Rau sạch vật vã tìm đầu ra

17/11/2015 05:51 GMT+7

Dù nhu cầu về thực phẩm an toàn rất cao, nhưng nhiều tổ hợp tác trồng rau sạch, rau an toàn vẫn phải khổ sở tìm thị trường tiêu thụ.

Dù nhu cầu về thực phẩm an toàn rất cao, nhưng nhiều tổ hợp tác trồng rau sạch, rau an toàn vẫn phải khổ sở tìm thị trường tiêu thụ.

Rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP được bày bán tại một cửa hàng rau an toàn trên địa bàn Tây Ninh - Ảnh: G.PRau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP được bày bán tại một cửa hàng rau an toàn trên địa bàn Tây Ninh - Ảnh: G.P
Đầu tư nhiều, giá bán như rau thường
Ông Nguyễn Hữu Hiền, Tổ trưởng tổ hợp tác trồng rau an toàn P.Uyên Hưng, TX.Tân Uyên (Bình Dương), cho biết tổ thành lập từ năm 2010, hiện có 22 thành viên, trồng trên 10 ha các loại rau sạch như mồng tơi, cải xanh, cải thìa, hành lá, đậu bắp, dưa leo, mướp... “Rau sạch của tổ hợp tác chúng tôi sau khi thu hoạch đưa vào siêu thị nhưng số lượng cũng chẳng đáng là bao. Mỗi lần, họ chỉ lấy khoảng 100 kg các loại rau, còn lại chúng tôi tự tìm đường đưa rau đến các chợ đầu mối, chợ tập trung đông dân cư để bán với giá như rau thường”.

Nếu không có địa điểm tiêu thụ thích hợp thì trồng rau sạch khi bán ra các chợ cũng như rau thông thường; đôi khi còn được xem là loại rau hạng 2, hạng 3 bán với giá rẻ hơn vì mẫu mã thường không bắt mắt

Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh
Còn ông Hoàng Thái Hòa, Tổ trưởng tổ hợp tác trồng rau an toàn Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Hòa, H.Phú Giáo, Bình Dương), cho biết trồng rau sạch theo đúng tiêu chuẩn VietGAP phải đầu tư vốn hơn trồng rau thường nhiều lần, từ mua sắm hệ thống tưới, nhà lưới đến áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại vào chăm sóc theo một quy trình khép kín... “Đến ngày thu hoạch thương lái đến vườn thu mua với giá cả tùy theo từng ngày, nhưng cũng chỉ khoảng 5.000 đồng/kg. Như vậy, rau an toàn của chúng tôi có giá cũng chẳng hơn rau trồng bình thường”, ông Hòa nói.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Nông dân P.Uyên Hưng, nhìn nhận: “Sản xuất rau an toàn rất vất vả nhưng giá cả thì không chênh lệch hơn rau thường. Các ngành chức năng cũng hỗ trợ kết nối tìm kiếm thị trường cho các tổ hợp tác sản xuất qua những phiên chợ nông sản, nhưng thực tế thì người trồng rau an toàn vẫn phải tự tìm đầu ra”.
Bị lầm là “rau hạng 2”
Tại Tây Ninh, nông dân trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Ghi nhận thực tế của PV cho thấy, thời gian qua nhiều HTX trồng rau sạch có diện tích lớn trên địa bàn như HTX Hưng Việt (P.Ninh Thạnh, TP.Tây Ninh), HTX Long Mỹ (xã Long Thành Bắc, H.Hòa Thành), HTX Rỗng Tượng (xã Thanh Phước, H.Gò Dầu)... phải lao đao tìm đầu ra.
Anh Đinh Vĩnh Bình, Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP thuộc HTX Hưng Việt, cho biết quy trình trồng rau sạch phải tuân thủ rất nhiều điều kiện. Ngoài tiền vốn đầu tư cho 3 nhà kho (khoảng 20 triệu đồng), nông dân trồng rau sạch còn phải tuân thủ việc sử dụng hoàn toàn thuốc bảo vệ thực vật sinh học để đảm bảo không ảnh hưởng môi trường và sức khỏe con người. Thêm vào đó, người trồng phải đảm bảo đúng thời gian cách ly trên 24 tiếng mới đưa rau ra thị trường. Mỗi ngày, nông dân đều ghi lại tỉ mỉ nhật ký đồng ruộng để theo dõi rau đảm bảo đúng quy trình sạch... “Nhưng để tìm được đầu ra cho rau sạch là một vấn đề nan giải”, anh Bình tâm sự.
Trồng rau sạch tại xã Vĩnh Hòa, H.Phú Giáo, Bình Dương - Ảnh: H.ATrồng rau sạch tại xã Vĩnh Hòa, H.Phú Giáo, Bình Dương - Ảnh: H.A
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh Nguyễn Thái Sơn nhìn nhận: “Nếu không có địa điểm tiêu thụ thích hợp thì trồng rau sạch khi bán ra các chợ cũng như rau thông thường; đôi khi còn được xem là loại rau hạng 2, hạng 3 bán với giá rẻ hơn vì mẫu mã thường không bắt mắt”. 
Mở chuỗi cửa hàng bán lẻ
Trước những nghịch lý nói trên, mới đây Sở NN-PTNT Tây Ninh phối hợp Hội Doanh nhân trẻ của tỉnh thành lập các chuỗi cửa hàng, nhằm tìm thị trường tiêu thụ cho các loại rau sạch (có diện tích trên 100 ha).
Theo ông Nguyễn Thái Sơn, việc hình thành các cửa hàng rau sạch trong thời điểm hiện nay là thật sự cần thiết để người tiêu dùng có thể tiếp cận được với nguồn thực phẩm sạch, đồng thời là điều kiện cấp thiết để duy trì các HTX rau sạch ổn định sản xuất.
“Từ nay đến đầu năm 2016, Sở tiếp tục tạo điều kiện để mở thêm các cửa hàng rau sạch tại huyện Hòa Thành, Tân Châu, Gò Dầu, Trảng Bàng; đồng thời sẽ nhân rộng ra tất cả các huyện, chợ đầu mối để cung cấp trực tiếp cho người dân có nhu cầu và các bếp ăn tập thể như: trường học, công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh”, ông Sơn nói.
Theo chị Nguyễn Thị Thanh Mai, Chánh văn phòng Hội Doanh nhân trẻ Tây Ninh, Giám đốc Công ty CP Doanh nhân Tây Ninh - người chịu trách nhiệm điều hành cửa hàng rau sạch, trước mắt, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng rau sạch để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.