R&D: Bàn đạp từ đào tạo tiến sĩ liên kết hàn lâm - công nghiệp

Để cải thiện và thúc đẩy R&D, ngoài các luật giúp các công ty có những ưu đãi trong việc triển khai nghiên cứu, nhà nước cần có những chương trình cụ thể để liên kết khối hàn lâm và công nghiệp.

Bức tranh phát triển khoa học của nước ta có nhiều điểm thay đổi tích cực trong hai thập niên vừa qua, với nhiều chương trình ủng hộ nghiên cứu của nhà nước như NAFOSTED... Tuy vậy, các nghiên cứu R&D vẫn chưa phát triển tương xứng khi các cơ sở hàn lâm vẫn chủ yếu nghiên cứu lý thuyết và khối công nghiệp vẫn chưa chú trọng đầu tư vào nghiên cứu. Để cải thiện và thúc đẩy R&D, ngoài các luật giúp các công ty có những ưu đãi trong việc triển khai nghiên cứu, nhà nước cần có những chương trình cụ thể để liên kết khối hàn lâm và công nghiệp.

Sự liên kết là không dễ, chúng ta từng bàn nhiều về lý thuyết, khái niệm và về các mô hình liên kết từ mấy thập kỷ qua nhưng vẫn chưa có nhiều bước đi thực sự cụ thể để tạo động lực cho sự hợp tác. Nên chăng, đã đến lúc đưa ra các chương trình chi tiết, khi nhiều công ty lớn nhỏ và startup trong nước đã thực sự có khả năng phát triển R&D. Các chính sách và chương trình cụ thể hỗ trợ và thúc đẩy sự liên kết có thể có quy mô rất nhỏ ban đầu để đảm bảo chất lượng cao, và dựa trên những mô hình hiệu quả đã được kiểm nghiệm.

Trong bài viết này, chúng tôi đề xuất một bước bàn đạp có thể thực hiện hiệu quả ngay thông qua việc hỗ trợ và thúc đẩy đào tạo nghiên cứu sinh giữa cơ sở hàn lâm và khối công nghiệp. Chúng tôi sẽ phân tích lý do tại sao loại hình liên kết này rất hấp dẫn với đồng thời cả khối hàn lâm, bên công nghiệp (đặc biệt ưu đãi các công ty nhỏ hay startup trong việc tuyển dụng) và nghiên cứu sinh (NCS). Đặc biệt, mô hình này cũng đòi hỏi trách nhiệm từ các bên chứ không thể trên tinh thần "hợp tác ra kết quả thì tốt, mà không thì là … giao lưu", bởi NCS bắt buộc cần có kết quả nghiên cứu để bảo vệ, còn cơ sở hàn lâm và bên công nghiệp sẽ mất uy tín trầm trọng nếu NCS bế tắc không thể hoàn thành luận án. Sự hợp tác và tính khả thi do vậy sẽ được các bên nghiên cứu nghiêm túc từ bước khởi đầu khi đề xuất cho NCS.

Mô hình liên kết này chúng tôi phân tích dựa trên mô hình đào tạo nghiên cứu sinh liên kết CIFRE của Pháp, nơi từ nhiều năm nay đã chứng tỏ là một mô hình rất phù hợp cho sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ sở hàn lâm và khối công nghiệp, và họ đang ngày càng mở rộng mô hình đó.

Động cơ liên kết

Để thúc đẩy đưa lý thuyết vào ứng dụng mà không để công ty phải gánh chi phí quá lớn, đồng thời để đại học có thêm hứng thú ra khỏi vỏ bọc tháp ngà, từ năm 1981, chính phủ Pháp đã đưa ra chương trình hợp tác mới với tên gọi CIFRE (Convention industrielle de formation par la recherche, tạm dịch là Thoả thuận đào tạo nghiên cứu trong công nghiệp), do ANRT (Association Nationale de la Recherche et de la Technologie, tạm dịch: Hiệp hội nghiên cứu và công nghệ quốc gia Pháp) trực thuộc Bộ Giáo dục đại học và Nghiên cứu Pháp. Với CIFRE, chính phủ Pháp hướng tới mục tiêu hỗ trợ các chương trình nghiên cứu ở bậc tiến sĩ chất lượng cao giữa các trường ĐH và các công ty trong công nghiệp.

