(TNO) Người dân Cuba đã tung hô chủ tịch Raul Castro, các tờ báo thế giới nói rằng ông đã thoát khỏi cái bóng của người anh vĩ đại Fidel Castro, nhưng đó chỉ là bước đầu của tương lai Cuba.
Chủ tịch Cuba Raul Castro - Ảnh: Reuters
|
"Raul Castro đang làm những việc Cuba cần. Rất nhiều người đã không tin vào ông, nhưng giờ đây tác phẩm của ông được trưng bày. Ông đang thay đổi đất nước một cách lặng lẽ, không có bài phát biểu nào, và không khoe khoang về nó", Reuters phỏng vấn ngẫu nhiên Jose Fernandez, một giáo viên dạy toán 55 tuổi ở Cuba.
Chiến công của Raul Castro
Reuters cho biết, việc nối lại quan hệ với Mỹ và dỡ bỏ lệnh cấm vận đã khiến nhiều người dân Cuba tin tưởng hơn vào một tương lai thịnh vượng. Hãng tin này nói thêm rằng, trong cuộc diễu hành ở thủ đô Havana, dân Cuba đã hô vang câu: “Viva Raul” (Raul muôn năm – NV).
Ông Raul Castro năm nay 83 tuổi, lên làm Chủ tịch Cuba từ năm 2008 thay thế người anh Fidel Castro. Báo chí nước ngoài trong đó có Reuters đều cho rằng dấu ấn từ ông Fidel Castro quá lớn, đã góp phần che mờ vai trò của ông Raul Castro.
"Anh ấy luôn luôn là một người rất, rất mạnh mẽ", Brian Latell, một cựu chuyên gia phân tích của CIA nói với Reuters. "Ông là đồng minh quan trọng nhất và không thể thiếu của Fidel. Tôi không nghĩ rằng Fidel sẽ tại vị lâu như thế nếu không có Raul”.
Báo chí Mỹ dường như ủng hộ ông Raul Castro khi đưa ra so sánh: Bằng việc thả ông Alan Gross – nhân vật được mô tả là “tù nhân đơn thuần” cùng “hàng chục người Cuba không mấy danh tiếng”, ông Raul Castro đã đổi lại sự tự do cho 3 điệp viên nổi danh của Cuba – những người hùng đã bị giam cầm 16 năm.
Nói cách khác, bên cạnh việc gỡ bỏ gánh nặng “cấm vận”, ông Raul Castro còn được xem là người tạo ra một bước ngoặt lịch sử được đa số trông chờ, cả người dân Cuba lẫn các lãnh tụ và Liên Hiệp Quốc qua các phát biểu của họ.
Xì gà và du lịch
Để đánh giá việc ông Raul Castro nối lại quan hệ với Mỹ là đúng hay sai, thời gian sẽ trả lời. Sự phát triển kinh tế của Cuba có như đông đảo người dân nước này hy vọng hay không, còn tùy thuộc vào sức mạnh của Cuba. Đây là chặng tiếp theo trên con đường xây dựng lịch sử của ông Raul Castro.
Washington Post ngày 18.12 đã phản ứng ngay sau tuyên bố bình thường hóa quan hệ bằng bài viết... thẩm định lại chất lượng xì gà Cuba.
Đó là sản phẩm trứ danh mà Havana luôn tự hào, có điều theo Washington Post, năm ngoái chỉ đúng 3 nhãn hiệu xì gà Cuba đứng trong tốp 25 loại xì gà tốt nhất thế giới. Và tờ báo Mỹ này còn dẫn phát biểu cho biết, cái người Mỹ muốn nhất ở xì gà Cuba chỉ còn là danh tiếng, bắt nguồn từ khao khát cái mà họ không được mua hợp pháp (vì trước đây cấm vận Cuba).
Một hộp xì gà từ Havana - Ảnh: Reuters
|
Cũng hôm 18.12, tờ USA Today đăng bài viết về du lịch Cuba. Theo đó, các chính sách hiện tại chưa cho phép người Mỹ tự do khám phá Cuba một cách đúng nghĩa.
Họ phải ăn, uống, thăm thú theo những địa điểm được chính phủ phê duyệt. Và thực tế nếu có “lách” luật, các chuyến đi đến Cuba cũng sẽ tốn 3.000-4.000 USD – khá cao. Và cũng một câu nói tương tự: Người Mỹ muốn du lịch tận hưởng tại Cuba, hay họ đi vì tò mò do lệnh cấm vận nửa thế kỷ qua?
Câu chuyện về du lịch và điếu xì gà đã phác thảo sơ bộ bức tranh không phải màu hồng qua tuyên bố “nới lỏng kinh tế” của Tổng thống Mỹ Obama.
Nó có nghĩa là, nếu giờ đây mỗi người Mỹ có thể mua tối đa 400 USD đồ đạc từ Cuba, trong đó có thể chi 100 USD cho xì gà và rượu, thì liệu chất lượng của nó có đáng bàn không?
Người Mỹ đã hoài nghi chất lượng xì gà Cuba, và họ cũng chưa biết liệu phòng ốc, nơi nghỉ dưỡng, dịch vụ tại đây có đủ cho các chuyến du lịch hay không.
Sau lệnh cấm vận hứa hẹn tương lai tươi sáng, ông Raul Castro vẫn còn rất nhiều việc phải làm để phát triển kinh tế, hàng hóa, dịch vụ tương ứng để thực sự “chơi với Mỹ”...
Bình luận (0)