Rau ruộng trộn VietGAP

01/12/2014 09:00 GMT+7

Sau một thời gian vào vai nông dân, PV Thanh Niên đã phát hiện sự thật đau lòng khi một số người đang ung dung biến rau thường thành rau đạt chuẩn VietGAP để đưa vào siêu thị, trường học bán giá cao.

Rau ruộng trộn VietGAP
Dù có nhà lưới, người dân vẫn đề bảng “mới phun thuốc” - Ảnh: Hoài Nam

Năm 2008, Bộ NN-PTNT triển khai mô hình trồng rau VietGAP (viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Vietnamese Good Agricultural Practices” có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở VN), dựa trên 4 tiêu chí: Kỹ thuật sản xuất đúng tiêu chuẩn; An toàn thực phẩm gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất, nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch; Môi trường làm việc phù hợp với sức lao động của người nông dân; Nguồn gốc sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Và 10 bước trồng rau từ đất, giống, phân bón, thuốc trừ sâu...

Rau ruộng trộn VietGAP
Có nhà lưới nhưng hộ chị B. vẫn trồng rau bên ngoài - Ảnh: Hoài Nam

Có nhà lưới nhưng trồng... ngoài ruộng

Tuy nhiên, sau hơn một tháng tìm hiểu, PV Thanh Niên phát hiện không ít vấn đề. Nông dân đầu tiên mà chúng tôi tiếp cận là vợ chồng chị P.T.B, ngụ ấp 4, xã Tân Quý Tây (H.Bình Chánh, TP.HCM). Chưa vào đến nhà, PV đã choáng ngợp bởi một nhà lưới kiên cố rộng khoảng 1.000 m2. Trong lúc đó, chồng chị B. lại đang lúi húi cắt rau muống ở thửa ruộng bên ngoài nhà lưới. Chị B. tất bật phụ chồng sơ chế rau ở ngay bờ ao ẩm thấp để chuẩn bị giao rau cho Hợp tác xã (HTX) Phước An.

 

Trồng VietGAP chỉ cần ghi nhật ký thôi, như mua phân phải có hóa đơn, rồi ngày, giờ bón phân, phun thuốc ngày nào, luống nào trước, đã đủ ngày cách ly chưa, phun thuốc trừ sâu như thế này này...

Chị H., xã Xuân Thới Thượng (H.Hóc Môn)

“Phải dùng các loại thuốc cho rau chứ, nếu không sâu ăn, rau xấu ai dám mua”, vợ chồng chị B. đều khẳng định như vậy khi PV hỏi có sử dụng các loại thuốc cho rau không. Nghe PV nói có kinh nghiệm trồng rau, chị B. hỏi thăm về cách “đánh rầy” vì rau nhà chị bị rầy bủa vây liên tục nhưng mua thuốc chưa đủ mạnh, không trị được.

Theo chị B., toàn bộ đất trồng rau khoảng 1.000 m2 là đất của nhà nên được nước ngoài tài trợ làm cho một nhà lưới. Nhưng có nhà lưới chị vẫn trồng rau bên ngoài vì trồng trong nhà lưới rau nhẹ cân hơn. “Từ khi vào HTX Phước An, họ đưa cho một quyển ghi chép nhật ký trồng rau, ghi hay không do mình thôi, miễn sao rau đẹp là được…”, chị B. nói.

Hộ anh D. ở ấp 1, xã Xuân Thới Thượng (H.Hóc Môn) đã hai năm nay trồng rau giao cho HTX Ngã Ba Giồng mỗi ngày 200 kg gồm rau cải ngọt, xanh và rau dền với giá 5.000 đồng/kg. Hỏi về quy trình trồng rau VietGAP, chị H., vợ anh D. thành thật: “Trồng VietGAP chỉ cần ghi nhật ký thôi, như mua phân phải có hóa đơn, rồi ngày, giờ bón phân, phun thuốc ngày nào, luống nào trước, đã đủ ngày cách ly chưa, phun thuốc trừ sâu như thế này này…”.

Khi PV đề nghị chị H. cho coi giấy chứng nhận VietGAP, thì chị H. bối rối, sau đó chỉ lên HTX Ngã Ba Giồng “tụi em có được giữ đâu, HTX họ giữ hết mà…”. PV hỏi thêm nếu đã ký hợp đồng với HTX về số lượng hằng ngày, nhưng lỡ không đủ rau giao thì sao, chị H. nói ngay: “Ngày nào không đủ rau giao thì tụi em vẫn ra chợ đầu mối mua để bù vào cho đủ số lượng. Tụi em vào HTX cho ổn định để không phải mang rau ra chợ bán”.

