Rau quả luẩn quẩn chờ giải cứu

25/07/2022 06:30 GMT+7

Tỷ lệ rau quả được chế biến, bảo quản chiếm rất nhỏ so với tổng sản lượng sản xuất hằng năm. Số lượng cơ sở chế biến, bảo quản còn ít, công nghệ èo uột, lạc hậu khiến nhiều loại nông sản phụ thuộc vào bán tươi, luôn chực chờ giải cứu khi vào mùa vụ.

Không giải cứu thì cũng rớt giá thê thảm!

Xã Tráng Việt, H.Mê Linh (Hà Nội) là vựa trồng củ cải nổi tiếng ở miền Bắc. Thế nhưng, trong giai đoạn từ 2018 - 2021, chính quyền địa phương ở đây ít nhất 2 lần kêu gọi giải cứu củ cải.

Nhiều loại trái cây dư thừa sản lượng chất đống trên vỉa hè chờ giải cứu tại TP.HCM mỗi khi thị trường biến động

Chí Nhân

Đợt giải cứu tháng 3.2018 diễn ra khi giá củ cải rơi xuống 1.000 đồng/kg. Các vùng trồng ở Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội... đều được mùa bội thu do thời tiết thuận lợi, củ cải lớn quá nhanh. Đến tháng 2.2021, củ cải ở Tráng Việt thêm một lần phải kêu gọi người tiêu dùng “hỗ trợ tiêu thụ” khi giá bán lại xuống thấp, tiêu thụ chậm, nông dân bỏ thối hỏng trên đồng.

Chúng tôi đang tăng dần tỷ lệ sản phẩm chuối chế biến và giảm dần sản phẩm chuối xuất tươi để bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Thị trường này bây giờ rất khó tính và kèm theo nhiều yêu cầu phức tạp đối với mặt hàng trái cây tươi

Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom, Đồng Nai)

Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt), cho biết đơn vị này liên kết với 1.000 hộ dân. Mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường khoảng 28.000 tấn củ cải, tính ra vào vụ thu hoạch, mỗi ngày đưa ra thị trường 200 tấn, chủ yếu là bán tươi; và chỉ cần một biến động nhỏ từ thị trường thì lượng sản phầm dồn ứ sẽ rất lớn.

“Ngoài củ cải, chúng tôi cũng có sản lượng lớn là cà chua có thể cung cấp nguồn nguyên liệu chế biến củ cải sấy khô hoặc làm tương cà chua, nhưng khi không bán tươi được thì chỉ còn biết kêu gọi người tiêu dùng hỗ trợ”, ông Đua nói.

Cũng theo ông Đua, trong cuộc giải cứu quy mô lớn từ năm 2018, HTX dịch vụ tổng hợp Đông Cao nhận được rất nhiều lời đề nghị, cam kết liên kết hợp tác làm vùng nguyên liệu, nghiên cứu chế biến củ cải khô xuất khẩu. Nhưng đã hơn 4 năm trôi qua, các cam kết này vẫn nằm trên giấy. Củ cải và nhiều loại rau khác vẫn phải bán tươi khi được mùa, ngoài nỗi lo giải cứu thì rớt giá cũng là câu chuyện kéo dài nhiều năm qua.

“Giá củ cải đầu vụ là 14.000 đồng/kg và có những thời điểm giảm xuống chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg, gần như năm nào cũng có một đợt giá giảm sâu như thế”, ông Đua nói.

Cũng như củ cải ở Hà Nội, suốt từ năm 2019 đến nay, chuối và dứa ở Lào Cai nằm trong số những nông sản phải giải cứu nhiều nhất. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, trước năm 2019, toàn bộ dứa, chuối ở Lào Cai đều có thương lái Trung Quốc thu mua, thậm chí đặt tiền cọc từ khi quả còn non… Khi dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc siết chặt kiểm soát biên giới khiến chuối, dứa lao đao. Năm 2019, giá dứa tại H.Mường Khương (Lào Cai) xuống đến 2.000 đồng/kg nhưng không có người thu mua. Người dân bỏ dứa chín thối trên nương.

Sau quả dứa, tháng 8.2020, quả chuối Lào Cai rơi vào cảnh bi đát khi Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu. Chỉ riêng tại xã Bản Lầu, nông dân phải đổ bỏ trên 1.000 tấn chuối. Theo Sở Công thương tỉnh Lào Cai, giá chuối xuất khẩu từ 6.000 - 8.000 đồng/kg rớt xuống còn 2.000 đồng/kg vẫn không có người thu mua.

