Hơn một tuần trước, trời nắng, nhiều hộ trồng rau tại các vùng trồng rau ở Hà Nội buộc phải thu hoạch rau nên giá rau tại ruộng thấp. Để kiếm thêm, nhiều hộ trồng rau phải mang rau lên tận chợ đầu mối để bán.
“Đem lên chợ đầu mối thì được giá hơn nhưng mấy sọt rau cồng kềnh thế mà bán cũng chỉ được vài trăm nghìn, trừ công chăm bón và lân đạm cũng gần hết”, anh Hoàng Văn Thắc, ở Hoài Đức, bán rau ở chợ Dịch Vọng cho biết.
Tuy nhiên, trong vài ngày gần đây, theo khảo sát của chúng tôi, tại một số chợ đầu mối rau như chợ Dịch Vọng, chợ Phùng Khoang, chợ Hà Đông... giá rau đang có xu hướng tăng và có sự chênh lệch đáng kể giữa các chợ.
Tại chợ Phùng Khoang, Thanh Xuân; chợ Cầu Mới, Hà Đông... giá các loại rau cao hơn khoảng 15% so với giá rau tại chợ Dịch Vọng, Cầu Giấy. Ví dụ: ở chợ Dịch Vọng, rau cải ngồng chỉ có giá khoảng 6.000 đồng/kg thì tại chợ Phùng Khoang có giá khoảng 8.000 đồng/kg, su hào tại chợ Dịch Vọng bán khoảng 2.000 đồng/củ thì chợ Hà Đông bán khoảng 3.000 đồng/củ...
Mức độ tăng giá giữa các loại rau cũng rất khác nhau. Các loại rau ưa thời tiết lạnh như su hào, cải bắp, cà chua... thì giá tăng không đáng kể, chỉ từ 500 đến 1.000 đồng/kg. Còn đối với các loại rau khác như rau muống, cải ngọt... thì giá có tăng mạnh, khoảng 30-40%.
Lý giải nguyên nhân làm giá rau tăng trong vài ngày gần đây, chị Phạm Thị Thảo (người trồng và buôn rau ở Trung Hoàng, H.Chương Mỹ) nói: do thời tiết rét đậm, rau tăng trưởng chậm nên năng suất thấp.
Còn theo chị Nguyễn Thị Thúy (bán rau ở chợ Phùng Khoang) thì nguyên nhân giá rau tăng một phần do mới đây giá xăng dầu tăng. Một lý do khác là gần Tết thì các mặt hàng nói chung đều tăng nên giá rau cũng tăng.
Theo kinh nghiệm của những người trồng rau thì thường chỉ có khoảng 3-4 ngày sát Tết Nguyên đán là giá rau tăng mạnh, còn những ngày khác thì giá rau vẫn ở mức bình thường.
Giá rau Tết năm nay được dự báo cũng sẽ tăng nhưng không tăng đột biến. Một phần vì Tết cũng là thời điểm chính để thu hoạch rau vụ đông. Hơn nữa, Tết đến, rau từ các tỉnh cũng ồ ạt chuyển về Hà Nội làm giảm khả năng tăng giá.
Để chờ giá rau tăng, nhiều người trồng rau thu hoạch cầm chừng, đợi những ngày sát Tết. “Hi vọng giá rau tăng ít nào hay ít đấy chứ cứ rẻ như mấy hôm trước thì chắc mất ăn Tết”, chị Hoàng Thị Phượng, quê ở Đan Phượng cho biết.
Tuy nhiên, cái khó của việc thu hoạch cầm chừng là rau đã đến kỳ thu hoạch nếu cứ tiếp tục chăm sóc trong điều kiện thiếu nước như hiện nay sẽ mất rất nhiều công sức.
Vì thế, một số hộ gia đình vẫn phải thu hoạch đi bán dù biết là đợi thêm thì sẽ được giá hơn. “Để đấy mãi rồi công chăm cũng quá tội, hạn hán kéo dài nên việc tưới nước cho rau vất vả lắm”, anh Hoàng Tiến Trình, chủ một vườn rau ở Tây Tựu chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù giá rau tăng, nhưng người trồng rau vẫn buồn. Nguyên nhân là ngoài việc trời rét đậm làm năng suất giảm, đợt hạn hán kéo dài (một biểu hiện rõ nét là sông Hồng cạn nước ở mức kỷ lục) nên người trồng rau mất rất nhiều công chăm bón, tưới nước cho rau.
Năm nay giống rau lại đắt hơn những vụ trước nên chi phí trồng rau tăng lên đáng kể. “Lúc cao thì năng suất kém, lúc được mùa thì rau rớt giá nên tính ra chẳng được lãi lời là bao”, chị Trần Thị Thanh, nhà ở Tây Tựu bán rau tại chợ Dịch Vọng cho biết.
Ngẫm nghĩ một lát, chị Thanh lại than thở: “Giá rau tăng lên được một chút nhưng tính ra cuối năm mặt hàng gì cũng đắt đỏ, tăng giá. Mong rằng trồng mấy sào rau cũng đủ để sắm Tết”.
Hà Ly - Thành Chung
Bình luận (0)