Resort trái phép mọc đầy Bái Tử Long

29/05/2017 07:04 GMT+7

Theo quy định, khu vực thuộc vịnh Bái Tử Long không được xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ du lịch. Thế nhưng, khoảng 10 năm trở lại đây, trên nhiều hòn đảo lớn nhỏ nơi này mọc lên các khu biệt thự, resort hoành tráng!

Ngư dân đọc vanh vách từng chủ resort


Với chức năng giám sát, chúng tôi đã kiến nghị chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng của tỉnh nhưng các công trình này không hiểu sao vẫn ngày càng mở rộng quy mô và tàn phá thiên nhiên, gây bất ổn về an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy?

Một cán bộ của Trung tâm bảo tồn vịnh Bái Tử Long

Cuối tháng 5, chúng tôi nhờ Duy, một chủ đò chở khách tại đây, đưa ra vịnh Bái Tử Long. Biết chúng tôi là nhà báo, Duy yêu cầu mọi người phải ăn mặc như một ngư dân và không được mang theo máy ảnh khi lên các hòn đảo. Duy tự giới thiệu đã 30 tuổi, quê ở TX.Quảng Yên, Quảng Ninh và "thuộc các hòn đảo trên vùng biển này như lòng bàn tay".
Địa điểm đầu tiên chúng tôi yêu cầu tới là đảo Nêm. Theo Trung tâm bảo tồn vịnh Bái Tử Long, đảo này rộng 4 ha, hiện không có hộ dân nào sinh sống. Thế nhưng, khi vừa nghe tên đảo Nêm, Duy nói ngay: “Đảo này thuộc một đại gia ở TP.Cẩm Phả tên T., đủ tiện nghi phục vụ khách du lịch nhưng phải có người quen giới thiệu thì mới được chấp nhận. Trên đảo nuôi một đàn chó dữ và nhiều bảo vệ nên người lạ khó tiếp cận”. Sau khoảng 30 phút ngồi tàu, đảo Nêm với bãi cát trắng mịn và hàng dừa cao vút hiện ra.
Chúng tôi vừa cập cầu cảng, một xuồng cao tốc chở khoảng 30 người cũng vừa đến. Theo chân họ, chúng tôi vào trung tâm “resort” và choáng ngợp trước các hồ bơi, khuôn viên cây xanh, biệt thự nghỉ dưỡng hơn 30 phòng và gắn biển “resort 3 sao”. Tại đây còn có một ngôi nhà kiểu biệt thự bằng gỗ, 4 căn nhà liền kề 2 bãi tắm, nhà tắm tráng, bến tàu, nhà hàng. Thấy chúng tôi, lực lượng bảo vệ lập tức kiểm tra danh sách và yêu cầu rời đảo với lý do “ở đây không kinh doanh dịch vụ mà là khu nghỉ dưỡng của công ty”.
Chúng tôi đến đảo Bánh Sữa, cách đảo Nêm khoảng 20 phút xuồng máy. Rộng tới 6 ha và Bánh Sữa cũng “không có dân cư sinh sống”. Đây được coi là hòn đảo đắc địa, có điều kiện thuận lợi trong việc nuôi trồng hải sản và yên tĩnh, hoang sơ hơn đảo Nêm, nhưng khu “resort” tại đây không kém phần tráng lệ với khoảng 20 phòng nghỉ đánh số thứ tự như một khu du lịch chính hiệu. Các dịch vụ đều được lắp biển báo: khu vui chơi, bãi tắm, hang động, kayak, phòng karaoke, vườn hoa, khu tập yoga…
Người đàn ông tên Thành, tự nhận là quản lý đảo Bánh Sữa, cho biết giá một đêm nghỉ trên đảo là 1,5 triệu đồng, chưa gồm tiền thuê tàu từ cảng Cái Rồng (H.Vân Đồn, Quảng Ninh) đến đảo. Khách có nhu cầu khác như chơi kayak, karaoke, câu mực đêm, thăm vịnh Bái Tử Long… thì phải trả thêm chi phí. Ông Thành từ chối nói về đơn vị chủ quản khu vực này, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, khu “resort” trên đảo Bánh Sữa thuộc một công ty TNHH. Thời gian đầu, trên đảo chỉ có một căn nhà để công nhân nuôi trồng hải sản ở tạm, khoảng 2 năm gần đây thì được xây dựng thành “resort”.
Rời Bánh Sữa, chúng tôi tiếp tục đến các đảo khác trên vịnh Bái Tử Long: Thẻ Vàng, Cống Chậu, Cống Tây... và tiếp tục chứng kiến tình trạng các “resort” xây ồ ạt. Gần như các hòn đảo nào có vị trí, địa hình đẹp là ở đó có biệt thự, khu nghỉ dưỡng, mà chủ nhân của nó thì ngư dân nào cũng có thể đọc ra vanh vách.
Resort trái phép mọc đầy Bái Tử Long
Hồ bơi trong một resort trên đảo Nêm Ảnh: L.N.H

Chính quyền địa phương không biết?


