Lăng kính bạn đọc:

Rất cần thiết có luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

M.Giao
M.Giao
(tổng hợp)
07/03/2024 06:11 GMT+7

Bạn đọc rất bức xúc về việc nhiều doanh nghiệp để lộ hàng triệu thông tin khách hàng, đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp hữu hiệu để không xảy ra tình trạng này.

Như Thanh Niên đã thông tin, Bộ Công an đang lấy ý kiến đối với dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Rất cần thiết có luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân- Ảnh 1.

Lực lượng công an triệt phá một đường dây mua bán dữ liệu cá nhân

H.N

Tại báo cáo đánh giá tác động chính sách, bộ này cho biết tình trạng lộ, mua bán dữ liệu cá nhân hiện nay diễn ra phổ biến, công khai và ngày càng phức tạp. Theo Bộ Công an, một trong những nguyên nhân dẫn tới lộ thông tin là do người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân; lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh; hoặc lộ do biện pháp bảo vệ không tương xứng.

Cơ quan soạn thảo dẫn chứng một số vụ việc điển hình. Trong đó, 163 triệu tài khoản khách hàng của Công ty VNG bị lộ; Công ty Thế giới di động và Điện máy xanh để lộ hơn 5 triệu email và hàng chục nghìn thông tin thẻ thanh toán của khách hàng (visa, thẻ tín dụng). Hay như vụ tin tặc tấn công hệ thống máy chủ của Vietnam Airlines, đăng tải lên internet 411.000 tài khoản khách hàng thành viên của chương trình Bông Sen Vàng. Ngoài ra, các công ty môi giới dịch vụ taxi sử dụng thông tin của hành khách bị lộ để mời chào dịch vụ qua tin nhắn SMS…

Đáng chú ý, Bộ Công an đánh giá tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến, công khai, với cả dữ liệu thô và dữ liệu cá nhân đã qua xử lý. Nghiêm trọng hơn, nhiều dữ liệu bị rao bán công khai trong thời gian dài, với số lượng lớn trên không gian mạng. Việc mua bán không chỉ diễn ra đơn lẻ, giữa cá nhân với cá nhân, mà còn có sự tham gia của các công ty, tổ chức, doanh nghiệp.

Theo Bộ Công an, việc xây dựng luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là rất cần thiết, sẽ giúp đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân, ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Chưa bay đã có taxi mời chào

Bạn đọc (BĐ) Trinh Van Huong kể: "Tôi mới mua cái tủ lạnh hôm trước thì hôm sau có người gọi điện nói tôi trúng thưởng này nọ. Họ đọc vanh vách thông tin cá nhân mà tôi đã cung cấp cho bên bán hôm mua hàng. Cũng may là tôi cảnh giác nên không dính vào cú lừa đảo mang danh trúng thưởng".

BĐ Jerry thì cho biết: "Tôi vừa hoàn tất thanh toán vé máy bay từ TP.HCM đi Hà Nội thì một số hãng taxi ngoài Hà Nội đã nhắn tin chào mời, ghi rõ họ tên, giờ bay luôn, có người còn gọi trực tiếp, sợ thiệt!". BĐ helenphuongdung cũng chia sẻ: "Mình chưa bay mà dịch vụ nhà xe đã biết chính xác ngày giờ xuống sân bay để chào dịch vụ. Lại có hôm đang làm việc mà có người gọi điện xưng nhân viên công ty XYZ đọc vanh vách họ tên và địa chỉ của mình, còn nói rõ các lần mua sản phẩm gì ở đó, nay có chương trình tri ân khách hàng đề nghị mình đăng ký và chuyển khoản ký nhận sản phẩm khuyến mãi của công ty…".

Không chỉ có báo trúng thưởng, mời chào xe, có BĐ còn bị đòi nợ, đe dọa dù họ chẳng liên quan. BĐ Lạc Lối bức xúc: "Tôi hay bị bọn đòi nợ gọi, nhắn tin đe dọa, mặc dù tôi chẳng quen biết hay dính líu gì tới người vay tiền của chúng. Chúng biết rõ chức vụ, nơi tôi làm việc, địa chỉ nhà tôi luôn". BĐ boybombin ấm ức: "Mình vừa bị một người giả mạo nhân viên ngân hàng làm thẻ tín dụng lừa hết 6 triệu đồng. Thôi, cũng là bài học sâu sắc về mạng xã hội đối với mình".

Lẽ ra nên làm từ lâu rồi!

Nhiều BĐ cho rằng rất cần thiết phải có luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để bảo vệ người dân, cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. BĐ Cong Can phản ánh: "Đi đâu giờ cũng "bị" xin thông tin: mua viên thuốc uống cũng xin số điện thoại, mua đồ chơi cho con cũng xin số điện thoại… Cà thẻ thanh toán, ngân hàng cũng lấy thông tin rồi, nếu mà không bảo mật cho khách hàng thì thua. Theo tôi, rất cần có luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và có chế tài mạnh để không làm lộ thông tin của người dân".

Cùng quan điểm, BĐ Hieu Pham cho rằng: "Luật này lẽ ra nên làm từ lâu rồi mới đúng. Thời buổi công nghệ, cái gì cũng thanh toán bằng thẻ, mua bán cái gì cũng có yêu cầu thông tin cá nhân, CCCD, số điện thoại… Mỗi lần như vậy là mỗi lần công khai dữ liệu cá nhân. Phải sớm có luật!".

"Trong khi chưa có luật, mọi người phải biết tự bảo vệ mình. Tôi thấy nhiều người có thói quen hay "khoe" nên tự mình làm lộ thông tin cá nhân mà không biết. Có người lên mạng xã hội "khoe" cả hình con cái, gia đình, nhà cửa… Lộ cũng từ đó. Bên cạnh đó, cần theo dõi báo chí thường xuyên để biết những "chiêu trò" mới của bọn lừa đảo mà cảnh giác, đề phòng", BĐ Le Phong góp ý.

* Với số lượng thông tin cá nhân của khách hàng đã bị lộ nhiều như thế thì xử lý thế nào đây? Ai có thể xử lý thỏa đáng được rắc rối này?

Nguyễn Thanh Thanh

* Nhiều doanh nghiệp, đơn vị nóng vội, chạy chỉ tiêu số hóa mà không phát triển theo hướng bền vững, việc bảo mật không theo kịp. Liệu có còn nhiều người bị lộ thông tin cá nhân như thế không?

quachletruong01

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.