Hợp đồng CIFRE được ký kết giữa một trường ĐH và một công ty. Các NCS tiến sĩ khi được tiếp nhận vào chương trình này sẽ ghi danh tại trường ĐH, trở thành sinh viên của trường, đồng thời cũng sẽ được ký kết hợp đồng làm việc có thời hạn (thường là 3 năm) tại công ty. NCS sẽ nhận lương tối thiểu hàng năm khoảng 24.500 euros (số liệu năm 2023 của ANRT [1]). Khoản lương này bao gồm gói hỗ trợ 14.000 euros từ phía chính phủ Pháp cho công ty, phần còn lại sẽ do công ty chi trả. Trên thực tế, mức lương trung bình hàng năm mà các NCS CIFRE nhận được là khoảng 31.000 euros. Với các NCS theo chương trình CIFRE, các công ty sẽ có nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí rất nhỏ.

Ngoài gói hỗ trợ 14.000 euros cho mỗi nghiên cứu sinh từ phía ANRT, các công ty còn được hưởng các ưu đãi khác của chính phủ như về thuế. Cụ thể, chính phủ Pháp còn có ưu đãi về thuế theo chương trình CIR (Crédit d'impôt recherche, tạm dịch là Tín dụng thuế nghiên cứu) nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong khối doanh nghiệp. Lợi thế của các công ty khi tham gia ký hết hợp đồng CIFRE với các đại học là họ được ưu tiên hưởng ưu đãi từ CIR. Với CIR, chi phí thực tế mà doanh nghiệp phải chi trả cho một NCS hàng năm chỉ rơi vào khoảng hơn 8.200 euros (khoảng 212 triệu đồng), con số này chỉ chiếm tầm 27% trong con số 31.000 euros (gần 812 triệu đồng) thu nhập trước thuế mà NCS được nhận. Để hình dung rõ ràng hơn về ích lợi của CIFRE, chi phí mà doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra để trả lương cho một kỹ sư trong ngành IT sẽ là khoảng 40,000 đến 60,000 euros một năm, gấp rất nhiều lần con số 8.200 euros đã nêu ở trên. Từ các con số trên, có thể thấy ưu đãi từ ANRT và CIR thông qua chương trình CIFRE là cực kỳ lớn và có thể là nguồn sống cho nhiều công ty nhỏ hay start-up.

R&D: Bàn đạp từ đào tạo tiến sĩ liên kết hàn lâm - công nghiệp - Ảnh 1.

Tính toán chi phí của doanh nghiệp cho một NCS với hỗ trợ từ ANRT và CIR [7].

Về phía đại học tham gia ký kết hợp đồng CIFRE, nhà nghiên cứu/ đơn vị nghiên cứu đứng ra chịu trách nhiệm hướng dẫn NCS sẽ được công ty tài trợ một khoản tổng cộng ít nhất là 40.000 euros để phát triển các hoạt động khoa học.

Hiệu quả cao, qui mô được mở rộng

Theo thống kê của ANRT [2], Pháp đã tài trợ cho 1750 chương trình tiến sĩ CIFRE vào năm 2023, con số này dự kiến sẽ tăng lên 2150 vào năm 2027. Cũng theo ANRT, 90% các NCS đều có việc làm trong vòng 6 tháng sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ.

R&D: Bàn đạp từ đào tạo tiến sĩ liên kết hàn lâm - công nghiệp - Ảnh 2.

Xu hướng gia tăng hỗ trợ cho các đề tài CIFRE của chính phủ Pháp [3].

Theo báo cáo đánh giá chương trình CIFRE của Guillouzouic và Malgouyres từ Viện nghiên cứu chính sách công và Trường Kinh tế Paris [4], tỷ lệ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ của các NCS theo chương trình CIFRE nhỉnh hơn so với đề tài dạng khác trong 6/10 lĩnh vực khoa học. Cũng theo báo cáo của Guillouzouic và Malgouyres, NCS dạng CIFRE bảo vệ luận án sớm hơn các NCS đề tài dạng khác trung bình 4 tháng.


R&D: Bàn đạp từ đào tạo tiến sĩ liên kết hàn lâm - công nghiệp - Ảnh 3.

So sánh tỷ lệ bảo vệ luận án thành công giai đoạn 2011-2018 của đề tài CIFRE và các đề tài dạng khác [4].