Tại vùng lõi Di sản thế giới vịnh Hạ Long cũng có tình trạng xây dựng trái phép, núp bóng các dự án nuôi trồng. Ngày 22.5, ông Vũ Văn Diện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, chỉ đạo UBND TP.Hạ Long khẩn trương hoàn thành thủ tục để thu hồi dự án trồng cây lâu năm trên đảo Lờm Bò ngay trong tháng 5.2017.

Theo một cán bộ của Trung tâm bảo tồn vịnh Bái Tử Long (thuộc Ban Quản lý vịnh Hạ Long, có chức năng giám sát các hoạt động trên vịnh này), trên các đảo thuộc vịnh Bái Tử Long khoảng 20 hòn đảo có các công trình xây dựng quy mô lớn và bắt đầu từ khoảng năm 2007, tập trung chủ yếu tại các đảo thuộc quản lý của các xã Thắng Lợi, Bản Sen (H.Vân Đồn). “Với chức năng giám sát, chúng tôi đã kiến nghị chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng của tỉnh nhưng các công trình này không hiểu sao vẫn ngày càng mở rộng quy mô và tàn phá thiên nhiên, gây bất ổn về an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy?”, cán bộ kể trên bức xúc.
Đáng chú ý, chính quyền một số địa phương tại TP.Cẩm Phả, H.Vân Đồn còn tỏ ra lạ lẫm khi PV Thanh Niên phản ánh tình trạng này. Tại một hòn đảo ven bờ thuộc P.Quang Hanh, TP.Cẩm Phả, một “resort” tương tự đang dần hình thành với bãi tắm, nhà hàng, khách sạn với cả một biển quảng cáo trên núi đá “Tuấn Mai Resort”, nhưng khi được hỏi đã có giấy phép xây dựng hay chưa thì ông Phạm Văn Kính, Phó chủ tịch TP.Cẩm Phả, chỉ cho biết công trình có nằm trong quy hoạch, nhưng “giấy phép xây dựng thì chưa cung cấp được vì chủ doanh nghiệp đi vắng”.
Tại H.Vân Đồn, ông Mạc Thành Luân, Chủ tịch UBND huyện, cũng “giật mình” không biết về việc các resort xây trái phép trên địa bàn và đề nghị phóng viên hỏi sang Ban Quản lý khu kinh tế Vân Đồn. Trong khi đó, ông Tô Văn Hải, Phó chủ tịch phụ trách văn hóa, du lịch của H.Vân Đồn, cho biết các hòn đảo trên địa bàn là nơi không được phép tổ chức kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng.
Để làm rõ hơn về hoạt động của các “resort” kể trên, PV Thanh Niên đã liên hệ với ông Đoàn Văn Chỉnh, Bí thư Huyện ủy H.Vân Đồn, và được hứa sẽ lên lịch làm việc nhưng đến nay chưa thấy hồi âm. Riêng ông Châu Thành Hưng, Phó chủ tịch UBND H.Vân Đồn, cho biết tại đảo Bánh Sữa, đảo Nêm chỉ có các dự án nuôi trồng thủy sản được cấp phép, tuy nhiên có thể các doanh nghiệp nuôi trồng đã lợi dụng giấy phép này để xây dựng khu nghỉ dưỡng trái phép.
Với vai trò quản lý các dự án thu hút đầu tư tại khu kinh tế Vân Đồn, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng ban quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: “Các công trình nghỉ dưỡng xây dựng trái phép như vậy là do chính quyền H.Vân Đồn buông lỏng quản lý từ nhiều năm trước. Ngay trong tháng này, chúng tôi sẽ chủ trì phối hợp với UBND H.Vân Đồn rà soát toàn bộ các dự án trá hình nuôi trồng thủy sản, trồng rừng để xây resort trái phép và trình UBND tỉnh xử lý”, ông Tuấn nói.

Quảng Ninh yêu cầu khẩn trương xử lý nghiêm các sai phạm

Trước thông tin của Báo Thanh Niên, chiều ngày 29.5, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo UBND TP. Cẩm Phả và huyện Vân Đồn khẩn trương tổ chức kiểm tra các khu vực đảo được phản ánh trong bài viết. Đồng thời Quảng Ninh cũng yêu cầu hai địa phương kiểm tra tổng thể các đảo thuộc ranh giới vịnh Bái Tử Long nằm trên địa bàn; xác định cụ thể các địa điểm, khu vực có vi phạm quy hoạch, vi phạm trong việc sử dụng đất đai, xây dựng trái phép và có biện pháp xử lý kiên quyết, nghiêm túc theo quy định của pháp luật. Văn bản này cũng yêu cầu phải kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan và báo cáo kết quả về UBND tỉnh để thông tin cho báo chí trước ngày 20.6.2017.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.