Rau ế trên đồng...
Ngày 23.7, anh T.D (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP.HCM) chở 600 kg rau cải ra bán cho thương lái nhưng tới chốt kiểm dịch ở xã thì bị ngăn lại, suýt bị đòi giữ xe vì không tuân thủ quy định chống dịch. Nhưng nghe anh trình bày, lực lượng đứng chốt cũng thông cảm cho lấy xe về nhưng số rau bị tịch thu. Các hộ khác trong vùng không thể đem rau đi tiêu thụ, thương lái cũng không thu mua vì không có phương tiện để vận chuyển. Trước tình cảnh trên, anh D. và các nông dân tại đây đã cầu cứu khắp nơi. May mắn mới đây họ đã được nhóm thiện nguyện mua lại toàn bộ số nông sản trên, với số lượng gần 2,2 tấn để đi cấp phát cho các nơi cách ly, các bếp ăn 0 đồng trên địa bàn TP.HCM.
“Trước dịch mỗi kg rau chúng tôi bán giá khoảng 20.000 đồng, nhưng nay chúng tôi chỉ bán được bình quân 8.000 đồng/kg. Bán với giá này xem như hòa vốn nhưng nếu không bán cũng phải nhổ bỏ vì đến đợt thu hoạch mà không hái, rau sẽ bị già đi, không ai ăn nữa”, anh D. cho hay.
|
Tương tự, các nông dân ở xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cũng cùng nhau viết “tâm thư” cầu cứu khắp nơi để mong được giải cứu nông sản trong vùng. Chị Anh Thư, đại diện cho các nông dân tại đây cho biết, ở đây đa số là trồng rau mồng tơi, rau má, các loại rau thơm nhưng tới ngày thu hoạch mà thương lái không thu mua được nên tồn nhiều quá.
“Chúng tôi đã đi kêu gọi khắp nơi, nhất là các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân cùng chung tay giải cứu rau ăn lá giúp bà con trong xã. Trong đó giá rau má khoảng 7.000 đồng/kg, rau mồng tơi khoảng 5.000 đồng/kg, rau quế 6.000 đồng/kg, rau cải các loại giá 7.000 đồng/kg… Mức giá này đã giảm 1 nửa so với trước nhưng vẫn không ai mua. Chính vì vậy bà con phải làm đơn cầu cứu gửi các nơi mong bán được đồng nào hay đồng đó chứ nhổ bỏ đi thì chết đói mất”, chị Anh Thư nói.
Củ đậu già dưới đất... không ai mua
Ghi nhận của PV Thanh Niên, các xã như Xuân Đông, Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ; xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) chủ yếu chăn nuôi, trồng các cây công nghiệp và các loại rau củ ngắn ngày như: cà pháo, đậu bắp, dưa leo, đậu đũa, bí, củ sắn (củ đậu). Thời gian qua do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 các chợ bị cấm nên không có người mua, ước tính khối lượng củ đậu hiện nay có khoảng trên dưới 5.000 tấn cần được tiêu thụ gấp.
Theo anh Nguyễn Văn Thanh (39 tuổi, ngụ ấp Cọ Dầu 2, xã Xuân Đông), gia đình anh có 5 sào đất (5.000 m2) trồng củ đậu. Giống củ này một năm chỉ trồng được một vụ, mỗi vụ mất hơn sáu tháng mới được thu hoạch. Các năm trước, giá bán từ 3.500 đến 4.000 đồng/kg, nếu trừ hết chi phí mỗi sào còn dư chừng 10 triệu đồng. Nhưng năm nay dịch bệnh nên thương lái không về mua, gia đình anh chỉ bán cho mấy đầu mối trong xã với số lượng ít ỏi không đủ chi phí thuê nhân công.
“Củ đậu đến giai đoạn già thì phải nhổ, để lâu lá rụng hết không nhổ được, củ sẽ thối. Nếu không giải phóng kịp thời thì ước tính riêng gia đình tôi thiệt hại gần 100 triệu đồng”, anh Thanh chia sẻ.
|
Chị Ngô Thị Hậu (43 tuổi, ấp Thoại Hương, xã Xuân Đông) buồn bã, cho biết chị là đầu mối thu gom hàng trực tiếp từ các hộ trồng trọt trong địa bàn, sau đó cung cấp cho thương lái ở các chợ đầu mối lớn nhỏ trong khu vực phía nam, mỗi ngày cả chục tấn rau củ. Ngoài gia đình chị, trong xã còn có bốn, năm gia đình cũng thu gom để bỏ lại cho các thương lái. Thời gian khoảng một tháng đổ lại đây, do tình hình dịch bệnh quá nên các thương lái không về lấy vì thế hàng không ra được nằm ùn ứ la liệt hết khiến chị cũng không buôn bán gì được. Bà con chở tới cứ để đống lớn nhỏ, bán được nhiêu thì bán.
“Lâu lâu có vài khách lẻ tẻ và một số mạnh thường quân về mua nhưng chẳng thấm vào đâu. Bản thân tôi cũng thấy rất tội cho người dân vì nhiều loại rau củ để lâu hư hỏng hết phải đổ bỏ hoặc để phơi nắng, phơi mưa luôn ngoài đồng chẳng thèm thu hoạch”, chị Hậu chia sẻ.
|
Trao đổi với chúng tôi, chị Phạm Thị Thanh Loan, cán bộ nông nghiệp của xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, cho biết tổng diện tích đất nông nghiệp trong địa bàn xã có hơn 2.000 ha, trong đó có 4 ấp trồng củ đậu với diện tích hơn 20 ha, khối lượng khoảng 1.500 tấn nếu thu hoạch hết. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp không có thương lái mua, nên sản lượng củ đậu năm nay tồn đọng rất nhiều.
Vừa qua, UBND xã cũng đã gửi công văn lên Phòng Nông nghiệp huyện và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai nhờ giải cứu giúp người dân trong xã. Sau đó cũng được giải cứu nhưng số lượng không đáng kể. “Tình hình hiện nay khá là khó khăn đối với người dân, mong sao các cơ quan truyền thông cũng như các mạnh thường quân ra tay hỗ trợ kịp thời để phần nào đó giúp bà con vượt qua giai đoạn khó khăn này”, chị Loan nói.
Bình luận (0)