14 giờ 30 phút chiều qua 17.2, có mặt tại chợ đầu mối rau xanh Vân Trì (xã Vân Nội, H.Đông Anh, Hà Nội) tôi vẫn thấy cả trăm người nông dân đang đứng, ngồi bên những đống rau xanh.
Lượn một vòng chợ, thi thoảng mới bắt gặp cảnh dân buôn đang hỏi mua rau với cái giá rất... bèo: su hào 200 - 400 đồng/củ, rau cải Đông Dư 300 đồng/kg, bắp cải 500 - 600 đồng/kg...
50 ngàn đồng một xe rau
Đây là lần thứ 2 trong một khoảng thời gian ngắn, người trồng rau ở Hà Nội và các tỉnh lân cận chịu thiệt khi phải bán rau với giá quá rẻ. Trước đó, sau trận lụt lịch sử, rau xanh khan hiếm, người ta đua nhau trồng các loại rau ăn lá ngắn ngày để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng để rồi khi bán ra đồng loạt, gây nên cuộc khủng hoảng thừa. Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác dự báo, xây dựng quy hoạch và hướng dẫn người nông dân sản xuất để tránh những rủi ro.
Gặp tôi, ông Tô Văn Chiến (thôn Tiên Du, xã Ngọc Khê, Đông Anh) cho biết: “Từ sáng đến giờ mới bán được hơn 1 bao tải rau và mấy cân đậu. Còn hơn 3 bao tải rau nữa, chắc phải đem về nhà cho lợn, cho cá ăn mất thôi”.
Nói rồi, ông Chiến thò tay vào túi quần, móc ra một ít tiền lẻ và đếm được 30 ngàn đồng. “Chú thấy người trồng rau bây giờ có khổ không? Mất một buổi chiều ra đồng hái rau, thêm một buổi sáng ngồi ê đít ở chợ cũng chỉ nhặt nhạnh được có chừng này. Còn công sức chăm bón bao ngày, còn tiền vốn đầu tư nữa chứ. Rõ khổ, nhà tôi trồng những 7 sào rau các loại. Bán buôn còn chưa hết, nói gì tới chuyện đi bán dạo trên phố cả ngày chỉ được mấy chục củ su hào, vài chục mớ rau”.
Bà Trần Thị Tươi (thôn Ba Chữ, xã Vân Nội) góp chuyện: “Sáng giờ tôi bán 1 xe rau nhưng chỉ thu được 50.000 đồng. Người ta cứ đua nhau trồng rau, giờ đồng loạt bán ra, giá rẻ nên đành chịu”.
Bà Tươi kể: có một bà đem cải chíp ra chợ bán, người ta trả rẻ quá nên gánh về, bảo đem ra ruộng rải làm phân bón, có những người hàng xóm của bà phải phá bỏ rau ngay tại ruộng.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết (xã Vân Nội), sau Tết, giá rau liên tục xuống thấp, nhiều người tính chuyện “găm hàng”, chờ giá lên mới bán nhưng càng đợi, giá càng xuống thấp trong khi rau đã quá lứa, có bán cũng chẳng ai mua nên đành phá bỏ.
Tôi rời chợ Vân Trì khi những người nông dân đang chất rau ế lên xe trở về nhà. Tại cánh đồng rau Vân Nội, tôi bắt gặp một ruộng rau cải Đông Dư rộng khoảng 1 sào mới bị băm nát.
Cạnh đó là một đám su hào bị băm nhỏ nằm la liệt khắp nơi. Anh Lại Văn Quang (thôn Đông Tây, xã Vân Nội), chủ nhân của đám rau cải Đông Dư cho biết: “Rau bị sâu nhưng giá một bình thuốc 15 ngàn đồng, phải bán 3 yến rau mới đủ tiền mua nên tôi đành bỏ mặc. Tiếc công chăm sóc lắm nhưng cũng bấm bụng phá bỏ, biết sao bây giờ”.
200 đồng một củ su hào
Người trồng rau ở xã Bắc Hông (H.Đông Anh) còn bi đát hơn nhiều. Chị Phan Thị Loan (thôn Quan m) đang cấy lúa trên mảnh ruộng rộng gần 1 sào còn lổn nhổn những cọng rau xanh.
Vừa đưa tay nhấn những cọng rau xuống bùn rồi thoăn thoắt bẹo mạ cấy, chị Loan vừa nói: “Giá rau rẻ quá chú ơi. Tôi mới phải phá cả ruộng cải lá để làm đất cấy lúa đấy. Nhà còn 1,5 sào su hào nữa, chắc cũng sẽ phải chặt bỏ trong nay mai”.
Chất rau ế lên xe đem về |
Tôi hỏi: “Sao chị không chặt đem ra chợ bán vớt vát lại chút vốn?" thì nhận được câu trả lời: “200 đồng một củ su hào. Tiền vào chợ đã 4 - 5 ngàn đồng, tính ra mất đứt vài chục củ rồi còn gì. Tốn công, tốn sức nhưng có bán được rau, tiền thu về cũng chẳng bõ bèn gì”.
Cách đám ruộng chị Loan đang cấy không xa, chị Nguyễn Thị Hoài (thôn Mỹ Nội) đang dùng dao phay chặt và băm nát những cây cải thảo. “2 sào rau đấy anh. Tiếc lắm nhưng chẳng làm thế nào được. Rau bị sâu bệnh, nếu phun thuốc sẽ khỏi nhưng giá rau rẻ như bèo, nhà tôi đành bỏ mặc” - chị Hoài than thở.
Theo chị Hoài, hồi trước Tết Nguyên đán, vợ chồng chị cũng phải cắn răng phá bỏ tới 6 sào cải ngọt. Ngồi bên những luống rau đã bị băm nát, mắt rớm lệ, chị Hoài nói: “Hai vợ chồng với 2 đứa con trông cả vào mấy sào rau nhưng giờ thì mất sạch rồi. Công sức đêm ngày tưới nước, làm cỏ, bón phân đi toi đã đành, tiền vốn đầu tư vào đó cũng chẳng thu lại được đồng nào. Cộng cả tiền vay sắm Tết, tiền vay mua giống, mua phân... giờ tôi đang mang nợ vài triệu đồng”.
Bùi Trần
Bình luận (0)