Bên cạnh các tiêu chí về xuất bản các bài báo khoa học như các đề tài thông thường, đề tài CIFRE còn được hội đồng đánh giá ở các tiêu chí liên quan đến tính ứng dụng trong công nghiệp thông qua việc: áp dụng kết quả vào các sản phẩm và quy trình sản xuất của công ty; đóng góp vào các quy trình tiêu chuẩn hoá (standardization) trong công nghệ; đăng ký bằng sáng chế (patents); hay đóng góp vào các sản phẩm mã nguồn mở trong ngành IT... Điều này đưa đến một cái nhìn mở của hội đồng bảo vệ luận án trong việc đánh giá ý nghĩa khoa học của một luận án tiến sĩ, không dựa trên những tiêu chí cứng như đếm số lượng công trình xuất bản…

Để minh hoạ, thống kê từ Báo cáo đánh giá chương trình CIFRE năm 2020 của ANRT [5] cho thấy, có đến 12% các đề tài CIFRE đã có kết quả được đăng ký bằng sáng chế. Ngoài ra, hơn 10% NCS được trao các giải thưởng cho luận án tiến sĩ xuất sắc;

R&D: Bàn đạp từ đào tạo tiến sĩ liên kết hàn lâm - công nghiệp - Ảnh 4.

Kết quả khoa học của các NCS theo chương trình CIFRE năm 2020 [5].

Vòng xoắn ốc hiệu quả

Việc hợp tác giữa khối hàn lâm và khối doanh nghiệp chỉ có thể trở nên thực chất và gắn kết khi có sự đồng hành và xúc tác từ phía nhà nước. Chất xúc tác này làm cho các bên đều cảm thấy có lợi khi tham gia vào một chương trình đào tạo nghiên cứu như CIFRE.

Đối với khối doanh nghiệp, ngoài các ưu đãi rất lớn đã phân tích phía trên, đó là một dịp liên kết với các nhà khoa học chủ chốt ở khối hàn lâm để có tầm nhìn và phương pháp khoa học nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể của doanh nghiệp. Chi phí cho một liên kết mà doanh nghiệp phải trả cho đại học (thông qua tư vấn) nếu không trong chương trình đào tạo CIFRE sẽ cao hơn rất nhiều so với khoản tài trợ của doanh nghiệp cho đại học trong khuôn khổ CIFRE.

Đối với khối đại học, các nhóm nghiên cứu cũng rất hứng thú trong việc tham gia chương trình CIFRE. Đó chính là cầu nối với các công ty để các nghiên cứu viên trong đại học cũng được nhúng vào những vấn đề thực tế, từ đó có thể nảy ra nhiều ý tưởng đẹp. Ngoài ra, nhà nghiên cứu có thể chủ động sử dụng khoản tài trợ của công ty cho các hoạt động nghiên cứu (đó là một khoản lớn nếu so với kinh phí nhà nước cấp cho các nhóm nghiên cứu trong đại học). Nhiều giáo sư đã sử dụng hiệu quả khoản tài trợ này để tổ chức các hoạt động khoa học, giúp các thành viên có thể tham dự các hội nghị quốc tế và trao đổi khoa học. Thêm vào đó, đại học cũng sẽ được hưởng lợi nếu như các nghiên cứu được đăng ký bằng sáng chế và thương mại hoá.

Đối với NCS, một chương trình hợp tác như CIFRE cũng giúp họ tiếp xúc với các môi trường nghiên cứu khác nhau ở cả công ty và trường ĐH, với mức lương thường cao hơn các hình thức đào tạo NCS khác. Rất nhiều bạn làm tiến sĩ trong khuôn khổ này trở thành chủ chốt trong công ty, trong khối R&D và lại đẩy mạnh lên những nghiên cứu ứng dụng, tạo startup... và nảy sinh thêm nhiều đề tài cho CIFRE. Đó là vòng xoắn ốc đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển.

Cuối cùng, nhà nước cũng được hưởng lợi trong cả hai khía cạnh: đào tạo và thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong khối doanh nghiệp. Đây là một sự kết hợp mà độ chắc chắn về việc tạo ra kết quả R&D là cao, bởi nó gắn liền với sự thành công của NCS trong việc thực hiện luận án tiến sỹ. Nền giáo dục và khoa học của đất nước sẽ được hưởng lợi từ các kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao. Nền kinh tế cũng sẽ được hưởng lợi từ các thành quả nghiên cứu và phát triển với đầu tư chất xám cao từ các doanh nghiệp khoa học.

