Cũng tại Đà Lạt, chưa bao giờ diễn ra tình trạng nhà vườn vừa xuống giống rau đã có người đến đặt cọc với giá “tận trên trời” như trong vài ngày vừa qua.
Vét hàng
Sáng 8.11, tại chợ Đà Lạt, giá xàlách mỡ Đà Lạt được nhà buôn thu mua (để đóng hàng đưa đi các nơi) ở mức 24.000 đồng/kg. Trong khi đó, tháng trước, giá này chỉ là 6.000 đồng/kg. Bà Hoàng Thu Hà - một trong những nhà buôn chuyên phân phối rau đường dài ra tỉnh ngoài (Đà Lạt - TPHCM, Đà Lạt - Nha Trang, Đà Lạt - Đà Nẵng...) than thở: “Giá cao, chấp nhận. Nhưng quan trọng là chẳng đủ hàng để đóng cho các đại lý tỉnh ngoài”.
Ông Phạm Văn Án - GĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng - cho biết: “Đợt mưa lũ vừa qua, vùng rau nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bị thiệt hại nặng nề nên lượng rau cung cấp cho thị trường trong những ngày này đã giảm sút đáng kể”. Theo báo cáo sơ bộ của cơ quan chức năng, chỉ tính riêng trong vài ngày đầu tháng 11 (từ 1 - 4.11) và chỉ tính riêng việc xả lũ hồ thủy điện Đa Nhim (huyện Đơn Dương) đã làm cho gần 700ha rau của hai huyện phía hạ nguồn là Đơn Dương và Đức Trọng bị thiệt hại nặng nề (mức độ thiệt hại lên đến 80%). Còn tại Đà Lạt - vựa rau lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, mặc dầu diện tích bị ngập úng không đáng kể, nhưng trong suốt những ngày mưa bão, tình trạng rau bị giập nát, xuống cấp, phải thu hoạch non... cũng diễn ra khá phổ biến.
Thêm vào đó, nguyên nhân khiến cho rau Đà Lạt tăng giá vùn vụt còn là do vùng rau các tỉnh khác - nhất là các tỉnh miền Trung - gần như mất trắng do mưa bão trong những ngày qua. “Chỉ ngay sau khi Đà Lạt vừa dứt mưa dầm, từ 5 - 8.11, nhà buôn đường dài cùng với đại lý rau tại chỗ đã tung toàn bộ lực lượng xuống tận vườn để vét hàng khiến cho nhà nông không kịp trở tay trước “cơn bão” lạ này!” - bà Hoàng Thu Hà ví von.
Các siêu thị... điêu đứng
Ngày 8.11, tại vườn, giá 1kg côrôn được thu mua ở mức 10.000 đồng - tăng gấp 10 lần so với cách nay mười ngày và gấp 12 lần so với cách nay hơn một tháng. Cùng với côrôn, cải thảo “đặc sản Đà Lạt” cũng vọt lên gần 10.000 đồng/kg; trong khi tháng trước, 1kg cải thảo chỉ không quá 2.000 đồng. Bà Hoàng Thị Hà cho biết thêm: “Mọi năm, khoảng giờ này, nhà vườn phải tự mang rau đến đại lý để cân. Còn những người “trung gian” như chúng tôi, phải phân loại thật kỹ “hạng” rau rồi mới mang đến cho các cơ sở chế biến xuất khẩu. Mấy năm trước, nợ cứ “dắt dây” - cơ cở chế biến xuất khẩu nợ đại lý, đại lý nợ nông dân..., nhưng nay thì không: Nhà máy chế biến phải ứng trước tiền cho đại lý, đại lý ứng cho nông dân...”.
Tại Hợp tác xã Anh Đào (Đà Lạt) - một trong những “đầu mối” chuyên sản xuất và cung cấp rau sạch cho các siêu thị, những ngày này, những người làm dịch vụ ở đây đã phải “vắt giò lên cổ” tìm nguồn hàng để cung cấp cho hệ thống siêu thị Saigon Co.op như đã thỏa thuận được ký kết cách nay vài tháng. Hiện tại, mỗi ngày hệ thống siêu thị Saigon Co.op (Saigon Co.op Mart, Saigon Co.op Food...) trong cả nước tiêu thụ đến 50 tấn rau các loại; trong đó nguồn hàng được cung ứng từ Lâm Đồng chiếm đến 70%. “Mấy ngày qua, nguồn rau củ cực kỳ khan hiếm, chúng tôi chạy mướt mồ hôi hột vẫn không thể đáp ứng nổi khoảng 50% lượng hàng cho hệ thống siêu thị này” - một cán bộ của HTX Anh Đào lo lắng.
Coi chừng vụ tới lại bị ế. Hiện tại, lượng rau của Lâm Đồng không đủ để thỏa mãn nhu cầu thị trường; nhưng, theo dự báo của Sở NNPTNT Lâm Đồng, việc “khát” hàng ở thị trường rau trong cả nước, trong đó có thị trường miền Trung, sẽ không kéo dài; bởi các vựa rau tại chỗ ở đó cũng sẽ nhanh chóng phục hồi diện tích. “Rất có thể vào vụ tới, đặc biệt là vụ rau tết, các loại rau, củ, quả của Đà Lạt và Lâm Đồng sẽ trở lại ế ẩm, sẽ lại “dội hàng”!” - nhận định của Sở NNPTNT Lâm Đồng vừa đưa ra như một lời cảnh báo. |
Theo Lao Động
Bình luận (0)