Gần đây nhất, tháng 3 năm nay, UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục yêu cầu các sở, ngành vào cuộc hỗ trợ người dân tiêu thụ gần 10.000 tấn dứa khi một số nhà máy thu mua chế biến ngừng hoạt động do thị trường xuất khẩu sản phẩm dứa đóng hộp bị ảnh hưởng bởi chiến sự Nga - Ukraine. Theo thống kê, Lào Cai đã phát triển trên 2.000 ha trồng dứa nhưng chỉ một phần nhỏ số này được doanh nghiệp liên kết thu mua để chế biến dứa đóng hộp. Một phần nhỏ dứa Lào Cai được tiêu thụ trong nước và phần lớn đều trông chờ vào thị trường Trung Quốc.

Ám ảnh vấn nạn được mùa mất giá

Thủ phủ của rau quả phía nam cũng ám ảnh bởi tình trạng trồng - chặt, chặt - trồng; được mùa mất giá. Những hình ảnh rau, trái, hoa... vứt bỏ trên đồng không thu hoạch, hay cho bò ăn, vứt trôi sông... không còn xa lạ với người nông dân nuôi trồng cũng như người tiêu dùng. Trong khoảng nửa năm nay, xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ chủ lực Trung Quốc hạn chế mở cửa bởi chính sách “Zero Covid”, chuỗi cung ứng bị đứt gãy và chi phí vận chuyển tăng cao theo giá xăng dầu khiến nhiều thị trường khác lao đao. Những yếu tố đó làm cho nhà vườn khốn khó vì không bán được hàng, giá thấp.

Tại thị trường TP.HCM, giá nhiều loại trái cây đặc sản cao cấp như xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, sầu riêng Ri 6... có thời điểm chỉ còn 50.000 - 60.000 đồng/kg; thấp hơn trung bình nhiều năm 20.000 - 30.000 đồng/kg. Thảm hại hơn là các loại cam, quýt, ổi, khóm, thanh long, dưa hấu… có nhiều thời điểm giá chỉ còn 5.000 - 10.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn tiếc của, không muốn đổ bỏ, cố gắng chuyển lên TP.HCM tiêu thụ. Tuy nhiên, do sản lượng quá nhiều nên cảnh trái cây phải phơi mưa phơi nắng ở lề đường, vỉa hè do người dân thành phố không thể giải cứu hết.

Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom, Đồng Nai), cho biết: Với 30 thành viên liên kết sản xuất theo chuỗi, HTX có trên 300 ha chủ yếu trồng chuối, năng suất trung bình từ 48 - 60 tấn/ha/năm. Sản phẩm của HTX Thanh Bình đã xuất khẩu đi Hàn Quốc, Đài Loan, các nước Trung Đông và đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Dù vậy ở HTX Thanh Bình vẫn có tới 75% sản lượng chuối được xuất tươi và 25% còn lại dùng làm nguyên liệu chế biến chuối sấy và bột chuối.

“Chúng tôi đang tăng dần tỷ lệ sản phẩm chuối chế biến và giảm dần sản phẩm chuối xuất tươi để bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Thị trường này bây giờ rất khó tính và kèm theo nhiều yêu cầu phức tạp đối với mặt hàng trái cây tươi; Trong khi các thị trường khác ở xa đang bị “vướng” ở khâu vận chuyển mất nhiều thời gian và bảo quản khó. HTX phải chuyển hướng trồng rải vụ, đi vào chế biến sâu để giảm bớt áp lực từ thị trường, giúp công nhân có công ăn việc làm ổn định quanh năm”, ông Hùng nói.

Nghiên cứu của Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch cho biết, nếu mỗi người VN tiêu thụ khoảng 71 kg rau quả/năm (53 kg rau/năm và 18 kg quả/năm) thì tổng sản lượng tiêu thụ rau quả nội địa chỉ đạt trên 6,3 triệu tấn/90 triệu người. Vẫn còn trên 24,6 triệu tấn phục vụ xuất khẩu và chế biến; và 76% rau quả xuất khẩu hiện nay chưa qua chế biến, tiêu thụ chủ yếu ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản. Ngành chế biến chỉ đáp ứng khoảng 8 - 10% tổng sản lượng rau quả sản xuất trong năm.

Phụ thuộc quá lớn vào bán tươi chính là nguyên nhân khiến rau quả trong nước nói riêng và nhiều loại nông sản nói chung vẫn trong vòng luẩn quẩn nếu không giải cứu thì cũng rớt giá, đổ bỏ.

Sản lượng rau quả chế biến quá thấp

Báo cáo của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông lâm sản (Bộ NN-PTNT), trong năm 2021, tổng sản lượng trái cây trên cả nước đạt trên 11,6 triệu tấn, trong đó nhiều nhất là chuối hơn 2,1 triệu tấn; thanh long và nhóm sản phẩm cam, quýt mỗi loại đều trên 1,3 triệu tấn. Tổng sản lượng rau, củ các loại đạt trên 19,2 triệu tấn. Tỷ lệ rau quả được chế biến hiện nay chỉ đạt khoảng 12 - 17%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.