Áp dụng vào Việt Nam có khả thi?

Tại Việt Nam, nhà nước lâu nay đang gặp khó trong việc giải ngân kinh phí cho khoa học (dù bản thân tổng kinh phí cho khoa học tính trên GDP cũng đã rất thấp so với các nước khác). Vậy nên chăng, tạo mới một khung mẫu hỗ trợ kiểu này (mà không giảm kinh phí cho các loại hình khác)? Có thể bắt đầu từ 50 - 100 tiến sĩ dạng này mỗi năm, tạo đà và dần nhân rộng lên sau hàng năm nếu hiệu quả được chứng minh qua thực tế. Hiệu quả hay không khi đó sẽ phụ thuộc vào các công ty có thực sự muốn làm nghiên cứu R&D hay không, dưới điều kiện lý tưởng từ sự hỗ trợ và phối hợp của cả nhà nước và đại học. Chuyện lấy nghiên cứu từ ngăn kéo ra phải thông qua một cơ chế vận hành phù hợp, mà ở đó các bên đều thấy có ích lợi thực sự, chứ không thể tự dưng nhà khoa học bỗng lấy nó ra ứng dụng mà thành công.

Từ một góc nhìn khác, chương trình này có thể hiểu như một dạng "học bổng" nhà nước cho NCS để liên kết Đại học - Công ty. Chi phí cho một NCS trong chương trình này chắc chắn sẽ thấp hơn chi phí học bổng cho một NCS ra nước ngoài. Nói cách khác, thay vì gửi một NCS đi nước ngoài thì chuyển chi phí cho đào tạo NCS trong nước theo khuôn mẫu mới này. Ngay cả khi chúng ta lấy mức lương NCS rất cao theo chuẩn của Pháp (2.700 usd hay 65 triệu/tháng) thì chi phí nhà nước hỗ trợ sẽ là 14.900 USD/năm và nếu tính cả khoản hỗ trợ giảm thuế cho mức lương rất cao đó thì tổng chi phí của nhà nước cũng sẽ chỉ cao nhất là 23000 USD/năm. Chi phí đó là thấp hơn rất nhiều so với chi phí gửi NCS ra nước ngoài. Tất nhiên, khi áp dụng vào mức lương trong nước, chẳng hạn lấy mức rất cao là 22 triệu/tháng cho NCS, tức là ⅓ của Pháp, thì mức hỗ trợ của nhà nước cũng sẽ chỉ còn ⅓ (tầm 8000 USD/năm). Chi phí gửi NCS ra nước ngoài có thể đủ để tài trợ 3,4 NCS theo chương trình đề xuất. Chúng ta vì thế hoàn toàn đủ khả năng thiết lập mới một chương trình đào tạo NCS chất lượng cao R&D như đã nói ở trên (bên cạnh và không ảnh hưởng tới các chương trình đã có khác) nơi tất cả các kết quả nghiên cứu sẽ được giữ lại hoàn toàn cho các cơ sở trong nước (hàn lâm hay công ty).

Đề án 322

Đề án 911

Đề án 89

Chương trình CIFRE

33.000 USD/năm

14000 tỷ VND cho 23000 NCS

Cao nhất: 40.600 USD/năm

23.000 USD (nhà nước) + 8.900 USD (doanh nghiệp)

Triển khai R&D: Bàn đạp từ đào tạo tiến sĩ liên kết hàn lâm - công nghiệp - Ảnh 6.

Phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 (dữ liệu: Bộ Tài chính, hình ảnh: https://kinhtevadubao.vn/)

Theo dữ liệu từ Bộ tài chính, ngân sách nhà nước dành cho khoa học công nghệ năm 2022 chỉ chiếm 1.1% trong tổng chi ngân sách trung ương. Đây là mức rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới [8]. Ngoài ra, theo nhiều báo cáo, chúng ta còn gặp khó khăn trong việc giải ngân chi phí cho khoa học [9]. Do đó, đây là một thời điểm thích hợp để tạo ra một chương trình khung mới để đẩy mạnh các nghiên cứu R&D mà không ảnh hướng đến bất cứ chương trình hỗ trợ khoa học nào sẵn có. Ngược lại, việc phát triển tương xứng R&D trong bối cảnh khoa học sẽ tạo một hệ sinh thái cân đối giữa nghiên cứu cơ bản (rất quan trọng và không thể bị giảm sút) và các nghiên cứu ứng dụng. Sự cân bằng đó sẽ kích thích tất cả các hướng cùng phát triển mạnh lên vì sự giao thoa giữa lý thuyết và ứng dụng ngày càng rộng và đa dạng hơn. Hy vọng quyết tâm đổi mới sáng tạo, kết hợp Nhà nước-Đại học-Công ty được khẳng định. Bên cạnh những Luật định [10] là những bước đi, chương trình cụ thể. Khi khung mẫu đã quá rõ và được thử nghiệm thành công trên thế giới, chúng ta có thể điều chỉnh cách thức cho phù hợp để thử nghiệm ngay trên quy mô nhỏ, nếu hiệu quả sẽ mở rộng dần một cách vững chắc.

Chất xúc tác của nhà nước thực sự quan trọng, tạo nên sự gắn kết, khi bên nào cũng cảm thấy có lợi ích trong mối hợp tác 3 bên này"

-"Chuyện lấy nghiên cứu từ ngăn kéo ra phải thông qua một cơ chế vận hành phù hợp, mà ở đó các bên đều thấy có ích lợi thực sự, chứ không thể tự dưng nhà khoa học bỗng lấy nó ra ứng dụng mà thành công".

 Tham khảo

[1]. ANRT, Tổng quan chương trình CIFRE. Đường dẫn: https://www.anrt.asso.fr/fr/le-dispositif-cifre-7844

[2]. ANRT, Flyer giới thiệu chương trình CIFRE. Đường dẫn: https://www.anrt.asso.fr/sites/default/files/cifre_plaquette_2023.pdf

[3]. ANRT, Báo cáo thường niên năm 2022. Đường dẫn: https://www.anrt.asso.fr/sites/default/files/anrt_rapport_dactivite_2022.pdf

[4]. A. Guillouzouic và C. Malgouyres, Đánh giá hiệu quả của chương trình CIFRE đối với các doanh nghiệp và nghiên cứu sinh tham gia (Évaluation des effets du dispositif CIFRE sur les entreprises et les doctorants participants). Research Report, Institut des politiques publiques (IPP), 2020.

[5]. ANRT, Báo cáo đánh giá chương trình CIFRE từ góc nhìn của nhà tuyển dụng, viện nghiên cứu và nghiên cứu sinh (Evaluation du dispositif Cifre au travers des perceptions de l'employeur, du laboratoire et du doctorant), 2020.

[6]. Vietnamnet, Sau những đề án nghìn tỷ, Đề án 89 cử giảng viên học tiến sĩ có gì mới? Đường dẫn:

https://vietnamnet.vn/sau-nhung-de-an-nghin-ty-de-an-89-cu-giang-vien-hoc-tien-si-co-gi-moi-737047.html

[7]. Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Cộng hoà Pháp, Tín dụng thuế nghiên cứu và Thoả thuận đào tạo nghiên cứu trong công nghiệp (Crédit d'impôt recherche et Conventions industrielles de formation par la recherche). Đường dẫn: https://cache.media.enseignementsup-recherche.gouv.fr/file/Fiches_pratiques_Innovation/08/2/CIR-CIFRE_206082.pdf

[8] Đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển: kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam. Đường dẫn: https://natec.gov.vn/tin-tong-hop/dau-tu-cho-hoat-dong-nghien-cuu-va-phat-trien-kinh-nghiem-quoc-te-va-goi-y-cho-viet-nam/

[9] Vì sao các nhà khoa học Việt Nam không "giải ngân" hết tiền đầu tư? Đường dẫn: https://cand.com.vn/khoa-hoc-quan-su/vi-sao-cac-nha-khoa-hoc-viet-nam-khong-giai-ngan-het-tien-dau-tu--i701731/

[10] Luật Khoa học & Công nghệ. Đường dẫn:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Luat-khoa-hoc-va-cong-nghe-nam-2013-197387.aspx

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.