: “Lòng yêu nước không của riêng ai, ai cũng có thể yêu nước theo cách của mình. Khi người trẻ tìm được cách truyền tải bằng âm nhạc như vậy, càng làm cho nhiều người thấu hiểu lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam, thì càng tốt”.

Với nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, việc mang chất liệu - những câu hò, lý cùng đề tài lịch sử, văn hóa dân tộc đặt trên nền của những thể loại âm nhạc đương đại là điều đáng khích lệ. Sắp tới anh cũng trình làng một dự án live concert giao thoa giữa dàn nhạc lớn và âm nhạc dân tộc, nên “tôi rất đồng cảm với các nhà sản xuất trẻ này. Muốn bảo tồn âm nhạc truyền thống, chúng ta phải có nhiều cách để phù hợp với thời đại, chứ không chỉ có trung thành với những giá trị nguyên gốc”.

Tuy nhiên, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cũng đưa ra những lưu ý để tránh được những sai lầm căn cơ liên quan đến quốc hồn quốc túy: “Một, lưu ý về thang âm điệu thức những giai điệu được sáng tạo mới mà không phải bản thân câu hò: phải đặc trưng Việt Nam. Không phải cứ ngũ cung là được, vì có khi công chúng tưởng bài hát Trung Quốc. Hai, những nhạc cụ dân tộc đưa vào cũng phải chơi đúng thang âm điệu thức và câu cú các vùng miền Việt Nam”. Mặt khác, theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: “Lưu ý quan trọng nữa là phải yêu nước chân thành chứ không mượn đất nước để làm cho anh nổi tiếng. Cứ là người bình thường, là con dân đất Việt thể hiện lòng yêu nước của mình”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.