Có thể nói rau nghệ là loại rau khá đỏm dáng. Toàn thân cây rau chẳng khác nào những cánh huệ được kết nối liên tiếp nhau. Gốc rau trắng nõn nà. Dần lên trên, thân rau chuyển màu vàng phơn phớt. Gần đến ngọn, rau ngả màu nâu đậm. Đến ngọn, rau thăng hoa xòe ra những cánh hồng tươi thắm. Dường như toàn bộ cây rau là một cuộc chơi phối màu của mẹ đất. Vì vậy mà có người ví von rằng rau nghệ là “hoa hậu” của các loài rau.
|
Muốn có một đĩa rau nghệ “chuẩn”, khi nhặt nhớ loại bỏ những cánh bị dập, rứt thân rau ra thành từng đoạn ngắn. Để làm phong phú đĩa rau, đồng thời tạo sự cộng hưởng mùi vị, các bà nội trợ thường trộn vào một ít lá giang và lá sứng. Điều ngẫu nhiên và thú vị là hai loại lá này mọc không xa rau nghệ là bao nên người hái chẳng phải nhọc công tìm kiếm.
Cho rau vào nồi nước đang sôi. Đảo vài dạo cho rau chín đều. Chờ nước vừa sôi lại là bắc ngay nồi rau xuống. Vớt rau ra, dùng đũa tre ép nhẹ vào rau để thải bớt nước. Xới rau thật rời để khi gắp đũa rau gọn gàng, khỏi dính chùm, dễ bị mang tiếng là... tham ăn.
Rau nghệ luôn “ừ” với nhiều loại nước chấm theo khẩu vị từng người. Có thể chấm rau nghệ với nước tương, mắm lọc... Tuy nhiên, theo khẩu vị số đông thì “hoa hậu” rau rất “ăn rơ” với “thảo dân” mắm cái, thường là mắm cá cơm. Gặp mắm này thì cả bát to rau nghệ cũng hết. Nhưng dù là loại nước chấm nào thì rau cũng hội đủ ba vị: hăng nồng của nghệ, bùi của lá sứng, chua của lá giang. Những vị này “giao thoa” một cách tinh tế với nhau khiến người ăn càng thêm ngon miệng. Chén cơm vì thế mau hết. Chén nước chấm cũng nhanh vơi vì “có rau đau mắm”.
Đầu đông, những lọn rau nghệ xinh xắn lại theo chân những bà mẹ quê ra chợ. Vẻ đẹp rau nghệ làm tươi sáng một góc hàng rau. Muốn mua loại rau “quý phái” này phải đi chợ sớm. Ai rề rà thì một nhánh cũng chẳng có mà mua.
Trần Cao Duyên
Bình luận (0)