Cạnh nhà anh D., có anh H. đang thuê 2.000 m2 đất trồng rau các loại nhưng không giao cho HTX mà vận chuyển ra chợ đầu mối bán. Anh H. đang tưới rau, khi thấy PV thắc mắc vì sao không trồng rau VietGAP thì đáp ngay: “Nói VietGAP chứ gáp gáp cái gì, có khi cả tháng liên tục anh ấy (chỉ anh D. - PV) qua nhà em lấy rau giao cho HTX cho đủ theo hợp đồng”.


Chứng nhận rau VietGAP hết hạn, anh Dân không đi làm lại vì không thể cách ly đúng ngày - Ảnh: Hoài Nam

“Hợp tác xã giữ hết”

Chiều 28.10, một nông dân vào giao rau cải và rau muống cho HTX Ngã Ba Giồng, lúc về PV bám theo thấy nhà ở ấp 1 (xã Xuân Thới Thượng). Anh nông dân cho biết tên T., quê Ninh Bình, vào đây thuê đất làm rau bán chợ đầu mối, nhưng hai năm nay theo mô hình rau VietGAP giao cho HTX khoảng 150 kg rau cải và rau muống/ngày. "Vậy anh có giấy chứng nhận VietGAP không?", PV hỏi. Anh T. không ngại trả lời: “Tôi đâu biết nó thế nào đâu vì HTX giữ hết”.

Cũng ở ấp 1 có khu vườn rộng khoảng 20.000 m2, bên trong có treo bảng lớn “Mô hình cánh đồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP”. Tiếp xúc vợ chồng anh T.V.P thì  được biết ở đây có 7 hộ đến thuê đất trồng rau để bán ở chợ đầu mối, nhưng từ đầu năm 2014 họ bắt đầu trồng rau theo mô hình VietGAP. Mỗi ngày, 7 hộ giao cho HTX khoảng 1,2 tấn rau các loại. Khi được hỏi về giấy chứng nhận VietGAP, vợ anh P. nói: “Cái giấy đó như giấy khen chứ gì, cả 7 hộ dân chúng em có hộ nào được cấp đâu. Từ lúc vào HTX Ngã Ba Giồng, tụi em chỉ được tài trợ một bao NPK, sau đó khuyến nông về hướng dẫn ghi nhật ký trồng rau. Mới ngày hôm qua khuyến nông tới lấy sổ nhật ký và mẫu rau đi kiểm nghiệm, nếu đạt họ mới cấp chứng nhận cho, còn giờ thì chưa được”.

Rau ruộng trộn VietGAP
Khu vực vợ chồng chị B. đang sơ chế rau muống trước khi giao cho HTX Phước An - Ảnh: Hoài Nam

Tương tự như các hộ dân trồng rau VietGAP chưa được cấp chứng nhận, hoặc đã hết hạn, vợ chồng chị P.T.B ở ấp 4, xã Tân Quý Tây (H.Bình Chánh) mỗi ngày giao cho HTX Phước An trung bình 100 kg rau với giá từ 4.000 - 8.000 đồng/kg. Khi được hỏi làm rau VietGAP giao cho HTX nhưng đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP chưa, chị B. kể: “Khi vào HTX họ đưa cho một quyển sổ (sổ hướng dẫn ghi chép áp dụng VietGAP trên rau quả - PV) về đọc. Còn tờ giấy chứng nhận VietGAP ra sao tôi có biết mặt mũi thế nào đâu, miễn sao hằng ngày đủ số lượng rau giao cho Phước An cuối tháng lấy tiền là được”. (còn tiếp)

Chỉ 85 hộ và 4 cơ sở còn hạn

Liên hệ với Sở NN-PTNT TP.HCM, PV Thanh Niên được cho biết trang mạng của Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp hằng tuần đều cập nhập danh sách các hộ dân được cấp chứng nhận VietGAP. Theo trang mạng này, hiện ở TP.HCM có tổng cộng 124 hộ nông dân và 4 cơ sở được cấp chứng chỉ rau VietGAP. Thế nhưng, tính đến ngày 30.11 chỉ 85 hộ nông dân và 4 cơ sở còn hạn.

Theo quy trình trồng rau VietGAP, những hộ nông dân (hoặc xã viên) muốn trồng rau tiêu chuẩn VietGAP sẽ được đi tập huấn, sau đó về trồng thử nghiệm. Thời gian trồng thử nghiệm sẽ có cán bộ khuyến nông tới hướng dẫn cách trồng. Sau đó rau sẽ được lấy mẫu đi kiểm nghiệm thường xuyên. Nếu đủ tiêu chuẩn sẽ được cấp riêng chứng chỉ VietGAP cho từng hộ (có thời hạn). Còn HTX đủ tiêu chuẩn nhà sơ chế cũng được cấp chứng nhận VietGAP (có thời hạn).

Hoài Nam

>> Sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGap
>> Kiên Giang: Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP
>> Trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGap

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.